Thiếu tướng Đinh Hồng Đe - Người chỉ huy đức độ, bình dị và sâu sắc

Nhận được tin ông qua đời, tôi không bất ngờ nhưng cảm thấy hụt hẫng vô cùng. Không bất ngờ là bởi quy luật vô thường của đời người và căn bệnh tai biến đã nặng càng trở nặng hơn, khiến ông không thể tự trở mình trong những ngày tháng cuối đời, dù thời trai trẻ, thủ trưởng của tôi có vóc người vạm vỡ, sức khỏe tốt. Vậy là ở tuổi 77, Thiếu tướng Đinh Hồng Đe (tên thật là A Đe) - vị tướng Biên phòng đầu tiên của núi rừng Tây Nguyên đã về Yàng (trời), về với các bậc tiền nhân của lực lượng Công an nhân dân vũ trang và BĐBP ngày nay, nhưng những cống hiến của ông cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho chủ quyền biên giới thiêng liêng thì vẫn còn lưu dấu mãi, giống như vó ngựa Biên phòng tung bay trong miền ký ức của bao thế hệ người lính bảo vệ biên giới.

Thiếu tướng Đinh Hồng Đe dự, chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác biên phòng năm 2006 của BĐBP Kon Tum. Ảnh: TKN

Thiếu tướng Đinh Hồng Đe dự, chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác biên phòng năm 2006 của BĐBP Kon Tum. Ảnh: TKN

Tôi có may mắn được gần gũi Thiếu tướng Đinh Hồng Đe từ thời ông còn là Chỉ huy trưởng BĐBP Kon Tum. Sau đó là quãng thời gian hơn 5 năm (từ 2004-2009) được tháp tùng ông trong những chuyến công tác các tỉnh Tây Nguyên trên cương vị là Phó Tư lệnh BĐBP. Dù ở bất kỳ cương vị nào, trong ông vẫn toát lên nét bình dị, nhân từ và sâu sắc.

Tôi vẫn nhớ như in ngày ông còn là Chỉ huy trưởng BĐBP Kon Tum, Đại biểu Quốc hội khóa XI, trong đợt làm phim phóng sự truyền hình “Chuyện cổ tích dưới chân núi Mo Ray” tham gia dự thi toàn lực lượng, nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Truyền thống BĐBP (3/3/1959-3/3/2004). Sau khi hoàn thành phần hậu kỳ, ê kíp làm phim chúng tôi trình chiếu để Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum duyệt lại lần cuối trước khi gửi đi dự thi.

Xem xong phóng sự, Chỉ huy trưởng Đinh Hồng Đe trầm ngâm một lúc rồi nhận xét: “Bộ phim rất hay và xúc động, nhưng nếu có cảnh quay BĐBP đưa cháu Y Đức về thăm mộ của người mẹ thì sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều...”. Lời nhận xét của ông tuy ngắn gọn nhưng đã chạm vào cảm xúc của mọi người. BĐBP Kon Tum là ân nhân của bé Y Đức khi cứu em thoát khỏi hủ tục của lệ làng, nhưng nếu không có người mẹ thứ nhất (đã qua đời ngay sau khi bé Y Đức chào đời) thì sẽ không bao giờ có người mẹ thứ hai. Vai trò của người mẹ nào cũng vô cùng quan trọng và sự tinh tế, sâu sắc của Chỉ huy trưởng A Đe là ở chỗ đó. Ông luôn trân trọng, nâng niu giá trị bất biến của tình người. Cũng như ông, năm xưa nếu không có người chỉ huy Đinh Đen lấy thân mình che chắn cho ông thoát khỏi trận mưa bom của quân thù và hy sinh trên người ông thì sẽ không có một Đinh Hồng Đe của ngày hôm nay. Để tưởng nhớ, tri ân người chỉ huy đã hy sinh quên mình vì đồng đội, A Đe xin được đổi thành tên Đinh Hồng Đe từ ngày đó.

