Thiếu nguồn giống sắn sạch bệnh để trồng mới
Thời gian qua, bệnh khảm lá trên cây sắn bùng phát ở nhiều địa phương trong tỉnh, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình đó, ngoài việc triển khai các giải pháp phòng trừ bệnh khảm lá sắn, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh công tác khảo nghiệm, nghiên cứu để tuyển chọn các giống sắn mới có năng suất, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là bệnh vi rút khảm lá sắn.
Cây sắn góp phần quan trọng trong tạo việc làm và thu nhập cho nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng năm, diện tích trồng sắn chiếm khoảng 10.000 -12.000 ha, đứng thứ hai sau cây lúa, năng suất trên 17 tấn/ha, sản lượng khoảng 200.000 tấn. Cơ cấu giống sắn trồng ở các địa phương chủ yếu là giống KM 94, chiếm trên 90% diện tích, 10% còn lại gồm các giống KM 140, sắn địa phương. Tuy nhiên, giống sắn KM 94 hiện nay đã thoái hóa, năng suất thấp, nhiễm bệnh do canh tác liên tục nhiều năm. Đặc biệt vào năm 2020, bệnh khảm lá sắn do vi rút gây nên đã xuất hiện và gây hại nặng trên địa bàn tỉnh.
Trong niên vụ sản xuất năm 2021, mặc dù cơ quan chức năng đã cảnh báo và hướng dẫn phòng trừ kịp thời, tuy nhiên bệnh khảm lá sắn vẫn lây lan gây hại trên diện rộng. Qua kiểm tra thực tế đã phát hiện bệnh khảm lá phát sinh rải rác trên cây sắn mới ở các xã Hải Chánh, Hải Trường, Hải Sơn, Hải Hưng, Hải Thượng, Hải Phú (Hải Lăng), Triệu Thượng, Triệu Long, Triệu Sơn (Triệu Phong), Hải Lệ (thị xã Quảng Trị). Bệnh phát sinh chủ yếu trên các vườn đã sử dụng giống tự để lại của các vùng bị bệnh năm trước. Riêng địa bàn huyện Hải Lăng, hiện có 134 ha sắn bị bệnh khảm lá, trong đó có 9 ha bị nhiễm nặng, 42 ha ở mức trung bình.
Tại xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, diện tích trồng sắn khoảng 60 ha, hiện có khoảng 2,5 ha sắn giống KM 94 bị nhiễm bệnh khảm sắn lá nặng. Đây là diện tích mà người dân để lại làm giống cho vụ sản xuất tới. Phó Chủ tịch UBND xã Hải Sơn Đoàn Thị Diệu Thư cho biết: “Đối với diện tích sắn bị nhiễm bệnh này, xã đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân nhổ bỏ, không tiếp tục làm giống trồng cho vụ tới vì sẽ tiếp tục phát sinh mầm bệnh trên cây trồng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là người dân không có kinh phí mua giống mới nếu nhổ bỏ diện tích sắn làm giống này nên vẫn tiếp tục duy trì”.
Hiện chưa có thuốc để trừ vi rút gây bệnh khảm lá sắn, chỉ phòng bệnh là chủ yếu và khi bị bệnh thì phải tiêu hủy. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là thiếu giống sắn sạch bệnh để triển khai trồng mới. Vừa qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã bước đầu khảo nghiệm tính chống chịu bệnh khảm lá do vi rút và khả năng sinh trưởng của hai giống sắn mới là HN3 và HN5 để thay thế giống KM 94 nhiễm bệnh. Đây là hai giống sắn đã được Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế khảo nghiệm thành công tại tỉnh Tây Ninh, nơi có áp lực bệnh rất cao nhưng vẫn cho năng suất và hàm lượng tinh bột tương đương với các giống khác như KM 94, KM 140. Sau thời gian trồng khảo nghiệm trên cùng một chân đất, sử dụng một loại phân, chế độ chăm sóc giống nhau nhưng diện tích sắn đối chứng bị bệnh, còn hai giống HN3 và HN5 thì phát triển tốt.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Trần Minh Tuấn cho biết, bước đầu thử nghiệm hai giống sắn mới cho thấy đáp ứng tính chống chịu bệnh khảm lá do vi rút. Tuy nhiên, phải cần thêm một thời gian thử nghiệm để có đánh giá hoàn chỉnh về hai giống sắn này liệu đủ điều kiện đưa vào thay thế các giống cũ để sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Dự kiến năm 2022, toàn tỉnh trồng 10.500 ha sắn, sản lượng ước khoảng 160.000 tấn. Để hạn chế thấp nhất lây lan dịch bệnh và quản lý tốt nguồn giống sắn trồng niên vụ 2022, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền đến hộ nông dân trồng sắn nhận biết biểu hiện, tác hại của bệnh vi rút khảm lá sắn và các giải pháp phòng trừ hiệu quả. Xây dựng các mô hình trình diễn về quản lý bệnh vi rút khám lá sắn có hiệu quả để nông dân tham quan học tập.
Trong tình hình hiện nay, sử dụng giống sạch bệnh, giống kháng bệnh và kiểm soát quá trình vận chuyển giống nhiễm bệnh là giải pháp hiệu quả nhất. Để có nguồn giống sắn sạch bệnh, đưa nhanh các giống sắn kháng bệnh khảm sắn lá vào sản xuất, cần có sự phối hợp và tận dụng hết các nguồn lực sẵn có ở các viện, trung tâm nghiên cứu và địa phương. Vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã đề nghị Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức thông tin tuyên truyền, xây dựng mô hình áp dụng giống sắn kháng bệnh khảm lá sắn, đề nghị Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam xây dựng phương án, kế hoạch nhân nhanh giống kháng bệnh. Các địa phương trong đó có Quảng Trị mong chờ có giống sắn sạch bệnh để triển khai khảo nghiệm tại địa phương phù hợp nhằm thay thế các giống sắn hiện đã thoái hóa, nhiễm bệnh.