Thiếu nữ Trung Quốc sợ béo, sợ xấu do mạng xã hội

Lớn lên tại một vùng quê nghèo khó ở xứ tỷ dân, nhiều thiếu nữ đang tuổi dậy thì vẫn bị ám ảnh bởi tiêu chuẩn sắc đẹp do mạng xã hội định hình.

Zing trích dịch bài đăng trên Sixth Tone, kể về chuyến đi tới vùng núi tỉnh Quý Châu để giáo dục giới tính cho trẻ em gái của tác giả Lei Di - Tiến sĩ ngành Sinh học Tiến hóa, phóng viên thể thao và nhà hoạt động nữ quyền người Trung Quốc.

Bất chấp tiết trời lạnh giá cuối tháng 10, tôi lên chuyến bay hướng về thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu theo dự án giáo dục giới tính cho trẻ em nghèo của tổ chức xã hội Stand By Her.

Trước đó, Stand By Her từng quyên góp quần áo, sản phẩm vệ sinh phụ nữ cho nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch trên cả nước. Khi đại dịch tạm lắng xuống, chúng tôi tiếp tục nhắm đến đối tượng là thiếu nữ ở những vùng khó khăn, hy vọng hỗ trợ đời sống và nâng cao kiến thức giới tính cho các em.

Buổi học đặc biệt

Địa điểm được lựa chọn là vùng núi tỉnh Quý Châu - một trong những nơi có tỷ lệ đói nghèo cao nhất Trung Quốc. Ở đây, trẻ em thường chung sống với ông bà do cha mẹ đi làm xa, không nhận được sự quan tâm sâu sát về tâm lý do thiếu hụt giáo viên.

Từ thành phố Quý Dương, cả đoàn phải ngồi tàu cao tốc tới quận lỵ Công Giang, sau đó đi ô tô thêm 5 tiếng để tới địa điểm ấn định: ngôi trường trung học nhỏ bé, đơn sơ nằm trong một bản làng hẻo lánh.

 Ngôi trường nhỏ bé, đơn sơ nằm trong một ngôi làng miền núi tỉnh Quý Châu là địa điểm được đoàn Stand By Her lựa chọn.

Ngôi trường nhỏ bé, đơn sơ nằm trong một ngôi làng miền núi tỉnh Quý Châu là địa điểm được đoàn Stand By Her lựa chọn.

Tiếp đón chúng tôi là thầy giáo Wu trong bộ đồ chỉn chu, có phần ngả màu. Anh dẫn cả đoàn tham quan một vòng quanh trường, luôn miệng xin lỗi vì điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Từ chuyện không thể chuẩn bị tài liệu do hỏng máy in, đến việc học sinh trông hơi luộm thuộm vì không đủ đồng phục.

"Thật xin lỗi, chúng tôi không có giảng đường nên chỉ có thể tập trung các em trong phòng học này", thầy Wu vừa nói, vừa dẫn chúng tôi tới một căn phòng nhỏ.

Ngay khi bước vào, tôi và các tình nguyện viên đều bất ngờ khi trông thấy vóc dáng nhỏ bé, gầy gò của các nữ sinh. Điều này hoàn toàn trái ngược với thiếu niên ở Vũ Hán, nơi học sinh trung học trông không quá khác biệt với sinh viên đại học.

 Những nữ sinh miền quê thấp bé, không đủ ăn đủ mặc, không được học hành chu đáo lại chịu ám ảnh bởi tiêu chuẩn ngoại hình do mạng xã hội gây dựng.

Những nữ sinh miền quê thấp bé, không đủ ăn đủ mặc, không được học hành chu đáo lại chịu ám ảnh bởi tiêu chuẩn ngoại hình do mạng xã hội gây dựng.

Để tạo cảm giác gần gũi, tôi đề nghị học sinh gọi tôi bằng "chị" thay vì danh xưng "cô giáo", khuyến khích các em tham gia vào buổi học. Trái với tưởng tượng của tôi, tiết học diễn ra suôn sẻ với hàng loạt câu hỏi đến từ các nữ sinh.

"Làm thế nào để em chọn băng vệ sinh phù hợp?", "Vì sao kinh nguyệt của em không đều?", "Có phải dậy thì sẽ mọc ria mép hay không?"... Những thắc mắc ngây ngô ấy khiến buổi học trở nên sôi nổi, tích cực hơn rất nhiều. Đây cũng là kiến thức giáo dục giới tính căn bản, giúp trẻ em gái biết cách chăm sóc và bảo vệ bản thân.