Nhân cách cao đẹp và dấu ấn của Thiếu tướng Đinh Hồng Đe được thể hiện ở mọi cương vị công tác mà ông đã từng trải qua. Có thể nói, đó là “nhân cách chuẩn mực của đại ngàn” - nơi chứa đựng sự mạnh mẽ, kiên cường, nhưng lại rất hiền hòa, mộc mạc. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP và người dân vùng biên giới tỉnh Kon Tum luôn nhớ về ông trong hình ảnh một vị tướng Biên phòng rất đỗi gần gũi, thân quen. Ngày ông được Đảng, Nhà nước bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tư lệnh BĐBP và được phong quân hàm Thiếu tướng, người dân làng Peng K’lang, xã Đắk Blô, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum (quê hương ông) đã tổ chức lễ hội đâm trâu để ăn mừng người con ưu tú của họ. Ai cũng thấy tự hào và hạnh phúc vì đã có một A Đe, ngày vào du kích (16 tuổi) đứng còn thấp hơn cả khẩu súng trường mà giờ đây đã trở thành vị tướng Biên phòng đầu tiên của miền cực Bắc Tây Nguyên, được cán bộ, chiến sĩ BĐBP và nhân dân kính trọng, mến mộ.

Thiếu tướng Đinh Hồng Đe sống nội tâm, rất giàu tình cảm. Những chuyến được tháp tùng thủ trưởng đi công tác các tỉnh Tây Nguyên, tôi nhận thấy trong ông không nguôi nỗi trăn trở nghĩ suy. Với đồng bào các dân tộc vùng biên giới, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn thì sự đồng hành, giúp đỡ, sẻ chia của các cấp, các ngành, trong đó có BĐBP là hết sức cần thiết. Mỗi lần được nghe chỉ huy các đồn Biên phòng báo cáo mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ông lại nở nụ cười thật tươi, bởi hơn ai hết, ông là người con sinh ra từ đất làng, trưởng thành đi lên từ người cán bộ chỉ huy Biên phòng cấp cơ sở nên rất thấu hiểu thực trạng đời sống, những căn nguyên kìm hãm sự phát triển trong cộng đồng và vai trò của BĐBP trong hơi thở cuộc sống vùng biên.

Sau sự kiện kích động gây rối xảy ra ở Tây Nguyên vào năm 2001, thực trạng người dân tộc thiểu số nhẹ dạ, cả tin vượt biên trái phép diễn ra hết sức phức tạp, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Đinh Hồng Đe chỉ đạo các đơn vị BĐBP trên địa bàn phải chủ động quyết liệt trong đấu tranh ngăn chặn nhưng phải hết sức linh hoạt, uyển chuyển trong xử lý. Đối với những kẻ cầm đầu tổ chức phản động FULRO Đề-ga cần phải có biện pháp đấu tranh cứng rắn vì đó là những tên tội phạm nguy hiểm, nhưng ngược lại, với người nhẹ dạ, cả tin thì đó là lỗi lầm nhất thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa để đưa họ trở về với con đường chính nghĩa. Để hiện thực hóa quan điểm “lấy dân làm gốc”, cần phải có “góc nhìn” đa chiều, hiểu rõ mức độ đúng - sai ở đâu, do đâu để có cách giải quyết hợp tình, hợp lý nhất.

Mỗi lần đến thăm các đơn vị BĐBP đóng quân xa khu dân cư, điều kiện giao thông khó khăn, khí hậu thời tiết khắt nghiệt, ông lại thấy day dứt trong lòng. Trong chiến tranh, thế hệ của ông đã phải chịu nhiều mất mát hy sinh để cho hôm nay được sống trong hòa bình, ấm êm và hạnh phúc, nhưng cán bộ, chiến sĩ BĐBP vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi quá, phải sống xa quê hương, gia đình, thiếu thốn nhiều mặt, đặc biệt là về đời sống tinh thần. “Những đơn vị như thế mà anh em vẫn bám trụ vững vàng hoàn thành tốt nhiệm vụ thì đó chính là thành tích đặc biệt xuất sắc...” - ông chia sẻ với chúng tôi như thế.

Có thể nói, cuộc đời của Thiếu tướng Đinh Hồng Đe là sự cống hiến không ngừng nghỉ cho quê hương đất nước, cho lực lượng BĐBP và nụ cười của chủ nhân đất rừng biên giới. Năm 2007, ông được Đảng, Nhà nước cho nghỉ hưu. Đến năm 2011, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Kon Tum và lần thứ hai trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ở bất kỳ cương vị công tác nào, ông cũng luôn vững vàng tâm thế người lính Cụ Hồ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Ông chỉ dừng lại khi trái tim đã ngừng đập, nhưng ký ức về người chỉ huy bình dị, đức độ và sâu sắc thì chắc chắn sẽ còn lưu dấu mãi trong tình đất, tình người nơi biên giới.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thieu-tuong-dinh-hong-de-nguoi-chi-huy-duc-do-binh-di-va-sau-sac-post470833.html