Thiếu lao động, diêm dân thức đêm làm muối
Diêm dân Tuyết Diêm, xã Xuân Bình (TX Sông Cầu) thu hoạch muối - Ảnh: LÊ TRÂM
Nắng nóng, ruộng bắt muối nhanh, chưa năm nào sản lượng muối cao như năm nay. Thế nhưng, vùng muối lại thiếu lao động nên ban đêm diêm dân phải đội đèn pin xới, gánh muối.
Ruộng bắt muối nhanh
Giữa trưa nắng gắt, ông Trần Văn Tiến, người làm muối ở thôn Lệ Uyên (xã Xuân Phương, TX Sông Cầu) đội nắng dùng bàn cào gạn muối. Theo ông Tiến, sở dĩ ông phải đứng giữa trưa gạn muối là vì khi muối bắt đầu kết tinh, trên mặt ruộng đội lớp muối, diêm dân phải dùng bàn cào gạn, đè lớp muối chìm xuống để cho nước biển phía dưới trồi lên tiếp tục bắt muối. Nếu không gạn thì lớp muối trên mặt ruộng hàn kín mặt, nước biển phía dưới không kết tinh, lứa muối cào đạt sản lượng thấp.
Ông Tiến cho biết: Công đoạn làm muối truyền thống có 4 đám. Đám đầu tiên lấy nước biển vào chứa gọi là đám chứa, sau đó san qua đám thứ 2 gọi là nuôi mặn. Từ đám nuôi mặn có mương nước dẫn qua đám chịu lắng cho nước biển sắc lại. Khi đám chịu kết tủa thì chuyển qua đám kết tinh muối. Công đoạn làm muối truyền thống như vậy diêm dân gọi là dây ruộng.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, từ đầu vụ đến nay diêm dân sản xuất được 4.700 tấn muối, trong đó có 200 tấn muối sạch. Giá muối thô dao động từ 800-900 đồng/kg, muối sạch 1.300 đồng/kg.
Vùng này có người làm 8 dây ruộng, mấy năm trước trời yếu nắng phải mất 5-6 ngày muối mới kết tinh, còn năm nay nắng gắt chỉ 3 ngày là cào được một lứa muối. Với 8 đám kết tinh muối, một người làm muối quay như chong chóng mới kịp các công đoạn… Vì vậy, dù trưa nắng gắt, người làm muối cũng phải đứng dưới nắng để làm muối.
Nắng nóng kết hợp gió Nam thổi mạnh, ruộng bắt muối nhanh, chưa năm nào diêm dân làm muối đạt sản lượng cao như năm nay. Bà Nguyễn Thị Duyên, một người làm muối ở thôn Lệ Uyên, chia sẻ: Mấy năm trước trời nắng nhưng thường có gió từ biển thổi vào (gió nồm), nên đám kết tinh mực nước nửa mắc ngón tay; còn năm nay nắng mà lại gió Nam thổi mạnh nên đám kết tinh mực nước một mắc ngón tay, vì vậy lượng muối kết tinh cao gấp 2 lần mấy năm trước. Nhà tôi có 8 đám kết tinh, được muối nên mỗi lần cào 40 bao, tương đương 2 tấn, mỗi tháng cào ít nhất 8 lần là 16 tấn, còn mấy năm trước 8-10 tấn là cùng.
Vùng muối Tuyết Diêm (xã Xuân Bình, TX Sông Cầu), những “núi” muối trải dài. Ông Bùi Văn Long, người làm muối ở đây chia sẻ: Mấy năm trước dính mưa trái mùa, diêm dân nghỉ cả tháng, vì mỗi lần mưa lớn mặt ruộng lên bùn, người làm muối phải bỏ công đầm. Khi trời nắng trở lại, chúng tôi làm được 2-3 lứa muối thì tiếp tục gặp mưa nên nghỉ sớm. Có năm đến tháng 5 chưa có muối, riêng năm nay thời tiết thuận lợi nên diêm dân được mùa muối.
