Thiếu tá Tống Đình Xuân - Người đi tìm sự thật sau những 'lá bùa sức khỏe'
Với bản lĩnh, chất thép của người chiến sĩ Công an nhân dân, Thiếu tá Tống Đình Xuân - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã kiên cường, không ngại hiểm nguy, luôn sẵn sàng cùng đồng đội bước vào trận tuyến đấu tranh với cái ác, cái xấu, bảo vệ sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Tốt nghiệp chuyên ngành Điều tra hình sự, nhưng bước ngoặt nghề nghiệp đã đưa Thiếu tá Xuân đến với lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế - đặc biệt là tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực y tế, dược phẩm.
Trò chuyện với chúng tôi, anh bảo: "Tôi không ngờ có ngày lại đắm sâu vào những chuyên án dạng này. Nhưng khi đã bước vào rồi thì bị cuốn theo và không thể làm hời hợt. Vì đằng sau mỗi sản phẩm giả là những rủi ro thật đối với tính mạng, sức khỏe người dân".

Thiếu tá Tống Đình Xuân trực tiếp tham gia, chỉ đạo nhiều chuyên án liên quan đến thực phẩm chức năng giả, thuốc giả.
Từ ngày "bén duyên" với mặt trận này, không riêng gì Thiếu tá Xuân mà những cán bộ, chiến sĩ cùng đội gần như không có ngày nghỉ đúng nghĩa. “Chúng tôi từng bám theo đối tượng từ Hà Nội về Thanh Hóa suốt nhiều giờ liền mà không dám nghỉ ăn, chỉ kịp uống nước cầm hơi. Có lúc tưởng đã nắm được nhưng chỉ cần một sơ hở nhỏ, đối tượng biến mất như chưa từng tồn tại”, một trinh sát Phòng Cảnh sát kinh tế, kể lại.
Họ làm việc xuyên trưa, xuyên đêm, hành quân bất kể giờ giấc để bám sát đối tượng. "Vụ này chưa xong, đã phát lộ ra manh mối vụ khác. Mỗi chuyên án là mỗi phương thức thủ đoạn tinh vi, ma mãnh khác nhau nhưng đều có điểm chung là ảnh hưởng đến hàng ngàn người tiêu dùng và cả hoạt động của doanh nghiệp dược chân chính", Thiếu tá Xuân chia sẻ.
Khác với tội phạm hình sự thường liều lĩnh, manh động, tội phạm kinh tế - đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả - lại tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức và cực kỳ kín kẽ. Nhiều đối tượng cầm đầu là người có trình độ học vấn cao, biết tận dụng kẽ hở pháp luật, lợi dụng công nghệ và mạng xã hội để che đậy hành vi vi phạm. Chúng tổ chức các đường dây khép kín từ khâu nhập nguyên liệu trôi nổi, thuê nhân công rẻ tiền, thuê nhà trọ làm cơ sở sản xuất đến việc phân phối hàng hóa qua các kênh trực tuyến, giao dịch ngân hàng không chính chủ để tránh bị phát hiện.
Trong số hàng chục chuyên án đã từng tham gia, một vụ việc khiến Thiếu tá Tống Đình Xuân và đồng đội đặc biệt ấn tượng. Đó là chuyên án triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng nhái thương hiệu Hàn Quốc vào cuối năm 2023. Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Công an phát hiện một loại thực phẩm chức năng chống đột quỵ, được quảng cáo rầm rộ là "hàng xách tay Hàn Quốc" với giá bán gần 3 triệu đồng/hộp, đang lưu hành rộng rãi tại các chợ thuốc và hệ thống phân phối. Điều bất thường là số lượng sản phẩm này nhiều đến mức... vô hạn.
Điều tra ban đầu cho thấy, đây là sản phẩm được làm giả tại Việt Nam, từ nguyên liệu trôi nổi, đóng gói bằng thiết bị thủ công nhưng có bao bì sang trọng, tem mác giả tinh vi y hệt hàng thật. Vào cuộc xác minh, các trinh sát xác định, cầm đầu đường dây là Nguyễn Thị Thịnh (SN 1978), trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội. Thịnh đặt mua các loại "viên hoàn" không rõ nguồn gốc, chia thành nhiều lô nhỏ, thuê các điểm sản xuất phân tán như nhà trọ để đóng gói. Các "nhân công" đều là người thất nghiệp, nghiện ngập, thậm chí có tiền án, tiền sự. Sau khi đóng gói, sản phẩm được đưa đi tiêu thụ qua chợ thuốc, nhà thuốc, sàn thương mại điện tử…
Để tạo lòng tin, Thịnh còn bay sang tận Hàn Quốc, tới trụ sở Công ty Kwangdong (nhãn hàng thật) rồi livestream, chụp ảnh đánh lừa người mua. Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, tài liệu, ngày 4/4/2024, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, hơn 50 cán bộ, chiến sĩ đã đồng loạt khám xét 10 địa điểm tại Hà Nội và Thanh Hóa. Kết quả khiến nhiều người choáng váng: hơn 4.000 hộp thành phẩm giả, hàng ngàn tem chống hàng giả, máy móc đóng gói, viên nén không rõ thành phần, 1.000 kg nguyên liệu trôi nổi bị thu giữ. Giá trị số hàng hóa bị thu giữ lên tới hàng chục tỷ đồng.

