Thiếu sân bóng đá đạt chuẩn
ĐBP - Bóng đá là môn thể thao có sức hút mạnh, kết nối cộng đồng và thắp lên những ước mơ thể thao cho nhiều thanh, thiếu niên. Thế nhưng, tại tỉnh ta đang thiếu hụt trầm trọng sân tập bóng đá đạt chuẩn. Điều này cũng là một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thể thao phong trào tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Trận giao lưu bóng đá nữ giữa hai đội Nậm Ngám A - Nậm Ngám B (xã Pu Nhi).
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 64 sân bóng đá. Tuy nhiên, chỉ 23 sân cỏ nhân tạo, còn lại là sân đất hoặc sân cỏ tự nhiên chưa được chăm sóc đúng mức. Hơn thế, số sân bóng đá tập trung chủ yếu tại các xã, phường trung tâm - nơi điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hơn so với các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Thực tế cho thấy, tại một số xã vùng cao, những người đam mê môn thể thao vua, nhất là trẻ em vẫn phải đá bóng tự phát trên sân đất, sân cỏ hoang trong bản, trước hiên nhà hoặc trên những thửa ruộng đã thu hoạch. Điều kiện khắc nghiệt này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng chơi bóng mà còn tiềm ẩn vô vàn nguy cơ chấn thương.
Anh Lỳ Đợ Hùng, bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu đã cùng đồng đội tham gia rất nhiều giải bóng đã do huyện Mường Nhé (cũ) tổ chức. Thế nhưng trên địa bàn xã, từ nhiều năm nay vẫn chưa có sân bóng đá đạt chuẩn. Mỗi lần chuẩn bị tham dự giải, anh và đồng đội lại gói ghém đồ đạc đến xã Mường Nhé trước cả tuần để vừa luyện tập, vừa thi đấu.
Anh Lỳ Đợ Hùng tâm sự: “Tại xã không có sân bóng đá nên mỗi lần có giải là lại về xã trung tâm để tập luyện và thi đấu. Cũng vì thiếu sân nên phong trào bóng đá ở đây không phát triển mạnh, chỉ khi nào có giải anh em mới thành lập đội, còn lại là thường xuyên chơi các bộ môn khác...”.
Không chỉ nam giới, ngay cả phụ nữ cũng mang trong mình niềm đam mê bóng đá. Nhân ngày 8/3, xã Pu Nhi tổ chức trận giao lưu bóng đá nữ giữa 2 đội Nậm Ngám A và Nậm Ngám B. Tuy nhiên do thiếu sân bãi, xã đã tận dụng khoảng đất trống tại khu vực chợ phiên, dựng khung thành bằng tre để thi đấu. Vì là sân đất nên mặt sân có chỗ gồ ghề, gây khó khăn cho nhiều chị em “không chuyên”. Dẫu vậy, trận thi đấu vẫn hết sức thành công, mang lại niềm vui cho những người tham gia, nhất là các nữ cầu thủ khi được thỏa đam mê với trái bóng tròn.
Chị Lầu Thị Sua, đội bóng bản Nậm Ngám B, xã Pu Nhi tâm sự: “Chúng tôi rất vui và tự hào khi được tham gia trận đấu này. Đây là dịp để chị em chúng tôi rèn luyện sức khỏe, giao lưu học hỏi và thể hiện tinh thần đoàn kết. Tuy mặt sân chưa được tốt lắm nhưng chúng tôi vẫn thi đấu hết mình và có những bàn thắng đẹp. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn có thêm sân bóng đạt chuẩn để luyện tập cũng như thi đấu, góp phần vào phong trào thể dục, thể thao của xã”.
Câu chuyện tại Sín Thầu, Pu Nhi chỉ là hai trong số những câu chuyện ở các xã vùng cao, nơi diện tích và điều kiện kinh tế và địa hình không cho phép việc xây dựng sân bóng đá một cách dễ dàng. Điều này không chỉ cản trở niềm đam mê bóng đá mà còn khiến phong trào thể thao nói chung khó phát triển đồng đều, buộc người dân phải chuyển sang những môn thể thao ít yêu cầu về sân bãi hơn. Để thắp sáng những ước mơ bóng đá ở Điện Biên, rất cần sự chung tay, giúp sức của chính quyền, các mạnh thường quân và của toàn xã hội. Xã hội hóa là một hướng đi quan trọng để kêu gọi vốn đầu tư xây dựng thêm các sân cỏ nhân tạo, hoặc nâng cấp những sân hiện có thành sân đạt chuẩn. Đặc biệt, cần có những dự án cụ thể hướng đến các xã vùng cao. Đồng thời, cần có sự linh hoạt trong quy hoạch, tận dụng tối đa những diện tích đất phù hợp để xây dựng sân bóng, dù chỉ là những sân mini, để đáp ứng nhu cầu cấp thiết. Dù chưa có sân tại chỗ, cũng cần tạo điều kiện cho các đội bóng, đặc biệt là các em nhỏ ở vùng sâu vùng xa, có cơ hội được di chuyển, tham gia các giải đấu, giao lưu ở những sân có chất lượng tốt hơn. Điều này sẽ giúp các em có thêm động lực, học hỏi kinh nghiệm và giữ vững niềm đam mê tập luyện thể thao.
Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/the-thao/thieu-san-bong-da-dat-chuan