'Thiếu một đức thì không thành người'
Khi đề cập đến đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, phẩm chất 'cần, kiệm, liêm, chính' thường được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến nhiều nhất. Người khẳng định: 'Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người'.
“Cần, kiệm, liêm, chính”- một trong 6 nhiệm vụ cấp bách sau ngày độc lập
Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/9/1945, tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Chính tại phiên họp quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đáng chú ý là trong nhiệm vụ thứ 4, sau khi chỉ rõ: “Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH”. Trong bộn bề công bề công việc của những ngày đầu lập nước, việc Bác nhấn mạnh tới: “CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH” đủ cho thấy Người coi trọng “tứ đức” này như thế nào.
Hai năm sau đó, trong tác phẩm Đời sống mới (3/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ nhiệm vụ cần thiết trong lúc kháng chiến kiến quốc là phải thực hành đời sống mới. Mục đích của đời sống mới là làm cho đời sống của nhân dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn, để đời sống toàn thể đồng bào ta có thể phong lưu, dồi dào và xây dựng một nước Việt Nam phú cường.
Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải thực hành “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, nêu rõ việc thực hành đời sống mới là nhiệm vụ của mọi ngành, mọi giới và mọi người. Đặc biệt, Người chỉ rõ thế nào là “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. “… thực hành đời sống mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Quân đội phải siêng tập, siêng đánh. Nhân dân tăng gia sản xuất, phải siêng làm, thì kháng chiến chắc chắn thắng lợi, thế cho nên phải Cần. Binh sĩ phải tiết kiệm đạn dược, mỗi viên đạn một tên thù. Nhân dân phải tiết kiệm vật liệu, mới giúp được bộ đội và đồng bào tản cư. Thế cho nên phải Kiệm. Mọi người đều trong sạch, không tham lam, không đem của công dùng vào việc tư, thì mọi việc mới chạy. Cho nên ai cũng phải Liêm. Mỗi người quốc dân đều phải vì nước quên nhà, hăng hái ủng hộ kháng chiến, ra sức tăng gia sản xuất, trừ diệt bọn bán nước hại dân quyết làm cho Tổ quốc thống nhất độc lập. Thế là Chính”- Người viết trong tác phẩm.
Tháng 10/1947, khi viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh rằng: Mỗi đảng viên, trước hết là mỗi cán bộ, phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình. Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Kiên quyết chống bệnh tự mãn tự túc, tự tư tự lợi, kiêu ngạo, ba hoa. Phải thực hành khẩu hiệu: “Chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính!".
“Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính”
Và hai năm tiếp sau đó, năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Cần kiệm liêm chính gồm 4 bài báo với bút danh Lê Quyết Thắng đăng trên báo “Cứu quốc” các số ra ngày 30/5, 31/5, 1/6 và 2/6/1949. Trong tác phẩm này, Người đã coi “tứ đức” là nền tảng của Đời sống mới, là nền tảng của Thi đua ái quốc và luận giải “tứ đức” trong tổng thể của trời, đất, con người và mối quan hệ của mùa - trời; của phương - đất; của đức - người. Người khẳng định: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/ Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/Thiếu một mùa, thì không thành trời/Thiếu một phương, thì không thành đất/Thiếu một đức, thì không thành người”.
Trong 4 bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục làm rõ nội hàm của bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Trong bài báo “Thế nào là Cần”, Bác giải thích rõ: “Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Dao siêng mài thì sắc bén. Ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt. Điều đó rất dễ hiểu. Siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khỏe”. Bác chỉ rõ: “Muốn cho chữ Cần có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng…Vì vậy, siêng năng và kế hoạch phải đi đôi với nhau. Kế hoạch lại đi đôi với phân công”; “Cần và chuyên phải đi đôi với nhau. Chuyên nghĩa là dẻo dai, bền bỉ”. Người cũng khẳng định: “Lười biếng là kẻ địch của chữ cần... Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc. Do vậy, người lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc”.
Trong bài báo Thế nào là Kiệm, Người phân tích: “Kiệm là thế nào? Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi và không phải là bủn xỉn hay nói khác đi là không lãng phí. Trong đó, Cần phải đi đôi với Kiệm “như hai chân của con người”; vì “Kiệm” mà không “Cần” thì không tăng thêm, không phát triển. Người giải thích cách thức tiết kiệm bằng cách nào, và phân tích thêm: “Thời giờ cũng cần phải tiết kiệm như của cải. Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được. Có ai kéo lại ngày hôm qua được không? Muốn tiết kiệm thời giờ, thì việc gì ta cũng phải làm cho nhanh chóng, mau lẹ. Không nên chậm rãi. Không nên "nay lần mai lữa". Kết thúc bài báo, Người kết luận kết quả của tiết kiệm là: “Kết quả CẦN cộng với kết quả KIỆM là: bộ đội sẽ đầy đủ, nhân dân sẽ ấm no, kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công, nước ta sẽ mau giàu mạnh ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới. Kết quả chữ CẦN chữ KIỆM to lớn như vậy đó. Cho nên người yêu nước thì phải thi đua thực hành tiết kiệm”.
