Thiếu máu cho cấp cứu và điều trị

Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nhiều chương trình, hoạt động hiến máu tạm hoãn khiến lượng máu tiếp nhận giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho cấp cứu và điều trị.

(baophutho.vn) - Do ảnh hưởng từ dịch COVID-19nhiều chương trình, hoạt động hiến máu tạm hoãn khiến lượng máu tiếp nhận giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho cấp cứu và điều trị.

Tại trung tâm Huyết học truyền máu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đến ngày 29/11, lượng máu dự trữ tại Trung tâm còn hơn 500 đơn vị, tạm đủ đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị trong 1 tuần.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh - Trưởng Đơn vị truyền máu, Trung tâm Huyết học truyền máu cho biết: Cuối năm là thời điểm nhu cầu dùng máu tăng cao, trung bình từ 30% - 40%. Đây cũng là thời điểm nguồn máu dự trữ cạn kiệt do khó khăn khi tổ chức các chương trình hiến máu tình nguyện.

'

Từ giữa tháng 10/2021, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương – đơn vị cung cấp máu cho nhiều cơ sở khám, chữa bệnh đã thông báo tạm ngừng cung cấp máu cho Trung tâm Huyết học truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh do không đủ máu. Nhu cầu dự trữ máu cung cấp cho công tác cấp cứu, điều trị trước, trong và sau Tết hiện đang là nỗi lo thường trực hiện nay.

Tại Đơn vị Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trung bình có khoảng 50 bệnh nhân điều trị thường xuyên. Để điều trị đúng phác đồ cho bệnh nhân, trung bình cần khoảng hơn 100 đơn vị máu mỗi tuần.

Em Đinh Khánh Hà quê ở Yên Lập là bệnh nhi nhỏ tuổi đã điều trị bệnh tan máu bẩm sinh tại Đơn vị Huyết học lâm sàng từ khi mới 2 tháng tuổi. Hiện nay em đã 5 tuổi. Mỗi tháng, em lại cùng mẹ tới bệnh viện để truyền máu một lần.

Mẹ của em Đinh Khánh Hà cho biết: Quá trình điều trị của Hà cần được truyền máu thường xuyên, gia đình rất mong nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng, đặc biệt là các tình nguyện viên tham gia hiến máu để góp phần giúp đỡ những bệnh nhi cần máu như Hà.

Anh Hà Văn Hải, 33 tuổi, quê ở xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn cũng bị tan máu bẩm sinh từ nhỏ. Lần điều trị này, anh đã phải truyền tới 6 đơn vị máu để cảm thấy khỏe hơn.

Anh Hải cho biết nếu không có máu để điều trị, cơ thể anh thường xuyên không đủ sức khỏe để lao động, làm việc; luôn luôn choáng váng, đau đầu. Đây cũng là tình trạng chung của các bệnh nhân mắc bệnh về máu đang điều trị tại đây.

Bác sĩ Hoàng Thị Bích – Đơn vị Huyết học lâm sàng cho biết: Để đáp ứng nhu cầu chữa trị cho các bệnh nhân tại khoa hiện nay, cần có lượng máu dự trữ lớn.

Nếu không đủ máu điều trị, bệnh nhân mắc các bệnh về máu sẽ không đủ sức khỏe tham gia các sinh hoạt bình thường, về lâu dài dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng về tim mạch, xương khớp.

Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại – ngành Y tế đã và đang kêu gọi người đủ điều kiện sức khỏe tình nguyện hiến máu để góp phần giải quyết tình trạng thiếu máu trong cấp cứu và điều trị. Hiện nay, tại Trung tâm Huyết học và truyền máu, tiếp nhận mọi trường hợp đủ điều kiện hiến máu tình nguyện 24/24h tại nhà C, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Trà My

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/suc-khoe-doi-song/202112/thieu-mau-cho-cap-cuu-va-dieu-tri-181359