Ám ảnh ngoại hình do mạng xã hội

Càng trò chuyện, chúng tôi càng nhận được nhiều chia sẻ từ các học sinh. Song, điều khiến tôi bất ngờ là những mối bận tâm của các thiếu nữ vùng núi tuổi dậy thì: "Làm thế nào để có làn da trắng sáng, mịn màng như chị?", "Làm sao để em cao và gầy hơn?".

Thậm chí, một vài học sinh bày tỏ quan tâm tới các liệu pháp giảm cân tiêu cực. Nhiều em nói rằng bạn bè từng nôn ra máu do sử dụng thuốc giảm cân cấp tốc. Nhưng thay vì tránh xa phương pháp này, chúng lại nhờ tôi đề cử các loại thuốc khác an toàn hơn.

Tôi không thể tin vào tai mình. Với những cô gái vùng núi đang trong tuổi dậy thì, điều các em băn khoăn nhất không phải là sức khỏe hay giới tính, mà lại là chuyện "đẹp, xấu, gầy, béo".

Tôi gặng hỏi một nữ sinh: "Vì sao em nghĩ mình phải giảm cân? Chị thấy em rất xinh đẹp".

Đáp lại tôi là một câu trả lời ngoài sức tưởng tượng: "Tất cả những cô gái nổi tiếng trên Douyin đều cao ráo, trắng trẻo và siêu gầy. Em muốn được giống như vậy".

Tôi hoàn toàn choáng váng. Điều gì khiến lũ trẻ lớn lên ở vùng quê nghèo, không đủ ăn đủ mặc, không được học hành chu đáo lại chịu chi phối bởi tiêu chuẩn cái đẹp trên mạng xã hội như vậy?

 Trẻ em Trung Quốc sử dụng điện thoại từ rất sớm, dễ bị ảnh hưởng từ những xu hướng, quan điểm trên mạng xã hội. Ảnh: China Daily.

Trẻ em Trung Quốc sử dụng điện thoại từ rất sớm, dễ bị ảnh hưởng từ những xu hướng, quan điểm trên mạng xã hội. Ảnh: China Daily.

Sinh sống ở một ngôi làng nhỏ, những cô bé vùng núi chỉ dựa vào Internet để nhìn ngắm thế giới ngoài kia. Sự bùng nổ mạng xã hội, đặc biệt là nền tảng sáng tạo video ngắn Douyin đã tiếp cận đến các em sớm hơn, nhanh hơn cả các dịch vụ công như giáo dục, y tế.

Giờ đây, tiêu chuẩn cái đẹp trong tâm thức trẻ em là sự kết hợp giữa những gì chúng nhìn thấy trên mạng xã hội, kết hợp với trí tưởng tượng non trẻ. Khi áp vào bản thân, các em sẽ thấy tự ti, mặc cảm về ngoại hình của mình.

Dù chưa thể bình tĩnh lại, tôi cố gắng giải thích vì sao các em không nên giảm cân hay làm trắng da ở tuổi dậy thì. Cả đoàn cũng hướng dẫn một số cách lành mạnh, an toàn để phát triển chiều cao.

Ngoài ra, tôi cố gắng nhấn mạnh rằng vẻ đẹp thực sự xuất phát từ giá trị bên trong bằng những câu nói như "Tất cả con gái đều xinh đẹp", "Các em phải yêu bản thân hơn".

Tuy nhiên, tôi tự hiểu rằng những lời khuyên ấy không có mấy tác dụng. Một giáo viên địa phương kể rằng chỉ 1/3 học sinh cấp 2 ở làng sẽ tiếp tục đi học. Ngay sau khi ra trường, nhiều em sẽ lập tức kết hôn, trở thành vợ, thành mẹ khi còn rất rẻ.

Giờ học kết thúc, tôi cùng nhóm tình nguyện viên tạm biệt các cô gái với một nụ cười thân thiện. Nhưng khi bước chân ra khỏi ngôi trường đơn sơ ấy, nhiều người - trong đó có tôi - không thể ngừng nghĩ về những áp lực đè nặng lên cuộc đời của những thiếu nữ kia và bật khóc.

Trang Minh

Ảnh: Lei Di

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thieu-nu-trung-quoc-so-beo-so-xau-do-mang-xa-hoi-post1172619.html