Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng - Suốt đời tâm huyết với biên cương
Tôi gặp Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng vào những ngày cuối tháng 12-2012, sau Đại hội Cựu Chiến binh Việt Nam lần thứ V. Lúc này, ông đang làm công tác bàn giao chức Phó chủ tịch thường trực Hội cho người kế nhiệm của Ban Chấp hành mới. Lần đầu tiên được làm việc với ông, vị tướng ở tuổi 75, mà sức vẫn 'cường', trí vẫn 'mẫn', một con người thực sự tâm huyết, nhiệt thành, thẳng thắn.
Ít lời xã giao ngắn gọn, ông vào việc ngay. Từ cặp da màu đen, ông rút ra tập tài liệu khoảng 30 trang giấy A4 đưa cho tôi. Tôi lướt vội, trang bìa trên cùng in dòng chữ "Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng", giữa trang là tiêu đề tài liệu: "Một số bài phát biểu của Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trong tình hình mới". Cuối trang bìa ghi thời gian ấn phẩm "Năm 2000". Rồi ông nói thêm:
- Đây là tài liệu do Phòng Khoa học - Công nghệ tập hợp các bài tôi viết đăng trên các tạp chí Trung ương, các bài nói của tôi ở một số hội nghị. Anh nghiên cứu làm tài liệu tham khảo. Anh yêu cầu gì cứ trao đổi với tôi, tôi sẵn sàng đáp ứng.
Đối với tôi, viết về chân dung vị tướng thì tài liệu kia chỉ phản ánh một phần rất nhỏ trong thân thế, sự nghiệp của ông. Chính vì vậy, buổi làm việc với ông hôm nay, tôi muốn tìm hiểu cặn kẽ quá trình hoạt động, những cống hiến của ông đối với lực lượng Bộ đội Biên phòng. Ấn tượng của tôi với ông là phong cách làm việc cởi mở, dễ gần, rất chỉn chu, cẩn trọng. Xen lẫn những câu chuyện hệ trọng trong đời, trong nghiệp là kinh điển, phương ngôn kim cổ Đông, Tây mà ông đã trải nghiệm, thật hóm hỉnh. Ông làm cho không khí buổi làm việc nghiêm túc, nhưng thư thái, nhẹ nhàng. Tôi thực sự bị lão tướng chinh phục.
Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng sinh ngày 10-7-1937 tại xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Vùng quê của ông xưa kia quanh năm nghèo khó. Dân gian từng có câu "Được mùa Nông Cống, sống mọi nơi". Đó là câu than phiền về sự khó khăn, khắc nghiệt trong sản xuất nông nghiệp của quê ông. Như bao gia đình, nhà ông cùng chung số phận, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" vẫn chẳng đủ ăn.
Trong kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa là vùng tự do, là hậu phương vững chắc, cung cấp nhiều nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến. Nghe theo tiếng gọi của Cụ Hồ, thanh niên trong vùng nô nức tham gia kháng chiến. Có người gia nhập Vệ quốc đoàn, có người vào thanh niên xung phong, có người tham gia dân công hỏa tuyến. Cụ thân sinh ra ông, cũng từng tham gia đoàn quân ấy, nhưng ông cụ bị thương, phải trở về, công tác ở địa phương. Tiếp bước cha, cùng thanh niên trong làng, Phạm Hữu Bồng gia nhập đội thanh niên xung phong lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Một lần theo bộ đội vào chiến dịch, ông đã bị thương. Chàng trai 17 tuổi can trường phải rời vị trí, về tuyến sau. Một nỗi buồn đè nặng trong lòng, người thanh niên xứ Thanh chỉ mong vết thương chóng lành để được về đơn vị tiếp tục phục vụ chiến đấu.
