Thiếu liên kết khu vực, khó đột phá về kinh tế
Theo điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM của Chính phủ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai sẽ hình thành 2 khu vực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm điều chỉnh quy hoạch, liên kết giữa các khu vực trong tỉnh và vùng hiện vẫn còn lỏng lẻo.
Trong Quyết định 2076/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22-12-2017, tỉnh Đồng Nai sẽ có 2 khu vực kinh tế là phía Tây và phía Đông. Trong đó, khu vực phía Tây gồm 4 địa phương là TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom; khu vực phía Đông gồm TP.Long Khánh, các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán và Vĩnh Cửu.
Bức tranh toàn cảnh
UBND tỉnh đã quy hoạch 26 dự án du lịch sinh thái tại các huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh để mời gọi doanh nghiệp nước ngoài, trong nước đầu tư. Nếu hạ tầng sớm kết nối, những vướng mắc về đất đai, thủ tục giải quyết nhanh, doanh nghiệp vào thực hiện dự án nhanh, sớm đưa vào khai thác có thể tạo ra doanh thu lớn về du lịch, dịch vụ.
Trong mục tiêu phát triển kinh tế của vùng thì khu vực phía Tây tỉnh Đồng Nai sẽ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp đa ngành, công nghệ cao kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, nông nghiệp đô thị, dịch vụ logistics gắn với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Hiện tại khu vực phía Tây của tỉnh đã trở thành nơi có công nghiệp phát triển với 26 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập, trong đó 25 KCN đang hoạt động và 1 KCN đang trong giai đoạn xây dựng hạ tầng.
Khu vực phía Đông của tỉnh tuy có 6 KCN nằm trải đều ở các huyện và TP.Long Khánh nhưng thực tế, thu nhập chính của người dân vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Dựa trên quy hoạch vùng, kế hoạch của tỉnh là sẽ tiếp tục phát triển công nghiệp tại những địa phương này bằng cách mở rộng các KCN, xây dựng mới thêm các khu, cụm công nghiệp để thu hút người dân về sinh sống, nâng tỷ lệ đô thị hóa, tăng phát triển dịch vụ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái dựa trên các lợi thế thiên nhiên có sẵn như: rừng, hồ, vườn.
Căn cứ vào quy hoạch vùng, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn và từng năm, UBND tỉnh dựa vào đó giao kế hoạch cho từng sở, ngành, địa phương. Dự kiến, trong giai đoạn 2016-2020, kinh tế của tỉnh sẽ đạt mức tăng trưởng từ 8-9%/năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 8%/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn từ 400-420 ngàn tỷ đồng, dịch vụ tăng 12-13%/năm, thu nhập bình quân đầu người vào năm 2020 sẽ đạt 5.300 USD, nông nghiệp tăng 3-4%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 9-11%... Khả năng Đồng Nai sẽ đạt và vượt gần hết các chỉ tiêu nghị quyết đã đề ra, nhưng riêng lĩnh vực xuất nhập khẩu được đánh giá là sẽ gặp không ít khó khăn do diễn biến khách quan chung của thị trường thế giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết: “Năm 2020 là năm cuối thực hiện các mục tiêu về kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2016-2020. Do đó, các địa phương trong tỉnh đều phải tăng tốc để hoàn thành, vượt các chỉ tiêu đã đề ra và làm tiền đề xây dựng kế hoạch và triển khai cho giai đoạn tiếp theo”.
* Liên kết còn lỏng lẻo
Mặc dù hằng năm các địa phương trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế, nhưng liên kết giữa các địa phương và liên kết giữa 2 khu vực phía Đông, phía Tây của tỉnh trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch được đánh giá là còn yếu và khá lỏng lẻo.
