Thiếu thốn vật tư y tế và nhân lực trầm trọng, nhiều y tá Indonesia phải mặc áo mưa hoặc lộn ngược trang phục để sử dụng nhiều lần
Đây được xem là vấn đề số 1 tại nhiều bệnh viện tại quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, họ không đủ nhân lực và cũng như trang thiết bị chữa bệnh.
Bác sĩ nhi khoa Agnes Tri Harjaningrum đang làm việc nơi tuyến đầu chống dịch của Indonesia, công việc của cô là xác định sẽ chọn bệnh nhân nhiễm Covid-19 nào để chữa. Ở đất nước này, chỉ có 132 bệnh viện đủ khả năng chữa trị virus corona, một con số chẳng thể nào cân xứng.
Một trong những bệnh nhân của cô nằm ở bệnh viện Jakarta là một cậu bé 3 tháng tuổi được thở bằng máy oxy và dùng kháng sinh hoặc một vài loại thuốc khác 2 lần mỗi ngày, đôi khi là nhiều hơn, điều đó tùy thuộc vào tình trạng của cậu bé. Harjaningrum nói rằng các y tá sẽ cho bé uống sữa qua ống khi sức khỏe của em khá hơn.
Harjaningrum mô tả bệnh viện, nơi cô đang làm việc thuộc loại D - cấp thấp nhất trong hệ thống bệnh viện ở Indonesia. Đa số bệnh nhân ở đây đều được chuyển tới từ các trung tâm y tế công cộng. Một số người đã không thể lên được bệnh viện tuyến cao cấp hơn do quá tải.
Ở đây, cơ sở vật chất quá thiếu thốn. Số phòng cách ly không đủ cũng như cả phòng chăm sóc đặc biệt cho cả người lớn lẫn trẻ em. Mặc dù cho bệnh viện vẫn cấp đủ cho các nhân viên y tế, mỗi người một bộ thiết bị bảo vệ nhưng Harjaningrum lo ngại rằng nó có thể sẽ sớm hết vì số lượng bệnh nhân quá đông. Mỗi bộ đồ bảo hộ có giá 500.000 rupiah (hơn 800 nghìn VNĐ) và mỗi người làm việc tại tuyến đầu cần sử dụng ít nhất 4 bộ/ngày để chữa trị cho 1 bệnh nhân nhiễm virus corona, như thế thì chi phí sẽ rất lớn.
"Nếu tiếp xúc với bệnh nhân mà không mặc bất cứ đồ bảo hộ nào thì chả khác gì tự sát cả." - Harjaningrum nói. Tuy nhiên, như thế này vẫn còn khá hơn một số người bạn đồng nghiệp khác của cô. Những người làm việc ở các cơ sở nhỏ hơn hay bệnh viện địa phương đã phải dùng áo mưa hoặc lộn ngược đồ bảo hộ lại để tiếp xúc với bệnh nhân.
Đến nay, thứ 2 (30/03), Indonesia ghi nhận 1.414 ca nhiễm virus corona và 122 người đã tử vong, cao nhất trong các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Hiệp hội y khoa Indonesia cho biết trong số những ca tử vong, có 10 bác sĩ và y tá. Theo tờ CNN Indonesia, thị trưởng thành phố Jakarta, Anies Baswedan đã thông báo rằng 61 nhân viên y tế thuộc 26 bệnh viện ở thủ đô đã bị nhiễm virus corona.
Tuy nhiên, số liệu này được xem là không đúng sự thực bởi chính quyền của quốc gia đông dân thứ 4 đã phản ứng quá chậm so với dịch bệnh.
Theo SCMP, một nghiên cứu của Trung tâm mô phỏng toán học các bệnh truyền nhiễm đưa ra giả thuyết rằng chỉ khoảng 2% số ca nhiễm Covid-19 ở Indonesia được báo cáo với chính quyền, đồng nghĩa với việc con số thực tế có thể lên tới 34.300 ca. Trong trường hợp xấu nhất, số ca nhiễm bệnh có thể lên tới con số 5 triệu người tại thủ đô Jakarta vào cuối tháng 4 dù cho quan chức cấp cao của bộ y tế, Achmad Yurianto đã phủ nhận điều này và nói rằng: "Chúng tôi sẽ không như Ý và Trung Quốc."
Ông này cũng nói thêm rằng việc cách ly xã hội là quan trọng nhất, điều đó sẽ giúp giảm tải cho các bệnh viện và đồng thời cũng phủ nhận cả việc bổ sung thêm giường bệnh hay nhân viên y tế. Hiện tại, tỷ lệ ở Indonesia là 12 giường bệnh và 4 bác sĩ trên 10.000 dân. Trong khi Hàn Quốc có 115 giường bệnh trên 10.000 dân và số bác sĩ cũng gấp 6 lần.
Đầu tuần trước, chính phủ Indonesia đã sử dụng làng vận động viên Châu Á năm 2018 ở Jakarta để làm bệnh viện dã chiến, có sức chứa khoảng 24.000 bệnh nhân.
Welas Riyanto, y tá tại một bệnh viện giấu tên ở Jakarta cho biết vấn đề của các y bác sĩ nơi tuyến đầu hiện tại là các vật dụng bảo hộ đã sắp hết. "Càng nhiều y bác sĩ nhiễm bệnh thì nhân lực chống dịch sẽ càng mỏng hơn." - Riyanto nói, anh cũng là chủ tịch Hiệp hội y tá khẩn cấp và thảm họa của Indonesia.
Harif Fadhillah, chủ tịch Hiệp hội y tá quốc gia Indonesia cũng đồng tình với ý kiến trên. Và việc thiếu thốn đồ bảo hộ đã không chỉ là vấn đề mà nhiều y bác sĩ nói tới khi đa số các bệnh viện đều nói rằng đó là vấn đề số 1 của họ.
Đầu tháng này, Bộ y tế nói rằng đã đặt hàng 10.000 bộ bảo hộ từ Ấn Độ và Châu Âu nhưng chẳng có một chứng cứ nào cho biết các bệnh viện đã nhận được. Chính phủ cũng đã nói rằng cùng sự giúp sức của lực lượng quân đội, họ đã phân phát 151.000 bộ đồ bảo hộ tới nhiều tỉnh của Indonesia.
Một lo ngại nữa mà Fadhillah có đề cập đến là nhiều y tá, bác sĩ đã phải làm việc quá sức. Ông cho biết một y tá phải phụ trách 3 đến 8 bệnh nhân Covid-19, trong ca làm việc 8 tiếng đồng hồ của họ. Và với sự thiếu y tá được đào tạo, một vài người đã phải làm gấp đôi, gấp ba ca làm việc của mình. Điều này buộc Hiệp hội y tá quốc gia Indonesia đã kêu gọi tình nguyện trên mạng, và đã có 490 người tình nguyện trong vòng 24 giờ. Nhưng ngoài y tá, Indonesia cũng đang thiếu các bác sĩ.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Tempo.co, Agus Dwi Susanto, chủ tịch Hiệp hội hô hấp Indonesia nói rằng chỉ có 1.106 chuyên gia về phổi ở Indonesia, trong khi cần tới 2.600 người cho đất nước có dân số 260 triệu dân này.
(Theo SCMP)