Trong bài báo Thế nào là Liêm, Bác phân tích “Liêm” là trong sạch, không tham lam tiền, của. Các hành vi dẫn đến tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là “bất Liêm”. Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm, Vì xa xỉ mà sinh tham lam, tham lam sẽ dẫn đến bất Liêm, cho nên, cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân. Người chỉ rõ: “Dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM. Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Người kết luận: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”.
Cuối cùng trong tứ đức là Chính. Trong bài báo: Thế nào là Chính, Người đã giải thích: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Ðiều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà”. Người kết luận: “Cần, Kiệm, Liêm là gốc của Chính"; “Như một cây cần phải có gốc rễ, lại cần có nhành, lá, hoa quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm nhưng còn phải Chính mới là người cán bộ hoàn toàn mẫu mực”.
Sau này, trong Di chúc để lại, một lần nữa Bác nhấn mạnh: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cộng sản mẫu mực, luôn thống nhất giữa nói và làm. Lúc sinh thời, Bác sống giản dị, từ lời nói, việc làm, phong cách, từ cách ăn mặc đến những sinh hoạt đời thường, ngay cả khi giữ cương vị Chủ tịch nước. Quần áo Bác mặc chỉ có vài bộ kaki may cùng kiểu, có cái đã rách cổ vá đi vá lại, thay cổ mà Bác vẫn không cho đổi. Có lần Bác nói với một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng một cách chân tình: "Này chú! Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy, đừng bỏ cái phúc ấy đi". Năm 1954, về sống ở Phủ Chủ tịch, Người từ chối ở trong ngôi nhà Toàn quyền và chọn ngôi nhà của người thợ điện. Tháng 7/1968, Bộ Chính trị họp và ra Nghị quyết về việc tổ chức 4 ngày lễ lớn của năm: Ngày thành lập Đảng; Ngày Quốc khánh; Ngày sinh Lênin và Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi biết tin này, Người đề nghị: “Bác chỉ đồng ý ba phần tư Nghị quyết. Bác không đồng ý đưa 19.5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm sau. Hiện nay, các cháu học sinh đã sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh của Bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí.
Giữ thanh liêm, giữ liêm sỉ, danh dự, trong sạch, trong sáng
“Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/Thiếu một mùa, thì không thành trời/Thiếu một phương, thì không thành đất/Thiếu một đức, thì không thành người”- Lời Người dạy còn vang vọng mãi. Vấn đề là làm thế nào để thực hiện tốt lời Bác đã dạy?
Theo giáo sư, tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, Đảng phải chú trọng giáo dục, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ có trọng trách. Trên cơ sở đưa đạo đức vào nội dung xây dựng Đảng, cần đẩy mạnh giáo dục danh dự, giáo dục liêm sỉ, giáo dục nỗi biết nhục khi rơi vào chuyện xấu xa, khuất tất.
Tháng 6/2021, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một trong những việc học và làm theo Bác Hồ là phải giữ thanh liêm, giữ liêm sỉ, danh dự, trong sạch, trong sáng. Vì liêm sỉ là nền tảng của đạo làm người.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Thanh sạch, liêm khiết ấy chính là Liêm vậy. Người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, cũng chẳng muốn ham hố vật chất. Hơn nữa, chính là tinh thần chí công vô tư, "dĩ công vi thượng" và biết quên mình mà làm chuyện ích lợi chung. Người Liêm khiết thì luôn giữ cho nhân cách mình được vẹn toàn, thanh danh mình được thơm tho, không lợi dụng địa vị mình để chiếm công vi tư, để nhũng nhiễu, bóc lột đồng loại. Một công bộc quốc gia liêm chính phải: có đức, có tài, biết kính trọng nghề nghiệp, vui vẻ với mọi người, công chính vô tư; biết lễ, phép, biết hay, dở, phải, trái. Chung quy một người liêm chính là người tài đức xứng với danh vị của mình, với chức tước, phận vị của mình.
Liêm cũng lại là thấy của người, của quốc gia mà lòng không ham chiếm đoạt một cách phi pháp. Tức là biết xét nét, đâu là giới hạn giữa công và tư rồi không dám làm điều xấu, điều trái với quốc pháp và đạo lý luân thường. Nhất là không che đậy điều xấu, nghĩa là đức hạnh vẹn toàn. Nếu không Liêm thì của gì cũng cả gan lấy; không Sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm. Người mà đến như thế thì không chỉ rước họa "thân bại danh liệt" và thử hỏi còn tai họa nào mà chẳng đến? Huống chi lại là kẻ làm quan mà cái gì cũng rắp tâm mưu đoạt, việc gì cũng bằng mọi thủ đoạn làm thì sao mà thiên hạ không loạn, quốc gia không mất cho được".
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thieu-mot-duc-thi-khong-thanh-nguoi-post248361.html