Thiếu nguồn lực, nhiều vướng mắc, ngân hàng 'dò dẫm' triển khai chuẩn kế toán IFRS 9

Lợi ích của chuẩn mực kế toán IFRS 9 mang lại đã rõ và cũng đã có lộ trình bắt buộc từ 2025, nhưng mới chỉ lác đác một số ngân hàng chủ động triển khai...

Ảnh minh họa.

Chấp nhận phát sinh chi phí đầu tư lớn cũng như sự “nhòm ngó" của thị trường nhưng đổi lại, ngân hàng áp dụng chuẩn mực kế toán IFRS 9 sẽ hiểu rõ được bản thân và tự tin với nền sức khỏe đang có.

TĂNG BỘ ĐỆM CHỊU ĐỰNG RỦI RO TÍN DỤNG

Một trong những chuẩn mực quan trọng mà nhiều ngân hàng đã và đang hướng tới áp dụng chính là Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và chuẩn mực quản trị rủi ro theo Basel 3.

Đặc biệt, với IRFS 9, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản tổn thất trong tương lai, ngược với thực tiễn hiện hành là chỉ trích lập dự phòng cho các tổn thất đã phát sinh.

Tại một hội thảo về IFRS mới đây, bà Nguyễn Hồng Vân, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, đối với ngành ngân hàng, chuẩn mực IFRS 9 là quan trọng nhất vì nó định giá lại các công cụ tài chính chiếm đến 90% tài sản của các ngân hàng.

Do đó, các ngân hàng Việt Nam cần hiểu rõ IFRS để đánh giá khách hàng doanh nghiệp trước khi thực hiện bất kỳ quyết định nào, chẳng hạn như phê duyệt các gói cho vay.

Hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh đã cho thấy những tín hiệu sáng trở lại, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn và khó khăn tiềm ẩn vẫn rất lớn. Do đó, để đưa ra quyết định cấp tín dụng là một vấn đề vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, IFRS sẽ giúp ngân hàng giải bài toán khó này.

“Ngân hàng phải nắm được việc thực hiện IFRS của các doanh nghiệp nói chung, vì doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng, nên phải hiểu được báo cáo tài chính của các doanh nghiệp để xếp hạng tín nhiệm, từ đó quyết định cấp tín dụng và các dịch vụ tài chính kèm theo”, bà Vân nói.

Ngược lại, bà Vân cũng nhấn mạnh, nếu tuân thủ IFRS 9 thì các ngân hàng sẽ có điều kiện để tính toán khả năng chịu đựng được các tổn thất tín dụng trong các biến động kinh tế vĩ mô, đem lại quá trình phát triển ổn định, bền vững, lâu dài cho các ngân hàng.

Chung quan điểm, KPMG Việt Nam nhìn nhận, giải pháp công nghệ có ảnh hưởng đáng kể đến phương thức vận hành của các ngân hàng khi áp dụng IFRS 9 ở các khía cạnh: môi trường dữ liệu, môi trường tính toán và môi trường ngôn ngữ/mô hình.

Theo đó, phần lớn các ngân hàng đã phải nâng cấp môi trường tính toán, trong đó, một số thậm chí có thể phải vận hành song song các môi trường tính toán khác nhau. Ngoài ra, các ngân hàng còn phải thực hiện các bài kiểm tra sức chịu đựng, đặc biệt là kiểm tra các kịch bản có thể xảy ra để xác định được độ nhạy của mô hình ECL.

“Trong IFRS 9, mô hình ECL sẽ buộc các ngân hàng của Việt Nam phải trích lập dự phòng để bù đắp cho những tổn thất dự kiến trong tương lai đối với tất cả các khoản nợ tín dụng của họ, trái với các quy định hiện hành của địa phương”, KPMG nhấn mạnh.

