Thiếu nhân lực tham vấn tâm lý học đường
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 31/CT-TTG về việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Một trong những yêu cầu cụ thể của Thủ tướng là phải bố trí giáo viên làm công tác tham vấn tâm lý trong trường phổ thông, kịp thời hỗ trợ học sinh giải quyết những khó khăn phát sinh trong học tập và cuộc sống.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều trường phổ thông, hiện công tác tham vấn tâm lý học đường vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nguồn nhân lực làm công tác này còn thiếu và khó thu hút vì chưa có chế độ phù hợp.
* Bối rối khi gặp… rắc rối
Chị Giang Thị Loan có con học tại một trường tiểu học ở phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) cho hay, con chị học chung lớp với một bé gái có biểu hiện tăng động. Bé gái thường hay la hét, tấn công các bạn trong lớp bằng đồ vật. Điều này làm không ít phụ huynh cảm thấy lo lắng. Còn về phía nhà trường, vì không thể can thiệp tham vấn tâm lý cho bé nên đã làm việc với cha mẹ đề nghị đưa bé vào các cơ sở giáo dục chuyên biệt, tuy nhiên gia đình không chấp nhận vì cho rằng, con mình phát triển bình thường.
Một trường hợp khác từng xảy ra với nữ sinh một trường THPT tại phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa). Do bị ảnh hưởng tâm lý từ việc cha mẹ ly hôn nên nữ sinh có biểu hiện buồn chán, không muốn giao tiếp với bạn bè, thầy cô, kết quả học tập bị ảnh hưởng. Thi thoảng nữ sinh này lại có hành vi quậy phá, quấy rối làm ảnh hưởng không khí học tập của lớp.
Để hỗ trợ nữ sinh này vượt qua khủng hoảng, giáo viên đã đến tận nhà tìm hiểu hoàn cảnh, nhiều lần làm việc với phụ huynh nhưng không nhận được sự hợp tác. Do đó, nhà trường đành gửi công văn lên Sở GD-ĐT xin ý kiến xử lý.
Theo bà Đỗ Thanh Tâm, cán bộ phụ trách công tác giáo dục chính trị tư tưởng học sinh thuộc Văn phòng Sở GD-ĐT: “Những trường hợp học sinh bị sang chấn tâm lý do biến cố gia đình không phải hiếm, nếu thiếu sự hợp tác của gia đình, nhà trường càng gặp nhiều khó khăn khi giúp các em lấy lại thăng bằng”.
Do ảnh hưởng nhiều từ internet và mạng xã hội nên tâm lý học sinh ngày càng trở nên phức tạp đến khó lường. Có em dễ dàng bắt chước các trào lưu, thần tượng lệch lạc trên mạng xã hội dẫn tới thay đổi suy nghĩ, tâm lý, lời nói… Không ít em thích thể hiện cái tôi của mình trên mạng hay sa đà vào chuyện yêu đương quá sớm, làm ảnh hưởng tới chuyện học hành…
Giáo viên chủ nhiệm lớp 10 ở một trường phổ thông ngoài công lập tại phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Trong lớp có những em phát sinh tình cảm yêu đương với nhau, thậm chí không ngại ngần công khai với bạn bè. Giờ ra chơi các em cầm tay, ôm hôn nhau trước đám đông. Nhưng điều đó không lo lắng bằng việc các em có thể phát sinh quan hệ tình dục sớm, không có biện pháp tránh thai, để lại những hậu quả lâu dài về sức khỏe sinh sản”.
* Khó lấp khoảng trống
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thống Nhất Bùi Văn Hòa đánh giá, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đã đạt được những kết quả tích cực, phần lớn các em có đạo đức tốt, biết kính trọng, lễ phép với người lớn, có ý thức học tập, rèn luyện. Tuy nhiên, cuộc sống luôn tiềm ẩn những mặt trái, tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến tâm lý các em, khiến nhà trường và gia đình cảm thấy lo lắng.
Bà Đỗ Thanh Tâm cho biết, Đồng Nai hiện có trên 800 cơ sở giáo dục, song chưa có nhiều trường thành lập được phòng tham vấn tâm lý học đường. Việc thu hút giáo viên đã qua đào tạo bài bản chuyên ngành tâm lý học đường về làm việc lâu dài tại các trường phổ thông thực sự là một khó khăn vì nhiều nguyên nhân như: nhân lực ngành tâm lý luôn khan hiếm, cầu luôn vượt quá cung; thu nhập và chế độ cho giáo viên tâm lý trường học cũng chưa thật sự hấp dẫn để có thể thu hút giáo viên về làm việc và an tâm gắn bó lâu dài. Mặt khác, việc tăng cường giáo viên làm công tác tham vấn tâm lý cho các trường có thể làm tăng biên chế, trong khi ngành đang phải thực hiện chủ trương tinh giản biên chế.
Để khỏa lấp những khoảng trống về giáo dục đạo đức lối sống, giúp đỡ những học sinh đang có vấn đề về tâm lý, hành vi lệch chuẩn là việc không hề dễ dàng. Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình, cần kiên trì thực hiện công tác này nhưng phải khoa học, bài bản, có tính căn cơ lâu dài. Đối với nhà trường, việc dạy chữ và truyền đạt kiến thức cần được đặt ngang hàng với việc dạy các em làm người. Cần hết sức tránh việc học sinh đến trường chỉ để tiếp thu kiến thức, học để thi mà coi nhẹ việc học để làm người.
Trong lúc thiếu giáo viên làm công tác tham vấn tâm lý trường học, giải pháp đưa chuyên gia tâm lý về các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh để tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề đã phát huy hiệu quả tích cực. Tại các buổi nói chuyện, học sinh đã mạnh dạn đặt câu hỏi, chia sẻ với chuyên gia những điều thầm kín như: tình yêu, tình dục, sức khỏe sinh sản… Đã có những trường hợp học sinh chia sẻ riêng việc mình bị bạo hành, lạm dụng tình dục, từ đó chuyên gia đã phối hợp theo dõi, giúp các em vượt qua những khủng hoảng tâm lý trong đời sống hằng ngày.
TS.Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh: Giáo viên cần có kỹ năng tham vấn tâm lý
Thầy cô có kỹ năng làm công tác tâm lý học đường tốt sẽ khiến học sinh mạnh dạn nói ra những gì các em đang suy nghĩ, đang gặp khủng hoảng, đồng thời giúp các em giải quyết được những khó khăn đó. Muốn làm tốt công tác tham vấn tâm lý thì mỗi thầy cô giáo cần phải trau dồi kiến thức xã hội, kỹ năng xử lý tình huống. Thầy cô cần sẵn sàng đóng nhiều vai, không chỉ là người thầy tận tình mà còn phải gần gũi như người bạn, biết lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ, định hướng để các em suy nghĩ và hành động đúng.