Thiếu trang thiết bị dạy học tại vùng cao: Thầy cô tìm cách khắc phục

Năm học mới, một số cơ sở giáo dục tại Sơn La đã bổ sung trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh, nguồn kinh phí hạn chế, để đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học thì vẫn còn nhiều khó khăn.

Góc đồ chơi do cô giáo trường Mầm non Chiềng Ban thực hiện. Ảnh NTCC.

Góc đồ chơi do cô giáo trường Mầm non Chiềng Ban thực hiện. Ảnh NTCC.

Thực tế chưa đáp ứng nhu cầu

Năm học 2021-2022, Trường Mầm non Chiềng Ban (xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn) có 19 lớp, với 544 học sinh ở 3 điểm trường. Trong đó, có gần 250 em học tại điểm lẻ (Thống Nhất, Ban Hai).

Cô Phùng Thị Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đơn vị chỉ có 3 chiếc máy chiếu (1 chiếc hỏng); 1 chiếc đàn organ. Như vậy, chưa thể đáp ứng được một số hoạt động dạy và học”.

Theo cô Hiền, năm học này nhà trường đã trang bị thêm hơn 50 bộ bàn ghế cho học sinh 5 tuổi khu trung tâm, thay thế những bàn ghế bị hư hỏng. Nhưng vì tình hình dịch bệnh, nguồn kinh phí hạn hẹp nên không bổ sung được trang thiết bị dạy học cho tất cả các lớp.

Theo cô Bùi Thị Trang, giáo viên lớp mẫu giáo 5 tuổi, Phòng GD&ĐT huyện và nhà trường đã quan tâm và ưu tiên cho việc bổ sung trang thiết bị dạy học. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của cô và trò. Cơ bản mới chỉ đảm bảo trang thiết bị dạy học ở các lớp, còn những thiết bị theo hướng hiện đại, như đàn, mic trợ giảng, máy chiếu... thì vẫn thiếu.

Tại Trường Tiểu học và THCS Hoàng Văn Thụ (huyện Mai Sơn), theo cô Trần Thị Nga, hiệu trưởng nhà trường thì với sự thiếu hụt về kinh phí, việc đầu tư bổ sung thiết bị dạy học được ưu tiên cho các khối lớp triển khai chương trình sách giáo khoa mới. Hệ thống máy chiếu cũng được ưu tiên lắp đặt cho khối THCS do phải sử dụng nhiều, riêng tiểu học chỉ lớp 1 được bổ sung.

“Theo chương trình học mới, chúng tôi cần bổ sung thêm máy chiều, tivi cho học sinh lớp 2. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào nguồn ngân sách. Trước mắt, nhà trường ưu tiên những trang thiết bị cần thiết để mua sắm trước. Hiện trường còn một máy chiếu di động để các thầy cô linh hoạt sử dụng” – cô Nga cho hay.

Thầy Điêu Chính Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Tà Hộc (huyện Mai Sơn) cho biết, đơn vị vẫn vừa giảng dạy, vừa khắc phục thiết hụt về trang thiết bị dạy học.

“Hiện tại, trường đã trang bị cho mỗi khu lẻ một ti vi. Về máy chiếu, ở điểm trường trung tâm khối THCS có 8 chiếc, tiểu học có 3 chiếc. Để đáp ứng nhu cầu dạy học mỗi lớp một máy là rất khó, vì nguồn ngân sách có hạn” – thầy Quỳnh chia sẻ.

Hội thi làm đồ dùng, đồ chơi tại trường Mầm non Chiềng Ban. Ảnh NVCC.

Hội thi làm đồ dùng, đồ chơi tại trường Mầm non Chiềng Ban. Ảnh NVCC.

Tận dụng thiết bị sẵn có

Trong điều kiện khó khăn, việc tận dụng, phát huy tối đa công năng của thiết bị sẵn có và chủ động sáng tạo ra nhiều loại đồ dùng dạy học phù hợp để phục vụ công tác giảng dạy là giải pháp mà nhiều trường học và giáo viên vùng cao Sơn La đang triển khai thực hiện.

Theo cô Phùng Thị Hiền thì do đặc thù của giáo dục mầm non “vui chơi là hoạt động chủ đạo”, nên giáo viên nhà trường được khuyến khích dạy học theo phương châm “học mà chơi, chơi mà học”.

“Nhận thức của trẻ mầm non là tư duy trực quan, nên đồ dùng, đồ chơi chiếm vị trí quan trọng trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ. Chính vì vậy, nhà trường đã tổ chức nhiều hội thi, xây dựng kế hoạch chỉ đạo, khuyến khích giáo viên làm đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học, nhằm khác phục phần nào sự thiếu hụt” – cô Hiền chia sẻ.

Là một trong những giáo viên tích cực trong việc sáng tạo đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, cô giáo Trang cho biết, giáo viên nhà trường thường tranh thủ thời gian nghỉ để thiết kế, sáng tạo ra nhiều sản phẩm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Phần lớn nguyên liệu đều được tận dụng từ những đồ dùng, vật dụng sẵn có tại địa phương nên tiết kiệm được kinh phí.

“Riêng đối với những nội dung giảng dạy về âm nhạc, cần đến các thiết bị hiện đại mà nhà trường chưa có thì giáo viên chúng tôi khắc phục tạm bằng cách tải nhạc về máy tính cá nhân và cho học sinh hát theo” – cô Trang nói.

Cô Trần Thị Hằng, giáo viên môn Hóa học tại Trường Tiểu học và THCS Hoàng Văn Thụ thì do đặc thù thiết bị, đồ dùng môn học không thể tự thiết kế như cấp mầm non, nên để khắc phục tình trạng này cô phải linh hoạt “cân đối” bằng nhiều cách.

“Tôi chia lớp từ 4 nhóm thành 3 nhóm. Khi không đủ dụng cụ để dạy 2 tiết cùng học thực hành, giáo viên sẽ tự phân chia dạy cách nhau, sau khi dạy xong lớp này thì vệ sinh sạch sẽ để lớp sau sử dụng. Còn một số dụng cụ thí nghiệm đã hỏng chưa bổ sung được thì tôi sử dụng máy chiếu để cho học sinh xem. Ví dụ như thí nghiệm điện phân nước chẳng hạn” – cô Hằng cho hay.

Tại Trường Tiểu học và THCS Tà Hộc, phương châm “Đồ dùng có đến đâu dùng đến đó” được quán triệt và đồng bộ triển khai với mỗi giáo viên nhà trường. Thầy Điêu Chính Quỳnh cho biết: Năm học này, do học sinh lớp 2 học theo chương trình mới nên được ưu tiên bổ sung thêm bảng để phục vụ dạy học. Còn lại giáo viên sẽ tự linh động, cân đối lẫn nhau để tận dụng tối đa các thiết bị sẵn có, phục vụ công tác giảng dạy.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thieu-trang-thiet-bi-day-hoc-tai-vung-cao-thay-co-tim-cach-khac-phuc-Fw0zzKKng.html