Sau thời gian điều trị, vết thương ổn định, ông may mắn được chuyển từ thanh niên xung phong về Đại đội 2, Cục Cảnh vệ Trung ương. Về đơn vị mới, ông càng có điều kiện nuôi dưỡng niềm ao ước bấy lâu là tiếp tục được cống hiến. Có một điều khiến ông rất trăn trở, đó là vết thương của mình. Không báo cáo chỉ huy đơn vị, xem như không trung thực, nếu báo cáo, phải kiểm tra lại sức khỏe, có khi bị loại vĩnh viễn khỏi quân ngũ. Chỉ nghĩ nếu bị ra quân, ông đã thấy rùng mình, thế là ông giấu nhẹm vết thương, tập trung để cùng đồng đội công tác bình thường, đồng thời ông tranh thủ thời gian rèn luyện sức khỏe. Cứ buổi chiều sau giờ công tác, ông có mặt ở bãi thể thao tập kéo xà đơn, nâng tạ, chạy bộ... Chính sự kiên trì và quyết tâm rèn luyện, cùng với các khoa mục đạt khá giỏi, ông đã lọt vào "tầm ngắm" của cấp trên.
Từ một người lính cảnh vệ thuộc Đại đội 2, ông có vinh dự là một trong những người lính thuộc các đơn vị đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), và được cấp trên tuyển chọn đi đào tạo tại Trường Sĩ quan Lục quân khóa 12.
Ba năm học tập, rèn luyện tại Trường Sĩ quan Lục quân là bước ngoặt trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Từ người lính, nay ông được học tập, rèn luyện cả kiến thức, bản lĩnh, tư duy của người chỉ huy tương lai. Năm 1963, tốt nghiệp khóa đào tạo sĩ quan Lục quân, ông được điều động về Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (nay là Học viện Biên phòng), làm giáo viên chuyên ngành quân sự.
Làm giáo viên quân sự, ông thực sự thấm thía quá trình học tập, rèn luyện của mình tại Trường Sĩ quan Lục quân, với những năm tháng "luộc quân" ở mảnh đất Sơn Tây khắc nghiệt. Trên cương vị là giáo viên quân sự, ông tìm hiểu và biết, Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang mới thành lập, lại trong thời chiến, nên mọi thứ từ giảng đường, thao trường, bãi tập, giáo án, mô hình học cụ... đều thiếu thốn.
Trường rất cần một thao trường có cấu trúc phù hợp với chiến trường, rất cần giáo viên có kiến thức bài bản, có kinh nghiệm huấn luyện chính quy. Nghiên cứu giáo án huấn luyện quân sự, ông tìm tòi văn bản hướng dẫn của trên và tài liệu tham khảo của các trường sĩ quan của quân đội, để tìm ra nội dung, hình thức, biện pháp trình bày bài giảng, phù hợp với học viên sĩ quan Công an nhân dân vũ trang.
Với lòng say mê nghề nghiệp, ông đã nhanh chóng trở thành giáo viên mẫu mực, có năng khiếu sư phạm, được học viên tín nhiệm, đồng nghiệp đánh giá cao. Nhằm đáp ứng nhu cầu huấn luyện của nhà trường, năm 1973, ông được cử về Trường Đại học Công an dự lớp đào tạo giáo viên Trinh sát - pháp luật. Kết thúc khóa học, ông trở về trường cũ với cương vị giáo viên Trinh sát - pháp luật. Vốn là một giáo viên quân sự có năng lực, nay được đào tạo thêm chuyên ngành an ninh, ông càng vững tin khi đảm nhiệm giáo viên khoa mục mới. Ông hiểu, đào tạo nên người sĩ quan Công an nhân dân vũ trang phải có chuyên môn toàn diện quân sự và nghiệp vụ.
Từ một giáo viên, ông được bổ nhiệm làm Tổ trưởng bộ môn, Phó khoa, quyền Trưởng khoa, Trưởng phòng đào tạo rồi Phó hiệu trưởng. Ở bất kỳ cương vị nào ông cũng để lại dấu ấn của sự cải cách, đổi mới, để lại những bài học có giá trị về cả lý luận và thực tiễn cho công tác đào tạo sĩ quan của nhà trường.
