Thiệu Hóa quan tâm đầu tư tôn tạo, tu bổ di tích lịch sử
Huyện Thiệu Hóa hiện có 43 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 33 di tích lịch sử văn hóa (LSVH) và 10 di tích lịch sử cách mạng (LSCM). Để các di tích trường tồn với thời gian và lịch sử dân tộc, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm, bố trí vốn ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội hóa để tu bổ, phục hồi, tôn tạo lại.
Khu di tích LSCM Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967-1973) được đầu tư tu bổ, tôn tạo và khánh thành vào dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-2023).
Mới đây nhất là dự án tu bổ, tôn tạo di tích LSCM Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967-1973) đóng trên địa bàn xã Thiệu Viên, với tổng mức đầu tư 29,8 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh 25,3 tỷ đồng và vốn ngân sách huyện Thiệu Hóa 4,5 tỷ đồng. Dự án được khởi công xây dựng từ ngày 28-7-2021. Trong quá trình triển khai thực hiện dù gặp nhiều khó khăn, song luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công, đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân vùng dự án. Công trình đã hoàn thành vượt tiến độ, đáp ứng các yêu cầu về kiến trúc, tuân thủ thiết kế, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật và giá trị văn hóa - lịch sử của di tích. Phát biểu tại buổi lễ khánh thành khu di tích LSCM, ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa, cho biết: Việc hoàn thành dự án tu bổ, tôn tạo di tích LSCM Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967-1973) vào đúng dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam càng thêm ý nghĩa, tô đậm truyền thống vẻ vang của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ huyện. Qua đó, bồi đắp thêm niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước và khát vọng vươn lên cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn huyện, nhất là thế hệ trẻ.
Với di tích Đền thờ Lê Văn Hưu (nhà sử học đầu tiên của Việt Nam) ở thôn 3, xã Thiệu Trung đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích LSVH quốc gia năm 1990. Trải qua thời gian dài tồn tại, cùng với sự tàn phá của khí hậu khắc nghiệt, của chiến tranh và phong trào hợp tác hóa nông thôn, khu “chùa ông Hưu” bị biến đổi, xuống cấp, hư hại. Được Chủ tịch UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư quy hoạch trùng tu, tôn tạo Khu Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Lê Văn Hưu, năm 2019, từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 10 tỷ đồng và trích nguồn ngân sách địa phương, huyện Thiệu Hóa đã đầu tư 9 hạng mục công trình với tổng số tiền trên 29 tỷ đồng. Khu di tích được khánh thành vào ngày 23-4-2022, đúng dịp kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu.
Đền thờ Lê Văn Hưu được trùng tu, tôn tạo thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân tổ tiên với lòng thành kính và biết ơn nhà sử học, người đặt nền móng cho quốc sử dân tộc. Đây không chỉ là điểm đến linh thiêng, đáp ứng nguyện vọng của toàn thể con cháu họ Lê Việt Nam nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung; thỏa lòng mong ước của du khách thập phương về tham quan, dâng hương tưởng nhớ mà còn là địa chỉ để giáo dục các thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, tinh thần hiếu học, ý chí vượt khó vươn lên của ông cha ta. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào và lan tỏa tinh thần hiếu học, góp phần làm cho quê hương, đất nước ngày càng có nhiều bậc hiền tài, “nguyên khí” của nước nhà ngày càng hưng thịnh.
Theo ông Hoàng Văn Lời, phó Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thiệu Hóa, trong 3 năm trở lại đây huyện Thiệu Hóa đặc biệt quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Ngoài di tích LSCM Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967-1973) và di tích Đền thờ Lê Văn Hưu, huyện đã và đang thực hiện tu bổ, tôn tạo cụm di tích LSCM Thiệu Toán tại làng Mao Xá, thôn Toán Tỵ, xã Thiệu Toán, gồm 3 nhà của các ông: Tô Đình Bảng, Lê Huy Toán và Lê Công Thanh. 3 ngôi nhà này là chứng tích cơ sở cách mạng của “Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa” thời kỳ 1930-1945. Riêng dự án tu bổ nhà ông Lê Huy Toán đã cơ bản hoàn thiện với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng. 2 ngôi nhà còn lại do đã chuyển nhượng qua các thế hệ nên huyện dự kiến sẽ làm quy hoạch trình các cấp có thẩm quyền để có quyết định đầu tư tu bổ.
Hay như nhà thờ họ Vương ở làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến, nơi ra đời 1 trong 3 chi bộ Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh đã được tỉnh và huyện đầu tư tôn tạo nhiều lần với nhiều hạng mục di tích khác nhau với tổng trị giá đầu tư trên 11 tỷ đồng nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích... Điều đáng nói là từ năm 2014 trở lại đây, di tích LSCM nhà thờ họ Vương đã được đưa vào chương trình ngoại khóa của học sinh và các đối tượng học lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về Đảng đến tham quan. Qua đó bồi đắp để các em hiểu và tự hào hơn về truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước và khát vọng vươn lên.
Là vùng đất “địa linh nhân kiệt” được hình thành và phát triển cùng với tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Từ vùng đất này đã sinh thành, dưỡng dục nhiều bậc anh hùng hào kiệt, nhiều danh thần, võ tướng mà tên tuổi và sự nghiệp còn mãi lưu danh trong sử sách. Đây cũng là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, quê hương của nhiều chiến sĩ cách mạng trung kiên, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa của Đảng và là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh Thanh Hóa nên huyện Thiệu Hóa có rất nhiều di sản văn hóa có giá trị. Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân về công tác giữ gìn, bảo tồn, huyện sẽ tiếp tục quan tâm tu bổ, tôn tạo nhằm chống xuống cấp để các di tích xứng tầm với những giá trị lịch sử, văn hóa, cách mạng.