Thiếu niên 15 tuổi đuối nước ở hồ bơi nhà thiếu nhi TP.HCM
Trong lúc bơi tại hồ của một nhà thiếu nhi ở TP.HCM, bé trai đột ngột chìm dưới nước, không ai phát hiện.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết em N.N.T., 15 tuổi, ngụ Long An, nhập viện trong tình trạng hôm mê, co gồng từng cơn, người tím tái.
Qua khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ từ quê lên nhà người dì ở TP.HCM chơi, tự đi bơi tại hồ bơi thiếu nhi của một quận trong thành phố. Lúc em bị ngạt, không có ai thấy nên chưa tìm ra lý do khiến bệnh nhi đuối nước.
Khoảng 14h22 cùng ngày nhập viện, nhân viên cứu hộ thấy trẻ nằm dưới nước nên vớt lên, đưa vào bờ. Thời điểm này, trẻ đã ngưng tim, ngưng thở, được hồi sức thổi ngạt ấn tim. Đồng thời, nhân viên cứu hộ đã gọi cho Trạm vệ tinh của Trung tâm cấp cứu 115.
Khi đội cấp cứu ngoại viện đến, ghi nhận trẻ hôn mê, duỗi mất não, co giật, thở ngáp cá. Lúc đặt nội khí quả cho trẻ, ê-kíp cấp cứu thấy trào nhiều bọt hồng ra nội khí quản. Ê-kíp tiến hành cấp cứu ngưng tim, ngưng thở, tiêm adrenaline và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tại bệnh viện, bệnh nhi được thở máy, điều trị chống co giật, chống phù não, điều chỉnh nước điện giải và cho kháng sinh điều trị viêm phổi hít.
May mắn sau gần một tuần điều trị, tình trạng của trẻ đã cải thiện, tiếp xúc được, hết gồng giật, được cai máy thở.
Qua trường hợp này, bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh nên theo dõi lúc trẻ đi bơi, kịp thời báo cứu hộ viên hỗ trợ khi trẻ bị chìm dưới nước. Phụ huynh nên học cấp cứu ngưng thở ngưng tim tại hiện trường, giúp cứu sống trẻ, không để lại di chứng não về sau.
Bên cạnh đó, mùa hè cũng là thời điểm thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus...phát triển. Trẻ em trở thành nhóm dễ mắc bệnh do sức đề kháng còn yếu kém. Các bé dễ mắc những bệnh như tiêu chảy cấp, sốt siêu vi, viêm màng não, bệnh đường tiêu hóa như ngộ độc thức ăn.
Để phòng tránh, cha mẹ nên thực hiện các biện pháp sau cho trẻ:
Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đảm bảo vệ sinh ăn uống, thực phẩm an toàn sạch sẽ, nấu chín, bú sữa mẹ và ăn bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, phòng suy dinh dưỡng, tiêm chủng phòng sởi, vacxin phòng tiêu chảy do Rotavirus.
Thường xuyên tắm và vệ sinh thân thể cho trẻ, vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, loại bỏ các dụng cụ chứa nước không cần thiết, phun thuốc diệt muỗi theo đúng khuyến cáo...
Tăng cường miễn dịch cho trẻ, tiêm phòng vaccine: vaccine HIB, phế cầu, não mô cầu và một số tác nhân virus.
Các bác sĩ khuyến cáo bệnh ở trẻ thường có triệu chứng thầm lặng và tiến triển nhanh. Phụ huynh cần phải phát hiện sớm các biểu hiện bất thường của trẻ và đưa đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.