ĐIỂM ĐẾN CỦA BÁO CÁO TÀI CHÍNH MINH BẠCH

Ngoài lợi ích trên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng còn cho rằng, ngân hàng nào tuân thủ được IFRS 9 sẽ có khả năng tiếp cận nguồn vốn trên thị trường quốc tế. Bởi lẽ, IFRS 9 mang lại cho các tổ chức tín dụng một tiêu chuẩn cao hơn về báo cáo tài chính minh bạch.

"IFRS 9 mang lại những lợi ích lớn cho các tổ chức tài chính như tăng khả năng so sánh, gia tăng chất lượng thông tin công bố từ đó mở cánh cửa hội nhập vào thị trường vốn quốc tế. Thậm chí, việc gọi vốn từ thị trường quốc tế sẽ rất nhanh chóng, dễ dàng và với chi phí rẻ nhất", ông Hùng nói.

Tại góc độ của một ngân hàng đã áp dụng và chuyển đổi IFRS, ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt cho hay, IFRS 9 sẽ khiến ngân hàng phải thay đổi lớn. Thế nhưng thay đổi này sẽ đem lại 3 lợi ích cụ thể.

Thứ nhất, ngân hàng cũng như bất kỳ doanh nghiệp nào, tính minh bạch là rất quan trọng. Khi áp dụng IFRS 9, ngân hàng sẽ trở thành tổ chức có tính minh bạch cao hơn rất nhiều trong mắt nhà đầu tư, trong mắt khách hàng, cũng như thị trường.

Thứ hai, IFRS 9 buộc ngân hàng phải có tính chủ động cao trong việc đưa ra lựa chọn mô hình kinh doanh, xác định các đặc tính của những sản phẩm trọng yếu. Nhờ vậy, ngân hàng sẽ có phương hướng quản lý hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, cũng như có thể hoạch định nguồn vốn tốt nhất.

Vào cuối tháng 9/2021, TPBank cũng công bố hoàn thành các yêu cầu IFRS 9. Một số ngân hàng khác cũng đang trong quá trình chuẩn bị hoặc đang triển khai dự án như Vietcombank khởi động dự án triển khai IFRS 9 từ cuối 2020 và sẽ sớm hoàn thành trong thời gian tới.

Thứ ba, muốn áp dụng IFRS 9 thông suốt, ngân hàng sẽ phải thay đổi mô hình phối hợp giữa các bộ phận liên quan, từ kinh doanh đến quản lý rủi ro và tài chính trên một nền tảng thống nhất mà IFRS 9 đã hình thành.

Nhìn chung, IFRS 9 sẽ giúp các ngân hàng tự tin hơn với sức khỏe thực sự của mình. Và từ thực tế lợi ích của IFRS 9 mang lại, một số ngân hàng tại Việt Nam đã chủ động triển khai và áp dụng thành công như VIB và Techcombank.

Đồng thời, khi Ngân hàng Nhà nước trao đổi sơ bộ với 3 công ty kiểm toán là PwC, KPMG và E&Y, cũng như trao đổi với các tổ chức tín dụng về lộ trình triển khai IFRS, đặc biệt là IFRS 9 tại Việt Nam, thì nhận được thông tin rằng, các ngân hàng đều mong muốn áp dụng IFRS.

LUẬT PHẢI ĐỒNG HÀNH VỚI CHUẨN MỰC IFRS

Tuy nhiên, theo ông Ngô Quang Trung, dù lợi ích đem lại rất nhiều nhưng trong quá trình xây dựng hệ thống IFRS, ngân hàng gặp không ít những thách thức.

Trong đó, ngân hàng cần rất nhiều nguồn lực để tuân thủ IFRS. Trước hết là có nhân lực hiểu biết về IFRS, có hệ dữ liệu đủ để xây dựng các mô hình tính được đúng giá trị của các công cụ tài chính.

Ngoài ra, áp dụng IFRS không chỉ là câu chuyện về chuẩn mực kế toán, đó còn là câu chuyện của nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng. Do vậy, cần sự tham gia của tất cả các bộ phận trong ngân hàng như kế toán, kiểm toán, quản trị rủi ro…

Hơn nữa, trong điều kiện dịch bệnh hiện nay còn khiến việc áp dụng IFRS trở nên phức tạp khi phải hợp tác qua phương thức trực tuyến.

“Chúng tôi đang tiến hành chạy thử nghiệm trên cơ sở dữ liệu năm 2021 và sẽ tiếp tục thử nghiệm trên dữ liệu của năm 2022. Trong quá trình này, chúng tôi sẽ tiếp tục chờ đợi các hướng dẫn, quy định của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời sẽ cập nhật liên tục quá trình thí điểm của mình. Chúng tôi có kế hoạch chuyển đổi hoàn toàn sang IFRS vào đầu năm 2023”, ông Trung nói.

Qua trao đổi với các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quá trình triển khai IFRS 9, các ngân hàng đang gặp khó khăn, vướng mắc liên quan tới quá trình chuyển ngữ; nguồn nhân lực; cơ sở dữ liệu và trình độ công nghệ thông tin; nhận thức của lãnh đạo các cấp tại ngân hàng trong triển khai…

Do đó, để giúp các tổ chức tín dụng triển khai thành công IFRS 9, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện bản chuẩn mực áp dụng cho thị trường Việt Nam về mặt chuyển ngữ. Phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính để có các hướng dẫn cần thiết.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc rà soát lại các văn bản pháp lý liên quan, đặc biệt là về cơ chế tài chính để nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức tín dụng khi triển khai IFRS 9

Về phía Bộ Tài chính, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp chia sẻ, muốn thực hiện được IFRS thì phải hoàn thiện thể chế Nhà nước vì có rất nhiều Luật ảnh hưởng.

“Các luật tài chính khác như Luật về thuế, Luật kinh doanh bảo hiểm... thì cũng phải có những quy định định hướng gắn với IFRS, vì rõ ràng, đây là một công cụ phân tích kinh tế nên về luật phải có nguyên tắc đồng hành thì mới đảm bảo cho doanh nghiệp thực hiện”, vị Cục trưởng trên nói.

Theo Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/3/2020 về Phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam, nhiệm vụ phối kết hợp của Ngân hàng Nhà nước được đề cập như sau:

(i) Đối với báo cáo tài chính hợp nhất: Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xác định lộ trình áp dụng bắt buộc IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất cho từng doanh nghiệp cụ thể thuộc nhóm các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính.

(ii) Đối với báo cáo tài chính riêng: Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xác định lộ trình áp dụng bắt buộc hoặc áp dụng tự nguyện IFRS để lập báo cáo tài chính riêng cho từng doanh nghiệp cụ thể thuộc nhóm các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính.

(iii) Chủ động tổ chức các hoạt động triển khai theo lĩnh vực quản lý, đề xuất hoàn thiện khung pháp lý để đảm bảo tính khả thi và tổ chức các hoạt động có liên quan đến việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính.

Theo Quyết định 345/QĐ-BTC năm 2020 của Bộ Tài chính phê duyệt Đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước được phân công nghiên cứu và đề xuất lộ trình tuân thủ IFRS cho ngành ngân hàng và phối hợp cùng với Bộ Tài chính để ra các văn bản đảm bảo cho ngành ngân hàng có thể tuân thủ IFRS đúng hạn.

Theo đó, lộ trình áp dụng như sau: giai đoạn chuẩn bị: 2020 - 2021; giai đoạn áp dụng tự nguyện: 2022 đến 2025; giai đoạn áp dụng bắt buộc:: từ sau năm 2025.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, trong số trên 30 ngân hàng thương mại và hàng chục tổ chức tín dụng khác, mới chỉ có dăm đơn vị chủ động dò dẫm triển khai nhưng cũng đang trong tình trạng vừa làm vừa dò dẫm.

Vũ Phong -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thieu-nguon-luc-nhieu-vuong-mac-ngan-hang-do-dam-trien-khai-chuan-ke-toan-ifrs-9.htm