Thiếu vải, dệt may khó tận dụng ưu đãi trong EVFTA
Toàn ngành dệt may xuất khẩu gần 40 tỷ USD/năm, cần khoảng 10 tỷ mét vải, nhưng khả năng sản xuất vải trong nước mới đạt 2,3 tỷ mét/năm, khó để hưởng ưu đãi trong EVFTA.
Quy tắc xuất xứ từ vải trở đi đã trở thành cản trở lớn của các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu trong việc tận dụng ưu đãi trong EVFTA.
Ùn ùn nhập vải
Báo cáo mới nhất của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hiện tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp dệt may mới đạt khoảng 40 - 45%. Vải sử dụng cho ngành phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu.
Cụ thể, ngành vải may của Việt Nam hiện nay đạt sản lượng khoảng 2,3 tỷ mét/năm, mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu thị trường trong nước. Hơn 7 tỷ mét phục vụ cho làm hàng xuất khẩu đang được ngành này nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc.
“Trong năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 13 tỷ USD vải phục vụ cho ngành may mặc. Vải sản xuất trong nước phần lớn được sử dụng để may quần áo chất lượng trung bình và thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc xuất khẩu”, Báo cáo nêu.
9 tháng của năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, trong đó có vải đã giảm đáng kể. Chi ngoại tệ nhập khẩu vải đạt 8,43 tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân lớn nhất của sự kém phát triển đối với công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra là các ngành sản xuất bông, sợi, nhuộm trong nước đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành vải trong nước, do đó các doanh nghiệp dệt may nội địa vẫn phải nhập khẩu vải để sản xuất hàng may mặc.
Đặc biệt, điểm nghẽn chủ yếu đối với công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may là công nghệ nhuộm vải cũng như công tác xử lý môi trường để phát triển ngành dệt nhuộm vẫn chưa được quan tâm đúng mức, đã hạn chế việc các doanh nghiệp đầu tư sản xuất dệt vải và khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế thời trang.
Ngành dệt may Việt Nam vì vậy chủ yếu mới chỉ dừng ở công đoạn may gia công, hàm lượng giá trị gia tăng nội địa cho sản phẩm dệt may còn rất thấp.
Sau khi xuất khẩu đạt 39 tỷ USD trong năm 2019, duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số trong 6 năm trở lại đây, ngành dệt may có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu, hưởng ưu đãi với 13 FTA đã có hiệu lực.
Song, thực tế 60% tổng kim ngạch xuất khẩu đang do khối FDI nắm giữ, chưa kể xuất khẩu nhiều, nhưng nhập khẩu tăng tương ứng, do hạn chế về nguồn cung nguyên liệu, đặc biệt là vải.
Khó có ưu đãi
Quy tắc xuất xứ từ vải trở đi đã trở thành cản trở lớn của các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu trong việc tận dụng ưu đãi trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), do sản xuất vải vốn là khâu yếu của ngành dệt may.
Mục tiêu đầu tư sản xuất vải từ nhiều năm nay của ngành đã không triển khai được do nghẽn đủ thứ, mà vấn đề lớn nhất là vốn đầu tư, tính khả thi trong thực hiện dự án, suất đầu tư lớn, chi phí cao…
Thành thử tốc độ nhập khẩu vải tiếp tục gia tăng hàng năm, tỷ lệ thuận với giá trị xuất khẩu. Năm 2018, ngành dệt may xuất khẩu 36 tỷ USD, nhưng phải chi 12,7 tỷ USD nhập vải, đến năm 2019, xuất khẩu 39 tỷ USD, thì chi nhập vải đã tăng lên 13,3 tỷ USD.
“Nếu không có vải, một loạt FTA thế hệ mới đã ký kết, trong đó kỳ vọng nhất là EVFTA đã đi vào thực thi từ ngày 1/8, với điều kiện xuất xứ từ vải trở đi sẽ bị giảm giá trị rất nhiều”, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đánh giá.
Nhưng rót vốn làm vải là một kiểu đầu tư đầy rủi ro. Suất đầu tư vải lớn do công nghệ đắt đỏ, mặt bằng chi phí đầu tư tại Việt Nam cao hơn so với các thị trường khác, nên khó có thể giải tổng thể được bài toán đầu tư, tăng nguồn cung vải để tận dụng ưu đãi quy tắc xuất xứ từ EVFTA. Đó là một thực tế.
Theo tính toán của Vitas, để sản xuất được 8 tỷ mét vải đang thiếu, ngành cần đầu tư khoảng 30 tỷ USD.
Điểm tựa lớn để giải bài toán thiếu hụt vải nhằm hưởng ưu đãi là doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng sử dụng vải nhập khẩu tại Hàn Quốc (quốc gia đã có FTA với EU) để cắt may tại Việt Nam.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) phân tích, quy tắc xuất xứ linh hoạt trong EVFTA cho phép nhập vải từ Hàn Quốc để sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang EU, nhưng để thực hiện quy tắc cộng gộp này, Việt Nam và Hàn Quốc cần thống nhất một số nội dung kỹ thuật và cơ chế kiểm tra xác minh xuất xứ của vải nguyên liệu.
Dù có giải pháp sử dụng vải Hàn Quốc để nhận ưu đãi, nhưng chắc chắn tỷ lệ này sẽ không lớn do hiện chỉ có 15,2% lượng vải nhập từ Hàn Quốc, 54,9% lượng vải nhập từ Trung Quốc và 12,1% nhập từ Đài Loan.
Trong báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, những doanh nghiệp dệt may có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang thị trường EU và những doanh nghiệp xây dựng được chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, liên kết trong nội ngành tốt sẽ được hưởng lợi lớn nhất.
Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10, trong tình trạng khó tận dụng ưu đãi từ các FTA do quy tắc xuất xứ, ngành dệt may phải đẩy mạnh đầu tư chiều sâu, đầu tư thiết bị tự động hóa để giảm chi phí, tối đa lợi nhuận. May 10 đã đầu tư khâu cắt tự động, giúp công nhân đỡ vất vả, đạt được độ chính xác cao hơn, những khâu cực khó đều sử dụng robot. Thậm chí, những kỹ thuật hóc hiểm của áo veston nam cũng đã được thay thế bằng máy móc tự động.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thieu-vai-det-may-kho-tan-dung-uu-dai-trong-evfta-d131897.html