Thiếu quy định chế tài hành vi khai thác giun đất trong tự nhiên

Giun đất (trùn quế, địa long...) là sinh vật có lợi cho đất, cây trồng và có thể sử dụng làm thuốc trong y học, thức ăn trong chăn nuôi.

Một người dân ở xã Bàu Hàm (H.Trảng Bom) phản ảnh về việc nhiều người lén vào vườn nhà ông đào giun đất. Ảnh: Đ.Phú

Một người dân ở xã Bàu Hàm (H.Trảng Bom) phản ảnh về việc nhiều người lén vào vườn nhà ông đào giun đất. Ảnh: Đ.Phú

Trước lợi ích do giun đất mang lại, một số người đã đào bắt, kích điện vô tội vạ gây ảnh hưởng tới cây trồng, sản xuất nông nghiệp, nhưng hiện chưa có quy định nào để chế tài.

* Bắt giun đất theo kiểu tận diệt

Nhiều nông dân ở xã Xuân Bắc (H.Xuân Lộc) bức xúc trước hiện tượng một số người khai thác giun đất như: đào bắt, kích điện. Người dân đã phản ảnh lên chính quyền địa phương nhưng việc này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

“Tôi không biết người ta bắt giun đất về làm gì nhưng việc đào bới đất, kích điện để bắt giun chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cây trồng” - bà Lê Thị Lắm (ngụ ấp 6, xã Xuân Bắc) bày tỏ lo lắng.

Theo ông Doãn Văn Hải (Công an xã Xuân Bắc), vấn đề khai thác giun đất trên địa bàn không chỉ gây bức xúc cho người dân mà cả chính quyền trong việc tìm giải pháp xử lý.

Ông Hải cho biết, để xử lý hành vi này theo đúng quy định pháp luật, cơ quan có thẩm quyền phải có các căn cứ pháp lý thì người vi phạm mới tâm phục khẩu phục và tránh cả việc xử lý không đúng quy định pháp luật dẫn tới bị khiếu nại, khiếu kiện. Qua nghiên cứu, ông không thấy có quy định pháp luật nào xử phạt hành chính người dùng kích điện bắt giun đất hay khai thác giun đất nên lúng túng trong tham mưu xử lý.

Ông Hải đã đưa vấn đề này ra thắc mắc tại hội nghị Tập huấn nghiệp vụ xử phạt vi phạm hành chính do Sở Tư pháp tổ chức vừa qua và được các báo cáo viên trả lời như sau: Trước mắt, khi chưa đủ cơ sở pháp luật vận dụng để xử lý hành vi khai thác giun đất trên đất nông nghiệp, làm ảnh hưởng tới cây trồng thì chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp khác như: tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở, khuyến cáo người dân không nên khai thác giun đất bằng phương thức kích điện, đào bắt theo kiểu tận diệt.

Theo các chuyên gia về nông nghiệp và trồng trọt, giun đất có vai trò rất quan trọng đối với hệ sinh thái trong đất, làm cho đất tơi xốp, tạo màu mỡ cho đất và giúp cho cây trồng sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Nếu loài vật này bị mất đi với số lượng lớn sẽ gây thiệt hại nặng nề cho cây trồng, mùa vụ, giảm độ màu mỡ của đất. Ngành nông nghiệp rất mong có chế tài cụ thể cho tình trạng khai thác giun đất vô tội vạ, nhất là kích điện bắt giun đất.

* Chỉ xử phạt được các hành vi khác nếu có liên quan

Mặc dù việc khai thác giun đất, dùng kích điện để bắt giun đất được đánh giá là ảnh hưởng tới môi trường, độ màu mỡ của đất, nhưng hiện chưa có quy định pháp luật nào điều chỉnh hành vi này nên không thể chế tài được. Bởi Điểm d, Khoản 1, Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi năm 2020) có quy định, chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

Luật sư Nguyễn Xuân Thanh (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, vì đó là nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính được Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi năm 2020) quy định nên phải vận dụng thật cụ thể trong từng trường hợp cụ thể mới xử lý được người, tang vật theo đúng quy định. Nếu xử lý sai, không đúng quy định, áp dụng quy định pháp luật không đúng trong xử lý thì người xử lý sẽ bị khiếu nại, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại, xin lỗi... từ người bị xử lý.

Luật sư NGUYỄN XUÂN THANH (Hội Luật gia tỉnh) bày tỏ, để duy trì và bảo vệ giun đất trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ngoài việc tuyên truyền cho người dân, nông dân nâng cao ý thức bảo vệ loài sinh vật có lợi cho sản xuất, cây trồng, pháp luật cần sớm ban hành quy định chế tài đối với việc khai thác giun đất trong tự nhiên, rẫy vườn.

“Vậy xử lý người dùng kích điện bắt giun đất hay việc khai thác giun đất bằng các hành vi khác như: hủy hoại đất hoặc gây thiệt hại cho hoa màu, cây trồng, tài sản của người khác có được không?” - ông Nguyễn Văn Hậu (ngụ xã Bàu Hàm, H.Trảng Bom) thắc mắc.

Vấn đề này được luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (thuộc Hội Luật gia tỉnh) giải thích, muốn xử lý hành chính hành vi khai thác giun đất về hành vi hủy hoại đất thì hành vi đó phải cấu thành theo quy định tại Khoản 3, Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai như: hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định thì mới bị xử phạt.

Hoặc hành vi đó phải là hành vi khai thác trái phép loài sinh vật được Khoản 6, Điều 3 Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 7-7-2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường quy định. Cụ thể là các hành vi: săn, bắn, bẫy, bắt, hái, lượm, thu giữ nhằm lấy các sinh vật (bao gồm động vật, thực vật, nấm, vi sinh vật), bộ phận hoặc dẫn xuất của các loài động vật, thực vật mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vượt quá số lượng cho phép trong giấy phép khai thác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Riêng xử lý về hành vi bắt giun đất gây thiệt hại cho hoa màu, tài sản của chủ đất thì phải chứng minh được việc xâm phạm của người bắt giun là trái pháp luật, gây thiệt hại trực tiếp cho người sử dụng đất hợp pháp, cây trồng, tài sản... của chủ đất ra sao và hành vi này được các quy định pháp luật nào điều chỉnh, xử lý thì mới tiến hành xử lý được.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/ban-doc/202311/thieu-quy-dinh-che-tai-hanh-vi-khai-thac-giun-dat-trong-tu-nhien-4fe64c5/