Ông Huỳnh Tấn Thìn, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ nhận xét: “Do thiếu kết nối về hạ tầng nên liên kết để phát triển kinh tế trong khu vực còn yếu. Một số doanh nghiệp từ các huyện Tân Phú, Định Quán có về huyện Cẩm Mỹ mua nông sản để chế biến nhưng chưa nhiều vì thời gian, đường sá đi lại chưa thực sự thuận lợi, dẫn đến chi phí vận chuyển cao. Đời sống của người dân trên địa bàn huyện số đông vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp, còn công nghiệp, dịch vụ thương mại chưa phát triển”. Thiếu hạ tầng kết nối cũng là một trong những lý do khiến các KCN, cụm công nghiệp tại huyện Cẩm Mỹ chậm triển khai do nhiều nhà đầu tư e ngại chi phí vận chuyển cao.
Thực tế, vùng phía Đông của tỉnh (Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất, Xuân Lộc, TP.Long Khánh) hiện đã quy hoạch nhiều dự án về nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, du lịch, nhưng nhà đầu tư vẫn còn đợi các công trình hạ tầng được xây dựng thì mới bắt tay liên kết và triển khai các dự án và đẩy nhanh tiến độ. Ở khu vực phía Tây (TP.Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom), Đồng Nai còn dự tính hình thành trục kinh tế vùng ngoài sân bay gồm Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom. Tuy nhiên, các khu vực trên hiện tại liên kết giao thông lẫn liên kết về nhiều mặt khác còn nhiều vấn đề cần bàn nên vẫn chưa tạo ra được sự tương tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho rằng, Long Thành đang thiếu nguồn vốn đầu tư công để thực hiện các công trình hạ tầng kỹ thuật. Vì thế, việc kết nối với các địa phương khác trong tỉnh và vùng còn chậm. “Huyện đang đợi UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch huyện, khi có quy hoạch sẽ dựa vào đó để mời gọi các dự án khu dân cư, thương mại dịch vụ, công nghiệp, hạ tầng giao thông. Như vậy, huyện sẽ khai thác hết tiềm năng về đất đai trên địa bàn” - ông Đức
chia sẻ.
* Có thể làm nhịp phát triển chậm lại
Trong giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai vẫn giữ được tốc độ cao hơn bình quân chung cả nước 1-2%/năm, nhưng so với những tỉnh lân cận như: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, tốc độ tăng trưởng trên một số lĩnh vực của tỉnh có dấu hiệu chậm lại.
Cụ thể, về công nghiệp, Bình Dương đi sau Đồng Nai cả thập niên nhưng hiện đã vượt xa tỉnh với diện tích các KCN lên đến 15 ngàn ha (cao hơn tỉnh 5 ngàn ha). Do đó, thu ngân sách của Bình Dương năm 2019 đạt 57,3 ngàn tỷ đồng, cao hơn tỉnh hơn 3 ngàn tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ, thành lập mới doanh nghiệp của Bình Dương cũng vượt xa so với Đồng Nai. Năm 2019, tỉnh này xuất siêu gần 7 tỷ USD (cao gấp gần 2 lần Đồng Nai).
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, trong thu hút đầu tư nước ngoài, trong nước, Bình Dương đã chú ý chọn những dự án sản xuất sản phẩm hoàn thiện tiêu thụ tại nội địa và xuất khẩu, nguồn thu cho ngân sách nhà nước cao hơn.
Thời gian qua, kinh tế Đồng Nai chưa tạo ra bước đột phá như kỳ vọng còn do hạ tầng kỹ thuật của tỉnh chưa kết nối hoàn chỉnh giữa các địa phương và rộng hơn là kết nối với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, tại các KCN của tỉnh, diện tích cho thuê đất còn rất ít, nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn mở rộng sản xuất hoặc đầu tư dự án mới với diện tích lớn gặp khá nhiều khó khăn.
Ông Hà Quan Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển đô thị công nghiệp số 2 chia sẻ: “Công ty đầu tư hạ tầng KCN Nhơn Trạch 2 từ năm 1997, diện tích đất cho thuê đã hết, nhiều nhà đầu tư thứ cấp muốn thuê thêm đất mở rộng nhà xưởng nhưng không còn”.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài muốn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao nhưng khó tìm được diện tích đất lớn để thuê. Các dự án về du lịch sinh thái vướng vào đất lúa, đất rừng nên chậm triển khai, chưa kể khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu hạ tầng kết nối.