Thiếu nhân sự phục vụ khách nước ngoài ở Phú Quốc
Đại diện một số hàng quán nhắm đến tệp khách nước ngoài ở Phú Quốc cho biết họ gặp khó khăn về mặt tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân sự phù hợp.
Không ít nhà hàng, quán ăn tại Phú Quốc (Kiên Giang) đang đau đầu tìm kiếm nguồn nhân sự phù hợp để phục vụ nhóm khách ngoại quốc, khi ngày càng nhiều khách nước ngoài tìm đến đảo ngọc.
Tệp khách đa đạng
Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, trong 5 tháng đầu năm, tỉnh ước đón hơn 4 triệu lượt du khách trong và ngoài nước. Tính riêng Phú Quốc, thành phố đón khoảng 2,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 318.311 lượt.
Theo ghi nhận của phóng viên, đầu tháng 6, lượng khách nước ngoài đổ về các điểm du lịch trên địa bàn thành phố khá đông đúc. Tuy nhiên, theo đại diện một số đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch ở Phú Quốc, số lượng khách quốc tế năm nay có phần sụt giảm so với các năm trước.
Nhật Vy, nhân viên The Home Pizza (thị trấn Dương Đông), cho biết Phú Quốc có 2 mùa du lịch, một mùa của khách nội địa và một mùa của khách nước ngoài.
"Khách ngoại quốc đi du lịch Phú Quốc thường tập trung vào những tháng cuối năm, khi họ có kỳ nghỉ dài. Thời điểm hiện tại, khách nước ngoài không quá đông và chủ yếu là người Hàn Quốc", người này bày tỏ.
Giải thích cho điều này, nhiều đơn vị kinh doanh đánh giá có khá nhiều lý do như khủng hoảng kinh tế, chính trị hay cả dịch bệnh cũng tác động đến nhu cầu du lịch của khách quốc tế.
Bên cạnh đó, đại diện một nhà hàng ở Phú Quốc còn cho rằng các đường bay thẳng phần nào quyết định tệp khách nước ngoài ở đây.
"Trước đây, đường bay thẳng Ấn Độ - Phú Quốc khá nhiều, thu hút được nhiều du khách đến đảo ngọc. Hiện tại, khách Hàn Quốc lại chiếm thị phần lớn bởi việc di chuyển giữa 2 điểm đến đã thuận tiện hơn", người này thông tin.
Tuy nhiên, theo đại diện nhà hàng này, tệp khách nước ngoài ở Phú Quốc vẫn khá đa dạng. Điều này buộc các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch nói chung và ngành F&B nói riêng phải luôn có sự thay đổi để phù hợp với yêu cầu của từng nhóm khách.
Song, việc chế biến món ăn cũng cần cân bằng giữa hương vị địa phương và khẩu vị chung của khách nước ngoài.
Trước sự sụt giảm về lượng khách, nhiều đơn vị kinh doanh hướng đến tệp khách nước ngoài chỉ kỳ vọng doanh thu ở mức an toàn, đủ ở điểm hoàn vốn.
Nhân sự là vấn đề lớn
Trong một cuộc trao đổi trước đây, ông John A. Daly, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Nhiệm Khoa tại Hotel Academy Phú Quốc, từng nhận định đảo ngọc đang phát triển cơ sở hạ tầng nhanh chóng nhưng yếu tố con người, nhân sự du lịch chuyên môn cao chưa đáp ứng tốt.
"Nhân sự Phú Quốc có lợi thế trẻ tuổi nhưng tác phong còn thiếu chuyên nghiệp do chưa được đào tạo thật sự bài bản, hệ thống. Nguồn lực nhân sự du lịch ở Phú Quốc dồi dào nhưng lại chưa đáp ứng các tiêu chí cao của những khách sạn, resort cao cấp", ông John A. Daly nói.
Tổng Giám Đốc Academy Phú Quốc cho rằng nhân sự du lịch tại Việt Nam nói chung có sẵn sự nồng hậu, nhiệt thành. Tuy nhiên, để đạt tác phong chuyên nghiệp, chuẩn quốc tế, họ cần phải được đào tạo thêm về kỹ năng chuyên môn, hành vi, thái độ phục vụ và tư duy chăm sóc khách hàng.
Đồng quan điểm, Khắc Linh, quản lý Zen Dining and Beach Lounge (Bãi Khem), cho biết nhân sự là vấn đề khó khăn chung của nhiều đơn vị du lịch ở Phú Quốc.
Theo người này, nguồn cung nhân sự ở đây khá lớn nhưng nhu cầu tuyển dụng trong ngành đang giảm dần. Bên cạnh đó, khả năng giao tiếng Anh cũng là một hạn chế của người làm dịch vụ, du lịch tại Phú Quốc.
"Với những nhà hàng chủ yếu phục vụ khách ngoại quốc như chúng tôi, việc giao tiếng bằng tiếng Anh gần như bắt buộc. Tuy nhiên, nếu nhân sự là người địa phương sẽ khó đáp ứng được yêu cầu này. Tại nhà hàng của tôi, những nhân viên có khả năng ngoại ngữ hầu hết là người từ tỉnh khác chuyển về", anh Linh cho hay.
Không riêng địa điểm này, nhà hàng của Linh Thy cũng gặp trường hợp tương tự. Cô cho biết nhân viên biết nói tiếng Anh ở Phú Quốc không nhiều. Nhóm nhân sự này thường chọn làm việc ở những resort cao cấp để có phúc lợi tốt hơn.
Theo cô, việc không thể giao tiếp bằng tiếng Anh phần nào ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ.
"Khách nước ngoài thường muốn được tư vấn kỹ về nguyên liệu và cách chế biến của món ăn. Nếu không giao tiếp được có thể khiến họ khó chịu và khiến nhà hàng gặp khó khi phục vụ", người này nhận xét.
Bên cạnh đó, Linh Thy cho rằng để tạo được ấn tượng tốt cho du khách và giữ chân họ, người làm trong ngành du lịch không chỉ cần đem đến sản phẩm tốt, hiểu về sản phẩm của mình mà còn phải hiểu về địa phương để tư vấn và hỗ trợ khách khi cần thiết.
Với khách nội địa, điều này khá đơn giản. Tuy nhiên, để làm được với khách quốc tế, nhân sự trong ngành cần phải hội nhập, học hỏi và hơn cả là cải thiện khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh.