Thiếu trầm trạng nhân lực cấp cứu và hồi sức
Nhân lực cấp cứu và hồi sức đang thiếu hụt trầm trọng khiến các cơ sở y tế luôn quá tải là thực trạng tại nhiều cơ sở y tế hiện nay.
Tại lớp tập huấn về "Quản lý lâm sàng ca bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính" do Bộ Y tế tổ chức, BSCKII. Trần Ngọc Triệu, Phó giám đốc Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, ở địa phương, các cơ sở khám, chữa bệnh luôn trong tình trạng quá tải.
Bên cạnh đó, năng lực quản lý, chuyên môn trong việc thu dung, tiếp nhận, điều trị người bệnh, nhất là các ca bệnh cấp cứu bệnh dịch truyền nhiễm mới nổi giữa các tuyến còn chênh lệch, khiến cho các bệnh viện tuyến cuối càng quá tải, nhất là trong đại dịch Covid-19 vừa qua.
Theo BS CKII Trần Ngọc Triệu, sau khi đối mặt với đại dịch Covid-19, hiện chúng ta phải tiếp tục ứng phó là dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ.
Vì vậy, việc nâng cao năng lực trong quản lý lâm sàng các ca bệnh cấp cứu truyền nhiễm luôn là ưu tiên hàng đầu đối với các nhân viên y tế làm việc tại khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực của các bệnh viện.
Còn theo bác sĩ Vũ Quang Hiếu, đại diện WHO tại Việt Nam, rong 10 năm qua, nhiều lớp tập huấn đã được WHO, USAID phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức cho các cán bộ y tế hồi sức cấp cứu tại các bệnh viện.
Trong dịch Covid-19, đội ngũ này đã đóng góp quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, sau đại dịch, lực lượng này có nhiều biến động.
Đội ngũ cán bộ mới thay thế vừa yếu, vừa thiếu so với nhu cầu. Do đó, WHO, USAID mong muốn tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao hiệu quả cấp cứu cho nhân viên y tế.
Cũng theo bác sĩ Vũ Quang Hiếu, việc nâng cao năng lực trong quản lý lâm sàng các ca bệnh cấp cứu truyền nhiễm, đặc biệt, là nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nặng, luôn là ưu tiên hàng đầu đối với các nhân viên y tế làm việc tại khoa cấp cứu, hồi sức tích cực của các bệnh viện từ tuyến trung ương, tuyến tỉnh đến tuyến huyện.
Theo các chuyên gia y tế, việc cấp cứu bệnh nhân không chỉ giúp bệnh vượt qua giai đoạn khẩn cấp, mà còn tránh cho nhân viên y tế khỏi những rắc rối hoặc những vấn đề pháp lý có thể xảy ra, đặc biệt vào các thời điểm nguy cơ cao, với những nhóm bệnh nhân nghiện rượu, nghiện thuốc, bạo lực, bị lạm dụng, rối loạn tâm thần; bệnh nhân vào cấp cứu nhiều lần.
Theo dự báo của Bộ Y tế, trong giai đoạn tới y tế đang rất cần nhân lực ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học. TS.BS Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho hay, các trường là cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng thu hút nhiều học sinh theo học, các em đã lựa chọn các trường nghề để rút ngắn thời gian học, học phí thấp; các em được đào tạo nghề nghiệp thực tiễn, phù hợp nhu cầu thị trường lao động.
Theo TS. Liên, ngành Y tế đang cần nhân lực về điều dưỡng và xét nghiệm. Theo dự báo của Bộ Y tế giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung hơn 300.000 điều dưỡng viên;
Hiện tại, số điều dưỡng/vạn dân chỉ là 14,3, mục tiêu đề ra 25 điều dưỡng/vạn dân vào năm 2025 và 33 điều dưỡng/vạn dân vào năm 2030. Vì thế, những người tốt nghiệp ngành điều dưỡng có cơ hội việc làm lớn.
Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP và theo Thông tư 05/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, xét nghiệm y học và điều dưỡng là hai ngành nằm trong danh mục ngành nghề được giảm học phí 70%. Mức học phí sinh viên phải trả cho mỗi tháng sau khi được giảm là gần 700.000 đồng.
Đại diện Trường Cao đẳng Y tế Đặng Văn Ngữ cho hay, đào tạo 2 ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật Xét nghiệm Y học và áp dụng chính sách mới, học phí được giảm 70% cho sinh viên nhập học năm 2023 nên đã thu hút nhiều thí sinh quan tâm.
Khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, các em vẫn có nhiều cơ hội học lên các bậc học cao hơn như đại học, thạc sĩ…nếu có nhu cầu. Ngoài ra, các em còn có cơ hội làm việc, xuất khẩu lao động nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức,…).
Được biết, hiện ở Việt Nam, mức lương Điều dưỡng viên dao động 7-15 triệu đồng, tùy thuộc vào trình độ và kinh nghiệm.
Nếu làm việc ở nước ngoài, Điều dưỡng viên có thể đạt mức thu nhập cao. Ví dụ, tại Nhật Bản, thu nhập của một Điều dưỡng viên dao động từ 150.000 - 170.000 yên/ tháng, tương đương với 30 -34 triệu đồng/tháng, đi kèm cùng các quyền lợi, chính sách ưu đãi và phụ cấp khác.
Chuyên gia dự báo, nếu không tăng cường đầu tư cho đào tạo điều dưỡng, đến năm 2030 ngành Y tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 40.000 - 50.000 nhân lực điều dưỡng.
Về phía Bộ Y tế, PGS.Lương Ngọc Khuê, Phó chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay, hiện nay, có hơn 1.400 bệnh viện công lập, hơn 300 bệnh viện ngoài công lập đều có hệ thống điều dưỡng trưởng và điều dưỡng làm công tác quản lý và chăm sóc.
Lực lượng điều dưỡng chiếm đến 70% trong đội ngũ của lực lượng làm công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng điều dưỡng vẫn còn thiếu.
Về chất lượng, đa số các bệnh viện sử dụng điều dưỡng trung cấp, trong khi đó nhu cầu phải nâng cao chất lượng lên, phải 50-70% là điều dưỡng có trình độ cao đẳng và đại học.
"Chúng ta chưa có giáo sư, phó giáo sư về điều dưỡng, các nước bên cạnh như Thái Lan đã có đội ngũ các thầy dạy về điều dưỡng, thực hành điều dưỡng,” ông Khuê nói.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thieu-tram-trang-nhan-luc-cap-cuu-va-hoi-suc-d199424.html