Thiếu giáo viên Tin học: 'Giật gấu vá vai' đến bao giờ?
Thiếu giáo viên Tin học, nên việc triển khai bộ môn này theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Muôn kiểu ứng phó
Dù năm học mới đã được 1 tháng nhưng đến nay, Trường Tiểu học Hải Hà (Nghi Sơn, Thanh Hóa) vẫn chưa có giáo viên Tin học. Cô Hiệu trưởng Phan Thị Hải Yến cho hay, nhà trường chưa thể triển khai dạy – học môn Tin học do không có giáo viên chuyên trách. Cùng với đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy – học bộ môn này cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, nhà trường tạm thời dừng xây dựng thời khóa biểu cho bộ môn Tin học.
“Tất nhiên, trong tình cảnh thiếu giáo viên và thiết bị dạy học như hiện nay thì khó có thể đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng. Trước mắt, chúng tôi hướng đến mục tiêu bảo đảm yêu cầu cơ bản và kiến thức, năng lực tối thiểu cần có”, cô Yến bày tỏ.
“Phòng GD&ĐT Nghi Sơn đã có kế hoạch tuyển dụng, hợp đồng giáo viên Tin học để bố trí, sắp xếp cho các trường. Huyện cũng có kế hoạch đầu tư thiết bị, máy tính đáp ứng yêu cầu cơ bản việc dạy – học của thầy – trò”, cô Yến chia sẻ, đồng thời cho biết: Nhà trường sẽ dạy bổ sung sau khi được bố trí giáo viên, đảm bảo yêu cầu về số tiết/năm học và chất lượng đầu ra của học sinh.
Tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang), đến thời điểm hiện tại, toàn huyện chỉ có 1 giáo viên Tin học cấp tiểu học. Vì thế, việc dạy – học bộ môn này ở các trường đang là khó khăn và thách thức không nhỏ. Không có giáo viên Tin học nên 1 tháng qua, thầy Cao Duy Chương – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Sủng Máng - phải trực tiếp đứng lớp giảng dạy bộ môn này cho học sinh lớp 3. Với 2 lớp 3 với gần 80 học sinh, thầy dạy 2 tiết/tuần/2 lớp.
“Kiêm nhiệm khiến tôi gặp không ít khó khăn trong giảng dạy. Tôi không được đào tạo về Sư phạm Tin học. Kiến thức về Tin học có được là do tích lũy kinh nghiệm của bản thân. Khi trường chưa được bổ sung giáo viên bộ môn này, tôi chủ động nhận đứng lớp” – thầy Chương chia sẻ, đồng thời cho biết: Hàng ngày, thầy tìm kiếm trên mạng tìm hiểu về phương pháp dạy học, kiến thức môn Tin học dành cho học sinh lớp 3, để soạn bài và truyền đạt cho học sinh. Vì là “tay ngang” nên có thể chất lượng dạy – học không như mong muốn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế trong khi chờ được bổ sung giáo viên.
Giải pháp tình thế
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Sủng Máng thông tin: UBND huyện đã có kế hoạch tuyển dụng, hợp đồng giáo viên Tin học cho các trường tiểu học. Trước mắt, có thể 1 giáo viên sẽ phải dạy kiêm nhiệm 2 – 3 trường trong cùng một cụm. “Chúng tôi đang bồi dưỡng giáo viên Tổng phụ trách để có thể dạy kiêm nhiệm bộ môn này. Khi giáo viên đáp ứng yêu cầu, có thể tôi chỉ dạy 1 tiết/tuần, dành thời gian còn lại cho công tác quản lý và giảng dạy, dự giờ lớp khác”, thầy Chương chia sẻ.
Cũng vì không có giáo viên Tin học nên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Sủng Trà (Mèo Vạc, Hà Giang) phải bố trí giáo viên khác sang dạy bộ môn này. Thầy Phó Hiệu trưởng Chu Văn Vụ cho hay: Đây là giải pháp tình thế nhằm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời đảm bảo quyền học tập của học sinh. Giáo viên này cũng được tập huấn về dạy – học Tin học trước khi đứng lớp.
“Trường mong sớm được bổ sung giáo viên Tin học. Đây là môn học quan trọng, nhằm rút ngắn khoảng cách về công nghệ thông tin giữa học sinh vùng núi với đồng bằng”, thầy Vụ nhấn mạnh.
Thực tế, tình trạng thiếu giáo viên Tin học xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Tại Hòa Bình, bà Bùi Thị Kim Tuyến – Giám đốc Sở GD&ĐT - cho biết, riêng cấp tiểu học, toàn tỉnh thiếu gần 100 giáo viên. Cấp THCS và THPT cũng thiếu hàng chục giáo viên bộ môn này.
Với những huyện, xã vùng đặc biệt khó khăn, có trường còn chưa có giáo viên Tin học nên việc triển khai dạy – học gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương phải áp dụng hình thức tăng ca, tăng tiết đối với giáo viên Tin học, thậm chí bố trí giáo viên bộ môn này dạy học liên cấp. Tức là, một giáo viên phải dạy cả THCS và tiểu học.
Tình trạng trên cũng xảy ra tương tự với tỉnh Nghệ An. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Khoa chia sẻ, toàn tỉnh còn thiếu hơn 8.000 giáo viên theo định mức quy định. Nếu trừ đi số giáo viên đang hợp đồng lao động gần 2.000 người, toàn tỉnh còn thiếu 6.000 giáo viên. Vừa qua, Trung ương bổ sung cho tỉnh hơn 2.800 chỉ tiêu biên chế giáo viên. Theo đó, ngành Giáo dục sẽ trình phân bổ cho các huyện để tuyển dụng, đáp ứng nhu cầu dạy – học trong năm học mới.
Tuy nhiên, theo ông Khoa, ở một số huyện miền núi, vùng cao như: Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong… việc tuyển dụng giáo viên, nhất là giáo viên Tin học không đơn giản. Theo khảo sát, số giáo viên Tin học cấp tiểu học còn thiếu khoảng 300 người.
Để bố trí đủ giáo viên, ngành Giáo dục Nghệ An đề xuất một số giải pháp như: Tuyển dụng mới giáo viên, hợp đồng thỉnh giảng, biệt phái giáo viên THCS từ những trường dôi dư đến giảng dạy tại trường tiểu học còn thiếu. Đồng thời, bố trí giáo viên dạy liên trường tiểu học; liên trường THCS - tiểu học, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho viên chức đã tốt nghiệp trình độ đại học chuyên ngành có năng lực và nguyện vọng để bố trí giảng dạy ở những đơn vị còn thiếu.
Năm học 2022 - 2023, môn Tin học trở thành môn học bắt buộc với lớp 3. Tuy nhiên, bộ môn này đang thiếu giáo viên trầm trọng ở nhiều địa phương trên cả nước. Với môn Tin học, để đủ giáo viên (tính tối thiểu 1 giáo viên/trường), cả nước cần bổ sung thêm hơn 3.600 người.