Mười hai năm làm thầy, làm cán bộ quản lý, ông tự hào đã cùng với Ban Giám hiệu, đội ngũ cán bộ, giáo viên đào tạo nhiều thế hệ học viên có phẩm chất năng lực đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trên các tuyến biên giới, vùng biển của Tổ quốc trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, lúc bình thường cũng như trong chiến đấu, trước những khó khăn phức tạp. Tuy nhiên ông không khỏi trăn trở mỗi lần dự họp Bộ tư lệnh, nghe chỉ huy các địa phương, đơn vị phản ánh về chất lượng đội ngũ cán bộ, sản phẩm do nhà trường đào tạo. Ông buốt lòng khi có những sĩ quan vi phạm kỷ luật, năng lực kém. Ông ghi chép tỉ mỉ những phản ánh từ đơn vị cơ sở. Ông không tự ái mà xem đây là những phản hồi tích cực, để từ đó bổ sung, khắc phục khiếm khuyết cho quá trình đào tạo.
Đầu năm 1987, Trung tá Phạm Hữu Bồng được điều động làm Chỉ huy phó, sau một thời gian ngắn được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Khi ông làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, sau chiến tranh biên giới, trên có chủ trương bố trí lại lực lượng, triển khai mỗi xã biên giới một đồn Biên phòng.
Trên một địa bàn rộng lớn, giao thông đi lại khó khăn như Lai Châu, việc triển khai mỗi xã biên giới một đồn quả là thách thức lớn. Ông đã cùng cán bộ cơ quan đi bộ cả tháng, trèo đèo, lội suối để tìm vị trí đóng đồn, lập trạm. Ông chỉ đạo sâu sát cụ thể việc khai thác, vận chuyển vật liệu để xây dựng đồn, gùi hàng đảm bảo hậu cần cho cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời ông đã coi trọng công tác động viên tư tưởng cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị dưới xuôi lên tăng cường cho biên phòng Lai Châu, nhất là những đồng chí được điều động đến địa bàn khó khăn như: Xì Lờ Lầu, Vàng Ma Chải, Tông Qua Lìn... Ông lặn lội đến làm việc với chính quyền và nhân dân các địa phương để huy động sức dân.
Tuy vậy, khu vực biên giới Lai Châu vẫn còn rất nhiều khó khăn. Các thế lực phản động cấu kết với nhau tiến hành "chiến tranh phá hoại nhiều mặt". Chúng dùng hàng hóa để móc nối, theo kiểu "rải thóc tráng men, bôi lem quần chúng" gây mất ổn định về an ninh chính trị và trật tự xã hội. Tệ nạn buôn bán hàng tâm lý phát triển, tạo thành nhiều điểm nóng trên địa bàn.
Chỉ huy trưởng Phạm Hữu Bồng đã cùng Thường vụ Đảng ủy, Bộ chỉ huy đề ra chủ trương ổn định tình hình, kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đẩy mạnh các biện pháp công tác biên phòng, trong đó biện pháp vận động quần chúng là chủ đạo. Ông chỉ đạo cơ quan cử những cán bộ giỏi, có nhiều kinh nghiệm xuống bám nắm địa bàn, giúp chỉ huy các đồn Biên phòng nâng cao chất lượng, hiệu quả Đội công tác vận động quần chúng, đi sâu xuống tận chòm, bản tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc hiểu rõ tình hình biên giới, khắc phục khó khăn về kinh tế, vạch trần âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù; động viên bà con đoàn kết, định canh định cư, ổn định sản xuất.
Kinh nghiệm của Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã giúp Bộ tư lệnh vận dụng cho nhiều địa bàn khó khăn, gian khổ trên các tuyến biên phòng. Một phong trào tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống đã được thực hiện tại tất cả các đồn Biên phòng, đồng thời tạo sức mua ở vùng biên giới, khuyến khích đồng bào các dân tộc làm kinh tế. Tất cả những điều này đã tác động mạnh mẽ đến Chỉ huy trưởng Phạm Hữu Bồng, khiến ông manh nha đến ý tưởng một đề tài khoa học "Xây dựng biên giới lòng dân". Bốn năm lăn lộn với biên giới Lai Châu, thời gian trôi đi chóng vánh. Đề án "Xây dựng biên giới lòng dân" vẫn còn dang dở, ấp ủ trong ông. Công tác dân vận đã cho ông những bài học quý.
