Thiếu quy định quản lý việc lưu giữ tro cốt trong chùa
Vụ việc ở chùa Kỳ Quang 2 cho thấy nhu cầu gửi tro cốt người đã khuất vào chùa ngày càng phổ biến nhưng việc tiếp nhận, quản lý chưa có quy định cụ thể.
Chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Phúc Nguyên (Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ) dùng từ "đau lòng" để nói về vụ việc nhiều hũ tro cốt gửi ở chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP.HCM) thất lạc bảng tên. Càng đau lòng hơn khi sự việc xảy ra vào lễ Vu Lan báo hiếu.
"Ban Tôn giáo Chính phủ đã trao đổi với Giáo hội Phật giáo Việt Nam để có hướng khắc phục, đặc biệt là yêu cầu trụ trì chùa phải phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng trong việc thống kê lại tro cốt, xác minh ADN để tìm lại danh tính cho các hũ tro", lãnh đạo Vụ Phật giáo chia sẻ.
Tắc trách
Ông Nguyễn Phúc Nguyên nhận định sau khi hỏa táng, nhiều gia đình có nhu cầu gửi tro cốt thân nhân vào chùa. Ở miền Nam, một số tự viện xây những tòa nhà chỉ dành riêng cho việc để tro cốt vĩnh viễn. Nơi nào hạn chế về không gian thì có thể xây những ban riêng, tháp cốt...
"Tín đồ phật tử và nhân dân theo truyền thống thường có mong muốn gửi tro cốt người thân lên chùa. Đó là việc các chùa vẫn thực hiện. Nhiều nơi làm tương đối tốt, giúp cho thân nhân người đã khuất cảm thấy yên tâm", ông Nguyên nói và cho rằng tại chùa Kỳ Quang 2, người dân, phật tử đã gửi niềm tin vào chùa nhưng nhận lại là sự tắc trách của người chăm sóc, quản lý các tháp cốt.
Trụ trì ngôi chùa đã đứng ra xin lỗi người dân, khẳng định vấn đề sẽ được giải quyết. Họ giải thích một số hũ tro bị dịch chuyển, rơi bảng tên trong quá trình công nhân xịt nước, tu sửa tháp cốt.
Khiếm khuyết từ khâu quản lý
Chia sẻ với Zing, đại đức Thích Chánh Thuần, trụ trì chùa Phúc Lâm (Thường Tín, Hà Nội) cho rằng hoạt động gửi tro cốt vào chùa đang tồn tại như một phong trào. Phong trào này có mặt tích cực là thúc đẩy với việc hỏa táng văn minh, đáp ứng tâm tư của người dân và phù hợp truyền thống.
Tuy nhiên, mặt trái là chưa được Nhà nước quy định, hướng dẫn cụ thể. Do đó, những người tham gia không được pháp luật bảo vệ khi đối mặt với rủi ro.
Theo Vụ trưởng Vụ Phật giáo Nguyễn Phúc Nguyên, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định về nếp sống tại các cơ sở thờ tự đã có những điều khoản chung như việc lưu giữ tro cốt phải đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, quy định chi tiết về trách nhiệm quản lý tro cốt trong chùa vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.
Sau vụ việc tại chùa Kỳ Quang 2, Ban Tôn giáo đã đề nghị các cơ quan chức năng ở TP.HCM phối hợp rà soát, đánh giá lại quy trình thủ tục tiếp nhận, bảo quản tro cốt gửi đến các cơ sở, trong đó có các cơ sở Phật giáo.
Cho rằng việc gửi tro cốt vào chùa là nguyện vọng chính đáng, tuy nhiên ông Nguyên khẳng định việc này chỉ thực sự phù hợp khi có những quy định để bảo hộ quyền lợi cho người dân.
Thực tế tại Việt Nam, chùa không phải là nơi duy nhất đáp ứng chức năng lưu trữ tro cốt người đã khuất. Các đài hóa thân, ban phục vụ tang lễ cấp tỉnh, thành phố hay các công viên nghĩa trang đều cung cấp dịch vụ này.
Điểm khác biệt là tất cả cơ sở cung cấp dịch vụ đều có hợp đồng ràng buộc trách nhiệm với khách hàng, trong khi việc gửi tro cốt vào chùa, dù vẫn mất một khoản tiền, lại chỉ được xác nhận bằng niềm tin.
"Sự kính trọng, tin cẩn của người dân dành cho một ngôi chùa hay một vị sư giống như một 'phiếu bảo hành'. Phật tử không có những giao kèo thành hợp đồng cụ thể để bảo vệ quyền lợi của mình. Họ gửi tro cốt lên chùa bằng tình cảm và niềm tin với Phật pháp", ông Nguyên phân tích.
Qua vụ việc này, lãnh đạo Vụ Phật giáo cho rằng Giáo hội và các cơ sở tự viện phải xây dựng quy trình tiếp nhận tro cốt, chân linh do người dân gửi đến, đáp ứng cả khâu bảo quản. Các cơ quan Nhà nước trong quá trình xây dựng quy định cũng phải tính đến những vấn đề liên quan đến việc bảo hộ quyền lợi của tín đồ và người dân.
"Hiện nay đã có một số đơn vị làm trung gian giữa người dân và cơ sở phật giáo để cung cấp dịch vụ lưu giữ tro cốt. Họ đang làm rất tốt việc đảm bảo nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà chùa đối với người dân", ông Nguyên nhận định.