Từ năm 2020 đến nay, Thiếu tá Tống Đình Xuân cùng đồng đội điều tra hơn 50 vụ án lớn nhỏ về tội phạm kinh tế, trong đó có 27 chuyên án được triệt phá thành công.
Giữa tháng 4/2025, Thiếu tá Tống Đình Xuân và đồng đội lại tiếp tục mở rộng điều tra, phát hiện một đường dây sản xuất thuốc tân dược giả có quy mô toàn quốc. Các đối tượng hoạt động tại Hà Nội, TP HCM, An Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… Hành vi làm giả tinh vi đến mức nhiều sản phẩm được đóng gói như hàng nhập khẩu, có vỏ hộp sang trọng, viên thuốc màu sắc bắt mắt, tem nhãn chuyên nghiệp. Thế nhưng, thành phần thực sự của những loại thuốc này chủ yếu là... bột mì, bột ngô và chất giảm đau rẻ tiền.
Thiếu tá Xuân cho biết, loại thuốc hàng giả, rẻ tiền được tiêu thụ tại các chợ thuốc và mua bán trên không gian mạng, tại các đại lý nhỏ lẻ. Mặt hàng này giá nhập thấp nhưng bán ra ngang giá của hàng chính hãng, người bán thu lợi, chỉ người mua thuốc là chịu thiệt thòi “tiền mất, tật mang”. Một điều đáng buồn là quá trình đấu tranh chuyên án, cơ quan Công an đã làm rõ hành vi của không ít người kinh doanh dược phẩm y tế, dù biết hàng giả, hàng nhái nhưng họ vẫn “nhắm mắt”, tiếp tay cho sai phạm để thu lợi bất chính. Qua khám xét 6 địa điểm, Công an thu giữ gần 10 tấn nguyên liệu và sản phẩm thành phẩm, gồm 21 loại thuốc giả, 18.000 vỏ hộp, 142kg viên hoàn, dây chuyền sản xuất, máy ép, khuôn định hình… Ước tính số hàng hóa đã tiêu thụ lên tới hàng trăm tấn, đem lại nguồn lợi bất chính khoảng 200 tỷ đồng.
Thiếu tá Tống Đình Xuân cho biết, ngày nay tội phạm kinh tế rất tinh vi, chúng lợi dụng công nghệ để in ấn mẫu mã hộp đóng gói y chang hàng thật, bên cạnh đó, chúng còn làm giả các loại nhãn, mác các đơn vị phân phối, nhập khẩu. Do vậy, nếu kiểm tra tem phụ, nhãn mác đơn vị nhập khẩu thì rất khó phát hiện mà chỉ có kiểm tra hóa đơn nhập khẩu hoặc kiểm tra qua Hải Quan mới biết hàng có nhập khẩu hay không. Do vậy, công tác đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, nhất là lĩnh vực thuốc tân dược cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, liên tục của các cơ quan chức năng liên quan chứ không riêng gì lực lượng Công an.

Mỗi hộp thực phẩm chức năng nhái chi phí sản xuất chỉ hơn 100.000 đồng nhưng các đối tượng bán với giá gần 3.000.000 đồng.
Từ năm 2020 đến nay, với các vai trò từ Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế Công an TP Thanh Hóa, Phó Trưởng Công an TP Thanh Hóa, đến Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thanh Hóa, Thiếu tá Tống Đình Xuân đã trực tiếp tham gia, chỉ đạo điều tra hơn 50 vụ án lớn nhỏ về tội phạm kinh tế, trong đó có 27 chuyên án được triệt phá thành công. Nhiều chuyên án có quy mô vượt ngoài phạm vi địa phương, ảnh hưởng toàn quốc, tạo tiếng vang lớn và được Bộ Công an, UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh biểu dương, khen thưởng.
Không mang vẻ ngoài hào nhoáng, Thiếu tá Tống Đình Xuân giữ nét giản dị, điềm tĩnh, khiêm nhường. Trên trận tuyến đối đầu với tội phạm đầy thử thách ấy, anh vẫn lặng lẽ bước tiếp như ánh đèn soi rọi vào những góc tối, tìm lại sự công bằng và bảo vệ niềm tin của nhân dân. Đằng sau mỗi chuyên án, mỗi chiến công là những đêm trắng, những bữa ăn vội trên đường hành quân, là những lúc anh em chiến sĩ thay nhau nằm ngủ bất cứ đâu để bám địa bàn, bám cơ sở. Nhưng tất cả họ đều không hối tiếc, bởi họ hiểu rằng, chỉ cần một viên thuốc giả được ngăn chặn, là một mạng người được cứu. Kết quả điều tra, khám phá các vụ án đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cho người dân, lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động sản xuất kinh doanh dược phẩm. Nó cũng góp phần thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ, thương mại và bảo vệ thương hiệu.
Với những đóng góp xuất sắc, Thiếu tá Tống Đình Xuân đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương chiến công hạng 3, được Công an tỉnh Thanh Hóa suy tôn, đề nghị Bộ Công an tuyên dương là điển hình tiên tiến nhân kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống Công an nhân dân sắp tới.