Thiếu thuyết phục
Gần đây, nhiều đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ của tỉnh Trà Vinh bị khởi tố, bắt giam trong đường dây trục lợi chính sách liên quan đến đất đai dành cho người có công, gây thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 131 tỷ đồng. Thống kê cho thấy có gần 100 cán bộ công chức, viên chức bị liên đới trách nhiệm.
Những sai phạm này đều liên quan hoặc có sự giúp sức của những cán bộ chủ chốt là chủ tịch, phó chủ tịch, bí thư, phó bí thư, cho đến các ban ngành của 7 đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn tỉnh.
Lợi dụng chính sách dành cho người có công trong Quyết định số 118 ngày 27-2-1996 và Quyết định số 117 ngày 25-7-2007 của Thủ tướng Chính phủ về miễn, giảm tiền sử dụng đất (từ đất lúa, đất trồng cây lâu năm… thành đất ở) để hỗ trợ các gia đình người có công cải thiện nhà ở, ổn định cuộc sống. Một số cán bộ, cò đất trên địa bàn tỉnh đã làm giả hồ sơ để trục lợi từ chính sách này. Đáng nói nhất khi những cán bộ sai phạm là đảng viên, lãnh đạo cao nhất của một đơn vị hành chính cấp huyện.
Dư luận đặt câu hỏi, không rõ việc bình bầu, đánh giá cán bộ hàng năm của tổ chức Đảng, chính quyền của tỉnh này như thế nào mà để vụ việc kéo dài trong nhiều năm, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu ra sao khi để xảy ra sự việc? Bởi trong sai phạm đó có cả ông Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy (nguyên Chủ tịch UBND huyện Trà Cú). Điều này cho thấy công tác quản lý cán bộ ở Trà Vinh, đặc biệt là những cán bộ nguồn, cán bộ chủ chốt còn nhiều kẽ hở.
Vụ việc này đến nay chỉ có một nhóm cán bộ cùng với các cò đất bị khởi tố, bắt giam. Thanh tra tỉnh cũng vừa công bố quyết định thanh tra đối với 7 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: Châu Thành, Cầu Ngang, Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Duyên Hải với gần 100 cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức bị đề nghị kiểm điểm trách nhiệm.
Dư luận đặt câu hỏi, nếu không có sự tiếp tay của người có thẩm quyền tại cơ quan, tổ chức hành nghề công chứng, chứng thực (khi chuyển đổi chủ sở hữu thửa đất); lãnh đạo và địa chính cấp xã tại nơi có thửa đất; chuyên viên, lãnh đạo chi cục thuế (quyết định tỷ lệ hưởng số tiền miễn giảm); văn phòng UBND cấp huyện (xem xét hồ sơ lần cuối) và lãnh đạo UBND huyện (đưa ra quyết định cuối cùng đối với việc hoàn thành hồ sơ)... thì chẳng thể nào làm được những bộ hồ sơ giả trót lọt như trên.
Việc chỉ kiểm điểm các cán bộ, công chức, viên chức có liên quan của tỉnh liệu có quá “nhẹ tay”?
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thieu-thuyet-phuc-665349.html