Thiệu Hóa nỗ lực chuyển đổi số từ những mô hình

Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số (CĐS) làm tiền đề xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, tạo dựng xã hội số, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp là mục tiêu mà huyện Thiệu Hóa đang hướng tới. Để đạt được mục tiêu này, huyện đã và đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS trong tất cả các lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hệ thống camera giám sát an ninh tại nhà văn hóa thôn Nguyên Hưng.

Hệ thống camera giám sát an ninh tại nhà văn hóa thôn Nguyên Hưng.

Xã Thiệu Nguyên là một trong 2 địa phương của huyện Thiệu Hóa đang phấn đấu “về đích” NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2023. Trong hành trình XDNTM kiểu mẫu, Thiệu Nguyên đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất các nội dung khó thực hiện liên quan đến CĐS cấp xã để thực hiện song hành.

Ông Nguyễn Viết Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Nguyên, cho biết: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ban chỉ đạo CĐS cấp xã đã phân công thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tham gia khóa bồi dưỡng phổ cập kỹ năng số cộng đồng bằng cách sử dụng ứng dụng zalo và quét mã QR Code kèm theo để truy cập tài liệu khóa bồi dưỡng. Xã cũng tập trung thực hiện các nhiệm vụ nhằm đảm bảo việc phát triển chính quyền số, như: triển khai có hiệu quả các ứng dụng dùng chung của tỉnh để thực hiện kết nối liên thông, tạo lập thông tin, dữ liệu chia sẻ các hệ thống thông tin nội bộ giữa các bộ phận, các thôn để nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cung cấp dịch vụ công một phần, toàn trình... Đảm bảo 100% văn bản đi, đến được xử lý và liên thông trên hệ thống phần mềm văn phòng điện tử (trừ văn bản mật hoặc văn bản có nội dung mang bí mật Nhà nước); 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước dưới dạng điện tử (bao gồm cả các văn bản gửi đồng thời bản giấy) được ký số; 100% hồ sơ TTHC được tiếp nhận và xử lý trên hệ thống một cửa điện tử...

Thôn Nguyên Hưng, xã Thiệu Nguyên được lựa chọn xây dựng mô hình về CĐS, bà Đinh Thị Năm, bí thư chi bộ, trưởng thôn, cho biết: Hiện nay, hơn 80% người dân trong thôn đã sử dụng điện thoại thông minh và có tài khoản ngân hàng để thanh toán các dịch vụ thiết yếu; nhà văn hóa thôn được trang bị tivi thông minh, camera an ninh lắp đặt tại các nút giao thông chính trong thôn. Khi tổ chức hội nghị trực tuyến sẽ được kết nối với phòng họp trực tuyến của UBND xã... Nhờ đẩy mạnh CĐS đã góp phần hiện đại hóa khu vực nông thôn, đem đến nhiều tiện ích, khiến người dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền các cấp.

Thực hiện nhiệm vụ CĐS, huyện Thiệu Hóa đang ưu tiên thực hiện ở các lĩnh vực, gồm: lĩnh vực du lịch, ưu tiên triển khai du lịch thông minh, xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu giới thiệu các khu, điểm tham quan, di tích lịch sử; ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào quảng bá hình ảnh, điểm đến du lịch cũng như công tác quản lý.

Lĩnh vực nông nghiệp, tập trung thử nghiệm, hoàn thiện quy trình sản xuất gắn với chất lượng sản phẩm; quản lý chuỗi giá trị sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Huyện tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu về đất đai, cây trồng, vật nuôi, xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, hình thành cơ sở dữ liệu quy trình sản xuất gắn với chất lượng sản phẩm nông nghiệp...

Thôn Nguyên Hưng (xã Thiệu Nguyên, Thiệu Hóa) được đầu tư hệ thống tivi thông minh tại nhà văn hóa thôn.

Thôn Nguyên Hưng (xã Thiệu Nguyên, Thiệu Hóa) được đầu tư hệ thống tivi thông minh tại nhà văn hóa thôn.

Lĩnh vực giáo dục ưu tiên triển khai ứng dụng các nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để các công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; ứng dụng nền tảng chia sẻ tài nguyên dạy và học tập theo hình thức trực tuyến và trực tiếp; đào tạo học sinh có kiến thức, nền tảng vững chắc về trình độ, kỹ năng ứng dụng CNTT... Thiệu Hóa được đánh giá là một trong những huyện đầu tiên trên địa bàn toàn tỉnh triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc TD Office cho tất cả các trường học trên địa bàn.

Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thiệu Hóa, chia sẻ: Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện CĐS, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số, với tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 99%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên 99%; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện từng bước ứng dụng công nghệ số để đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, mở rộng thị trường; nhiều phương thức kinh doanh, dịch vụ, ngành nghề mới xuất hiện góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho Nhân dân...

Để công cuộc CĐS đạt hiệu quả cao, cùng với nguồn lực sẵn có, huyện Thiệu Hóa đề xuất với các sở, ban, ngành có liên quan hoàn thiện, nâng cấp các ứng dụng phục vụ người dân, phục vụ công tác chuyên môn trên tinh thần dễ sử dụng để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận, sử dụng dễ dàng; xây dựng đề án phổ cập điện thoại thông minh cho người dân; có chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo trong việc sử dụng Internet; tổ chức tập huấn, đào tạo nhân lực cho các đơn vị, địa phương về CĐS...

Bài và ảnh: Linh Hương

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nhip-song-so/thieu-hoa-no-luc-chuyen-doi-so-tu-nhung-mo-hinh/29319.htm