Thiếu nghĩa trang, vì sao Quảng Ngãi không gọi được đầu tư xây nhà hỏa táng?
Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi không còn quỹ đất chôn cất cho người quá cố. Trong khi quy định của bộ ngành ít nhiều khiến việc lập quy hoạch xây dựng nghĩa trang mới và kêu gọi đầu tư lò hỏa táng gặp khó.
Người dân bí nơi chôn cất người thân qua đời
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, nhiều nơi các nghĩa địa, nghĩa trang nhân dân tự phát "mọc lên". Có nơi, ngày càng "phình" ra và tiến sát nhà dân đang sống gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Ghi nhận cho thấy, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, nghĩa địa đã tiến sát nhà dân nhưng địa phương không có giải pháp can thiệp dẫn đến "người chết sống chung với người sống".
Đơn cử, tại xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, nhiều năm qua người dân ở đây bức xúc khi nghĩa địa Gò Cao đã "hết đất", người dân có người thân qua đời không ngại mua đất nông nghiệp hoặc tự lấn chiếm đất đến sát tường rào nhà người dân đang sống để chôn cất.
Lo ngại việc người chết "sống cùng", người dân địa phương gửi đơn thư đến cấp thẩm quyền đề nghị cần "đóng cửa" nghĩa địa Gò Cao, ngăn chặn tình trạng chôn cất trái quy định để đảm bảo môi trường.
Theo lãnh đạo UBND xã Nghĩa Thắng, địa phương đã tính đến phương án quy hoạch xây dựng nghĩa trang phục vụ nhu cầu chôn cất cho nhân dân tại chân núi Hàng Ngang. Vị trí này quỹ đất đẹp, nằm cách biệt, nhưng theo quy định của Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng thì không phù hợp về khoảng cách đường chim bay đến khu vực có nhà dân và hệ thống kênh, suối.
Qua rà soát có một vị trí tương đối phù hợp về quy định nhưng lại nằm sâu trong núi, đi lại khó khăn. Thêm nữa là việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư gặp khó, trong khi ngân sách hạn hẹp nên chưa thực hiện được.
Bí thư huyện ủy Sơn Hà Trần Văn Luật cho hay, nhiều nghĩa trang, nghĩa địa tự phát mọc nhan nhản khắp nơi, ảnh hưởng đến môi trường. Trong khi đó, công tác quy hoạch nghĩa trang nhân dân còn nhiều bất cập trên thực địa dẫn đến người dân qua đời không tìm được nơi chôn cất.
Nhiều nghĩa trang hiện hữu không đảm bảo các quy định về khoảng cách an toàn cần có quy định "đóng cửa", nhất là nghĩa trang đang hoạt động.
"Các sở ngành cần có định hướng, giải pháp đóng cửa, di dời các nghĩa trang nhỏ lẻ hiện hữu và xây dựng nghĩa trang tập trung mới phù hợp với các quy định, quy hoạch để đảm bảo nơi chôn cất của nhân dân", ông Luật kiến nghị.
Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Quảng Ngãi Nguyễn Hữu Hồng thừa nhận, có thực trạng nghĩa trang nhỏ lẻ tồn tại. Thời gian qua, đơn vị tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương "đóng cửa" những nghĩa địa không còn phù hợp.
"Đến nay toàn tỉnh đã đóng cửa 33 nghĩa trang nhỏ lẻ, phần đất này được sử dụng vào đầu tư đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật, công viên… Con số này là quá ít so với thực tế và sở tiếp tục tham mưu để di dời. Nhưng, việc này cần thực hiện từng bước chứ không thể cùng lúc được. Phải có lộ trình mới xóa bỏ được những nghĩa địa, nghĩa trang nhỏ lẻ", ông Hồng nói.
Cũng theo ông Hồng, những nghĩa địa, nghĩa trang không có trong quy hoạch buộc phải đóng cửa. Nghĩa trang nào đảm bảo môi trường về khoảng cách, cự ly... như tại Quy định 01 của Bộ TN&MT thì trồng cây xanh, đầu tư mương thoát nước.
Những nghĩa trang đã "đóng cửa" nhưng không khắc phục được những quy định về môi trường thì giải tỏa trắng, di dời về nghĩa trang tập trung.
"Trước mắt, các địa phương chủ động đầu tư các nghĩa trang mới để đảm bảo nhu cầu chôn cất của người dân, tránh tình trạng người dân bí nơi chôn cất người quá cố", ông Hồng kiến nghị.
Nhà đầu tư không mặn mà đầu tư lò hỏa táng
Những năm qua, ngoài lập quy hoạch đầu tư xây dựng nghĩa trang nhân dân, tỉnh Quảng Ngãi cũng đề ra chủ trương kêu gọi đầu tư lò hỏa táng để đáp ứng nhu cầu các gia đình có thân nhân qua đời. Song, đến nay toàn tỉnh vẫn chưa có lò hỏa tàng nào được đầu tư.
Được biết, theo quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã đưa vào quy hoạch xây dựng các dự án nghĩa trang sinh thái gắn với kết hợp lò hỏa táng tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.
Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Nguyễn Hữu Hồng cho biết, tỉnh đã có quy hoạch kêu gọi đầu tư 6 lò hỏa táng với diện tích hơn 290ha. Song, những dự án này ít thu hút nhà đầu tư vì chi phí lớn, trong khi phong tục tập quán người dân là chôn cất. Từ đó, nhà đầu tư lo ngại chậm thu hồi vốn nên không mặn mà tham gia đầu tư.
Đồng thời, quy trình pháp lý, thủ tục đầu tư loại hình này còn phức tạp.
"Đúng ra, loại hình đầu tư nghĩa trang nhân dân kết hợp lò hỏa táng cần có cơ chế đặc thù mới thu hút được nhà đầu tư. Vì theo quy định, ở một số địa phương tìm được quỹ đất cách xa mép nhà dân 500m xây dựng lò hỏa táng rất khó, thậm chí là nghĩa trang cũng trong tình cảnh tương tự so với quy định của Bộ Xây dựng tại Nghị định 23", ông Hồng nói.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa diễn ra, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho rằng, trong quy hoạch xác định kêu gọi đầu tư 6 lò hỏa táng. Điều đó cho thấy cơ sở để thu hút đầu tư đã có. Điều quan trọng là cần có cơ chế để mời gọi được nhà đầu tư.
"Hiện nhà đầu tư quan tâm nhiều đến quỹ đất lập nghĩa trang, nghĩa địa... do đó các sở ngành cần gắn kết cấp đất lập nghĩa địa đi cùng với lò hỏa táng. Hỗ trợ nhà đầu tư trong thủ tục tiếp cận đất đai, môi trường... Nghiên cứu xây dựng quy định hỗ trợ nhà đầu tư khi đầu tư vào lò hỏa táng", bà Vân gợi ý.
Trước đó, vào tháng 8/2024, HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nghị quyết hỗ trợ đối với người dân có người thân qua đời khi hỏa táng.
Cụ thể, hỗ trợ 15 triệu đồng/trường hợp tại địa bàn huyện Lý Sơn; 13 triệu đồng/trường hợp tại địa bàn các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Minh Long, Ba Tơ; 10 triệu đồng/trường hợp tại địa bàn các huyện còn lại.
Sau 4 tháng, đến nay có 53 trường hợp nhận hỗ trợ hỏa táng với số tiền 530 triệu đồng.