Đầu năm 1990, tạm biệt vùng sơn cước còn nhiều "duyên nợ", Thượng tá Phạm Hữu Bồng được cấp trên điều về Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đảm nhiệm cương vị Phó tham mưu trưởng. Rồi ông lần lượt đảm nhiệm cương vị: Tham mưu trưởng, Phó tư lệnh.
Năm 1996, ông được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Ở cơ quan "thủ phủ" của lực lượng Bộ đội Biên phòng, với cương vị Tư lệnh, ông có điều kiện nắm tình hình biên giới một cách tổng quan, đầy đủ hơn từ nhiều khía cạnh, từng mặt công tác, từng mảng công việc đến toàn bộ nhiệm vụ của công tác Biên phòng. Cùng Bộ tư lệnh và các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất nhiều vấn đề mới về công tác Biên phòng và xây dựng Bộ đội Biên phòng, đã tạo cho ông một tầm nhìn mới của người Tư lệnh.
Là Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, mặc dù bận nhiều công việc nhưng với lòng nhiệt huyết và sự say sưa quan tâm chỉ đạo sâu sắc công tác khoa học - công nghệ, ông rất trân trọng và thực sự cầu thị mời các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về Biên phòng. Ông quan tâm chỉ đạo việc nghiên cứu khoa học, đào tạo học vị, chức danh khoa học của cơ quan, các Học viện, nhà trường của Bộ đội Biên phòng. Cá nhân ông cũng gương mẫu trong nghiên cứu khoa học. Ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị như: "Tổng kết chiến tranh biên giới", "Nghệ thuật tác chiến Bộ đội Biên phòng"; "Ổn định lâu dài biên giới quốc gia"...
Trong buổi Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng bàn giao chức trách Tư lệnh Biên phòng cho người kế nhiệm, với sự có mặt đông đủ các đồng chí trong Bộ tư lệnh, các Cục, phòng chức năng, ông đã phát biểu nêu lên một số kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ huy, có thể coi là "gan ruột" của một vị tướng trọn đời gắn bó với biên cương. Mỗi vấn đề ông truyền đạt lại là những quy luật chung, những bài học giữa lý luận và thực tiễn, đồng thời cũng là những nét riêng mang triết lý nhân sinh, bài học ứng xử mà cá nhân ông rút ra, mang tính suy ngẫm của một người chỉ huy từng trải.
Về hưu, rời vị trí Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nhưng biên giới quốc gia với ông vẫn còn nhiều duyên nợ. Với lòng tràn đầy nhiệt huyết, tinh thần cống hiến, ông đã dồn công sức, trí tuệ của mình tiếp nối công việc của những người tiền nhiệm, tham gia có hiệu quả vào việc hoàn chỉnh Luật Biên giới quốc gia và các văn bản pháp luật, hướng dẫn thi hành Luật Biên giới quốc gia, mà Bộ Quốc phòng tín nhiệm giao cho ông.
Năm 2002, ông tham gia Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh khóa 3, với cương vị Phó chủ tịch Hội. Đến nhiệm kỳ 4, ông được Đại hội Cựu chiến binh Việt Nam tái cử nhiệm kỳ thứ hai, được bầu Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội. Mười năm đóng góp sức lực, trí tuệ cho Hội Cựu chiến binh, ông tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong hoạt động của Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Có thể nói, thời gian công tác ở Hội Cựu chiến binh Việt Nam, ông đã để lại những dấu ấn đặc biệt sâu sắc về công tác Hội, nhất là trong đấu tranh chống tham nhũng, bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp của các hội viên Hội Cựu chiến binh.
75 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, 58 năm liên tục phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng suốt đời tâm huyết với biên cương. Ông được Đảng, Nhà nước ghi công, trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Hai; Chính phủ Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Hữu nghị. Đó chính là sự ghi nhận, đánh giá những đóng góp của ông cho sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia - Sự nghiệp mà ông trọn đời cống hiến.
BÙI LONG GIANG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.