Thiếu hụt bán dẫn, tập đoàn bóc chip từ máy giặt để tái sử dụng

Các công ty công nghệ phải tìm nhiều cách để đối phó với tình trạng thiếu hụt linh kiện bán dẫn toàn cầu.

ASML, tập đoàn cung cấp hệ thống quang khắc (photolithography) lớn nhất thế giới, cho biết tình trạng thiếu chip trên toàn cầu vẫn khiến các công ty đau đầu. Peter Wennink, CEO của ASML thậm chí còn biết một số hãng công nghệ phải lấy chip cũ từ các thiết bị gia dụng nhằm lắp vào máy mới.

"Tôi vừa gặp lãnh đạo một công ty công nghiệp rất lớn vào tuần trước. Họ bảo với tôi rằng họ phải mua máy giặt về để lấy phần bán dẫn trong đó lắp vào những phần máy công nghiệp. Đó là thực tế hiện tại", ông Wennink cho biết trong buổi công bố báo cáo tài chính rạng sáng 21/4.

 ASML là tập đoàn công nghệ duy nhất có thể cỗ máy quang khắc sử dụng ánh sáng tia cực tím UEV, đồng thời chiếm tới 80-85% thị phần máy quang khắc toàn cầu. Ảnh: Intel.

ASML là tập đoàn công nghệ duy nhất có thể cỗ máy quang khắc sử dụng ánh sáng tia cực tím UEV, đồng thời chiếm tới 80-85% thị phần máy quang khắc toàn cầu. Ảnh: Intel.

Theo ông Wennink, những thiết bị Internet vạn vật (IoT) có thể sử dụng chip với công nghệ bán dẫn cũ từ 10-20 năm trước. Đó là lý do nhiều công ty phải tái chế chip trong các thiết bị gia dụng cũ nhằm đáp ứng nhu cầu.

ASML, có trụ sở tại Hà Lan, là tập đoàn cung cấp những cỗ máy quang khắc quan trọng và hiện đại nhất thế giới cho Intel, Samsung và TSMC để sản xuất vi xử lý.

Vị CEO cũng cho rằng tình trạng thiếu hụt chip sẽ còn kéo dài trong tương lai tới.

“Nhu cầu thiết bị bán dẫn xuất hiện ở mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề. Chúng tôi đã đánh giá thấp mức độ tăng trưởng của những nhu cầu này”, ông Wennink chia sẻ.

ASML hiện là doanh nghiệp duy nhất trên thế giới đủ sức xây dựng những cỗ máy tối tân của ngành quang khắc, có vai trò sống còn với sản xuất chip bán dẫn. Do đó, ASML là cái tên không thể thiếu trong ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ toàn cầu, đồng thời là doanh nghiệp công nghệ đại chúng lớn nhất châu Âu tính theo giá trị vốn hóa.

Trong quý I/2022, tập đoàn này thu về 3,85 tỷ USD doanh thu, trong đó lợi nhuận ròng là 754,3 triệu USD. Những thành công của ASML có được là nhờ nhu cầu bán dẫn tăng vọt trong đại dịch và tình hình khan hiếm chip trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, chính điều này cũng khiến tập đoàn gặp khó khăn trong việc đáp ứng lượng sản phẩm theo nhu cầu của người dùng. Hãng có khoảng 600 đơn đặt hàng máy quang khắc trong năm nay, nhưng ông Wennink chỉ kỳ vọng hoàn thành được 60% đơn hàng trong năm 2022.

 ASML lo ngại không thể hoàn thành lượng đơn đặt hàng trong năm 2022 trước bối cảnh thiếu hụt chuỗi cung ứng. Ảnh: Intel.

ASML lo ngại không thể hoàn thành lượng đơn đặt hàng trong năm 2022 trước bối cảnh thiếu hụt chuỗi cung ứng. Ảnh: Intel.

Những nhà sản xuất thiết bị bán dẫn như Lam Research ở Mỹ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng lượng đơn đặt hàng. Theo Bloomberg, điều này cho thấy các nhà máy chế tạo chất bán dẫn sẽ khó lòng hoạt động hết công suất trong tương lai gần. “Nhu cầu vẫn có xu hướng tiếp tục tăng. Trong khi đó, tình trạng gián đoạn cung ứng sẽ ảnh hưởng đến quy trình sản xuất chip trong năm 2022”, CEO Tim Archer của Lam Research chia sẻ.

TSMC, tập đoàn sản xuất linh kiện bán dẫn lớn nhất thế giới, cho biết những nhà cung cấp linh kiện của TSMC đang phải đối mặt với những thách thức lớn đến từ đại dịch Covid-19 và nguồn cung hạn chế.

Theo CEO C.C. Wei, những hãng cung cấp linh kiện này hiện không thể đáp ứng lượng chip bán dẫn cần thiết cho TSMC, do đó ảnh hưởng đến năng suất của các nhà máy trong năm 2022. Mặt khác, TSMC đã bán hết toàn bộ lượng hàng tồn kho cho đến năm 2023 của mình, CEO Wennink của ASML khẳng định.

Thúy Liên

Theo Protocol

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tap-doan-ban-dan-mua-may-giat-de-rua-chip-post1311297.html