Thiếu mực in, nhiều tỉnh thành miền Tây chậm cấp hàng nghìn giấy phép lái xe
Thiếu mực in, màng phủ, Sở Giao thông vận tải tại một số tỉnh thành miền Tây tồn đọng hàng nghìn hồ sơ, dẫn đến việc chậm cấp giấy phép lái xe cho người dân.
Thời gian gần đây, PV VietNamNet nhận nhiều phản ánh từ người dân về việc Sở GTVT một số tỉnh thành miền Tây chậm cấp giấy phép lái xe (GPLX) cho học viên đã vượt qua kỳ thi sát hạch.
Anh Võ Hoàng Hiếu (29 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) nhiều năm hành nghề xe ôm. Sau khoảng thời gian tích góp, với sự giới thiệu của người quen, anh đóng hơn 20 triệu đồng, tham gia học tại trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe trên đường Nguyễn Văn Linh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).
Anh Hiếu đã vượt qua kỳ thi sát hạch bằng C vào ngày 19/7. Một ngày sau, anh làm hồ sơ ứng tuyển vào công ty giao hàng trên địa bàn thành phố.
“Tôi tưởng thi xong thì 10 ngày sau sẽ có GPLX. Công ty hỏi bằng lái, tôi gọi thúc giục trung tâm nhưng họ nói phải đợi Sở GTVT. Hơn 2 tháng vẫn không nhận được bằng, công ty cũng đã tuyển người mới”, anh Hiếu than thở.
Không việc làm, giá nhà trọ cao, vợ chồng anh Hiếu cùng đứa con 3 tháng tuổi chuyển về quê, tiếp tục mưu sinh với nghề lái xe ôm. Nhiều đồng nghiệp giới thiệu việc làm nhưng anh Hiếu đành ngậm ngùi từ chối vì Sở GTVT vẫn còn “nợ” GPLX.
Cùng tham gia học tại trung tâm nói trên, anh Nguyễn Thanh Nguyên (30 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) hoàn thành kì thi sát hạch vào ngày 6/8, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp GPLX.
Không có bằng lái, anh Nguyên không dám chạy ra đường và vẫn phải lệ thuộc vào người thân mỗi lúc cần đi xa.
“Tôi kinh doanh phụ kiện nuôi cá cảnh, hàng tháng 4-5 lần lên TPHCM lấy hàng. Mỗi chuyến như vậy, tôi trả cho tài xế 400.000 đồng. Nếu có bằng lái, tôi không tốn khoản tiền này”, anh Nguyên nói.
Trao đổi qua điện thoại, nhân viên trung tâm mà anh Hiếu, anh Nguyên từng học cho biết, hiện mới chỉ cấp GPLX tới đầu tháng 7. “Sở GTVT hết vật liệu in bằng lái”, nhân viên lý giải.
Theo tìm hiểu của PV, một số tỉnh thành tại miền Tây đã hết nguồn nguyên vật liệu (mực in và màng phủ) in GPLX do số lượng người dân tới thực hiện thủ tục đổi giấy phép tăng vọt.
Mặt khác, theo quy định mới của Luật Đấu thầu 2023 (hiệu lực từ đầu năm nay), hoạt động mua sắm hóa đơn trên 100 triệu đồng phải tổ chức đấu thầu. Do đó, việc mua sắm nguyên vật liệu phục vụ in GPLX phải thực hiện quy trình đấu thầu mua sắm hàng hóa.
TP Cần Thơ hiện có 12 cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ. Trung bình mỗi tháng có hơn 2.000 trường hợp thông qua kỳ thi sát hạch, cần được cấp mới GPLX.
Thông tin đến báo chí, lãnh đạo Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết, đơn vị vừa ký được hợp đồng với nhà thầu cung ứng vật tư phục vụ in bằng lái xe. Sở sẽ tranh thủ làm ngày đêm để phục người dân và trong tháng 10 tới, mọi việc trở lại hoạt động bình thường.
Tại Vĩnh Long, hiện có hơn 10.000 hồ sơ tồn đọng và hết nguồn nguyên vật liệu in từ tháng 7. Sở GTVT đã có văn bản nêu lý do chậm trả kết quả cấp mới, cấp lại, cấp đổi GPLX.
Theo đó, đầu tháng 6, Sở ký kết hợp đồng với đơn vị trúng thầu. Tuy nhiên, nhà thầu chậm trễ và không cung cấp hàng hóa như đã cam kết nên chấm dứt hợp đồng. Đơn vị này đã tổ chức đấu thầu lại.
“Sở GTVT xin nhận trách nhiệm vì sự chậm trễ này, rất mong nhận được sự chia sẻ, thông cảm của các tổ chức, cá nhân”, văn bản nêu.
Trong khi đó, ông Ngô Công Thức - Giám đốc Sở GTVT An Giang thông tin, hoạt động cấp GPLX cho người dân vẫn diễn ra bình thường, mực in còn đủ đến hết tháng 10. “Sở đang xin ý kiến UBND tỉnh để mua thêm nguyên vật liệu in GPLX”, ông Thức nói.