Thức đêm làm muối
Muối được mùa, sản lượng tăng cao, thế nhưng đến thời điểm hiện nay giá muối bắt đầu hạ, diêm dân gặp khó. Ông Phan Văn Tấn, người làm muối thôn Tuyết Diêm cho hay: Đầu tháng 5, giá muối là 50.000 đồng/bao (50kg), tương đương 1.000 đồng/kg; nhưng đến tháng 6 hạ xuống còn 40.000 đồng/bao, hiện nay chỉ còn 38.000 đồng/bao. Với giá muối như hiện nay, người làm muối lấy công làm lời, còn thuê mướn thì công ăn hết. Vậy mà diêm dân thuê công vẫn không ra.
Hiện vùng làm muối thiếu công lao động trầm trọng. Mấy hôm nay, bà Phan Thị Nhung ở thôn Tuyết Diêm, thuê người đầm ruộng muối nhưng không có công. “Thường đám ăn cào 6 lứa phải thuê công đầm mặt ruộng vì khi mỗi lần cào mặt ruộng nổi bùn, nếu không đầm mặt ruộng dẫn đến muối dính bùn đen. Tôi thuê công không có nên làm mót ruộng cũ, bán giá muối đen tính ra không có lãi. Trước đây công lao động gọi đâu có đó, còn nay công gánh muối chạy sô, vì vậy khi cần gánh thì không có công, gặp lúc trời mưa thì muối rã ra nước. Vùng muối đang khan hiếm công lao động trầm trọng”, bà Nhung nói.
Thiếu công lao động nên diêm dân phải thức đêm làm muối. Ông Trần Văn Tân, đang áp dụng mô hình sản xuất muối trải bạt, cho biết: Công đoạn làm muối trải bạt thì 1 tuần ruộng mới kết tinh muối; ruộng trải bạt đựng mực nước cao gấp đôi so với làm muối thủ công, nên muối làm ra sản lượng cao hơn. Thế nhưng không có công lao động nên chiều tối tôi ra xới cho muối rời ra, còn mờ sáng thì đội đèn pin gánh muối đổ vô sân cho muối ráo. Không chỉ tôi mà vùng này ai cũng tranh thủ làm ban đêm mới có muối bán.
Theo nhiều diêm dân, cái khó của người làm muối những năm qua là thị trường không ổn định, được mùa mất giá và ngược lại. Nguyên nhân là do vùng này chưa có nhà máy chế biến muối nên bị tư thương ép giá. Trung bình làm 1ha muối, mỗi vụ muối trừ chi phí, diêm dân thu 8-9 triệu đồng. Hơn nữa, giá muối hạ thì thuê công lao động cũng giảm tiền ngày công nên nhiều người không mặn mà làm muối.
Ông Đỗ Văn Chính, Trưởng Phòng Kinh tế TX Sông Cầu cho biết: Để phát triển nghề muối, Phòng Kinh tế tham mưu UBND thị xã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu muối Tuyết Diêm, từ đó tiến tới hỗ trợ phát triển sản phẩm. Hiện phòng đã đề nghị Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) hỗ trợ dự án Dây chuyền chế biến và tiêu thụ muối của cơ sở Trần Thị Về (xã Xuân Bình), với tổng kinh phí 500 triệu đồng và Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên hỗ trợ 50 triệu đồng cho HTX Muối Tuyết Diêm để thực hiện dự án Mua sắm bao bì đóng gói.
Đối với việc nhân rộng mô hình sản xuất muối sạch (muối trải bạt), phòng đã đề xuất và được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ cho HTX Muối Tuyết Diêm 150 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đầu tư sản xuất 3ha muối sạch, nâng tổng số diện tích sản xuất muối sạch lên 8ha.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/224767/thieu-lao-dong-diem-dan-thuc-dem-lam-muoi.html