Thiếu hụt nguồn cung, giá thịt lợn tăng vọt

Mùa hè thường là giai đoạn thấp điểm của tiêu thụ lợn hơi. Giá lợn hơi trong giai đoạn này có xu hướng đi xuống. Tuy nhiên, trong một tháng qua, giá thịt lợn đã tăng 1,94% so với tháng trước đó. Nguyên nhân được cho là do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi diễn ra vào cuối năm 2023.

Từ hơn một tháng qua, giá thịt lợn đã bắt đầu tăng. Từ mức khoảng 55.000 đồng/kg, đến nay, giá lợn hơi đã tăng hơn 10.000 đồng/kg, tùy khu vực. Tại các chợ bán lẻ, giá thịt lợn cũng nhích lên trông thấy. Thịt nạc vai, ba chỉ 140.000- 150.000 đồng/kg; sườn thăn 150.000 đồng/kg; nạc mông, thăn 130.000 đồng/kg… Như vậy, so với cách đây khoảng 1 tháng, giá thịt tại các chợ đã tăng từ 10.000- 20.000 đồng/kg mỗi loại.

Theo các tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, giá lợn hơi tăng, kéo giá heo móc hàm tăng. Theo đó, giá thịt heo móc hàm hiện đang ở mức 90.000 - 93.000 đồng/kg. Chị Trần Thị Thưởng, tiểu thương chợ Cổng (quận Hà Đông) cho biết, giá thịt lợn bán lẻ cho người tiêu dùng tăng lên nhưng sức mua không tăng do thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu dùng hằng ngày cũng giảm và chuyển sang dùng các loại thực phẩm khác.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, tháng 5/2024, giá lợn hơi ghi nhận nhịp tăng liên tục tại hầu hết các địa phương trên cả nước. Ghi nhận trong ngày cuối cùng của tháng 5 (31/5/2024), giá lợn hơi phổ biến ở mức 67.000 - 70.000 đồng/kg, tăng từ 3.000 - 7.000 đồng/kg so với cuối tháng trước. Với mức hiện nay, giá lợn hơi đã tăng 36% so với hồi đầu năm.

Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng cho hay, tại phiên giao dịch ngày 3/6, giá lợn hơi có mức giá trung bình cao nhất tại miền Nam là 70.000 đồng/kg; khu vực miền Bắc ở mức 69.000 đồng/kg; khu vực miền Trung - Tây Nguyên đứng ở mức 69.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi ổn định và chững giá, dao động trong khoảng 67.000 - 69.000 đồng/kg. Theo đó, thương lái tại Nam Định thu mua lợn hơi ở mức 67.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Ở chiều ngược lại, mức giá cao nhất khu vực 69.000 đồng/kg được ghi nhận tại Hưng Yên, Thái Nguyên, Thái Bình.

Tại khu vực phía Nam, giá lợn hơi đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 67.000 - 70.000 đồng/kg. Theo đó, mức giá cao nhất khu vực 70.000 đồng/kg được ghi nhận tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng.

Công tác dự báo thị trường cung - cầu, đánh giá, phân tích thị trường lĩnh vực chăn nuôi còn nhiều bất cập.

Công tác dự báo thị trường cung - cầu, đánh giá, phân tích thị trường lĩnh vực chăn nuôi còn nhiều bất cập.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thông thường, mùa hè là giai đoạn thấp điểm của tiêu thụ lợn hơi. Giá lợn hơi trong giai đoạn này có xu hướng đi xuống, sau đó bật tăng vào những tháng cuối năm và giáp Tết Nguyên đán. "Tuy nhiên, năm nay lại khác. Từ đầu năm, giá lợn hơi liên tục tăng qua các tháng và tiến dần đến mốc 70.000 đồng/kg. Nguyên nhân của giá lợn hơi tăng là do nguồn cung thiếu hụt bởi dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ đã bán "chạy dịch". Mặt khác, giá lợn hơi giữ ở mức thấp trong một thời gian dài khiến không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà cả các trang trại lớn cũng không dám tái đàn", ông Trọng phân tích.

Tính đến ngày 22/5, dịch tả heo châu Phi vẫn còn ở 21 địa phương chưa qua 21 ngày. Ông Trọng thông tin, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện số liệu đàn nái vẫn đạt 2,9 triệu con, với con số này không lo thiếu nguồn cung. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại số liệu này chưa cập nhật được với tình hình thực tế. Việc nắm được số liệu thực tế tổng đàn nái của cả nước hiện tại là rất khó bởi nhiều cơ sở nuôi còn giấu dịch, các địa phương báo cáo vẫn còn nặng thành tích.

Còn theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, riêng tại Đồng Nai, đàn lợn tại địa phương này đã giảm 30%, bệnh dịch kèm theo người dân bỏ chuồng do năm ngoái thua lỗ đã ảnh hưởng năng suất của tổng đàn đàn heo trên địa bàn tỉnh và gây ra tình trạng thiếu hụt heo. Tình trạng mất cân đối cung cầu này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong vài tháng tới. Bởi khi dịch tả lợn châu Phi đã tàn phá đàn lợn nái và phải mất ít nhất 1,5 năm mới có thể phục hồi được.

Theo Tổng cục Thống kê, giá thịt lợn tháng 5 tăng 1,94% so với tháng trước do nguồn cung thiếu hụt sau đợt dịch tả heo châu Phi vào cuối năm 2023. Cùng với việc tăng giá thịt lợn, giá mỡ động vật tăng 1,81%; thịt quay, giò chả tăng 0,56%; thịt chế biến khác tăng 0,17%; thịt hộp tăng 0,16%. Trong khi thị trường bán lẻ giá thịt lợn tăng thì tại các siêu thị, giá thịt lợn vẫn tương đối ổn định. Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam - cho biết, giá thành chăn nuôi heo hơi hiện nay là 55.000 đồng/kg. Với giá xuất chuồng cao vào thời điểm này, người chăn nuôi lãi 12.000 - 15.000 đồng/kg heo hơi, mỗi đầu heo hơi xuất chuồng (100 kg) cho người chăn nuôi lợi nhuận 1,2- 1,5 triệu đồng.

Giá lợn hơi tăng, người chăn nuôi cắt lỗ và bắt đầu có lãi. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, người chăn nuôi vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn khi chưa chủ động được nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, đầu ra không ổn định. Chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ hiện nay vẫn chiếm tỷ lệ cao, chưa đảm bảo an toàn sinh học. Công tác dự báo thị trường cung - cầu, đánh giá, phân tích thị trường lĩnh vực chăn nuôi còn nhiều bất cập…

Nhận định về xu hướng giá lợn hơi trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng, sẽ khó bật tăng quá mạnh khi sức cầu vẫn đang rất yếu. Mặt khác, sang đầu tháng 6, giá lợn hơi đang có xu hướng giảm trở lại do dịch tả heo châu Phi hoành hành, người dân bán chạy đàn khiến nguồn tăng trở lại.

Lưu Hiệp - Ngọc Yến

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/thieu-hut-nguon-cung-gia-thit-lon-tang-vot-i733230/