Thịnh Mỹ chuyển mình

Thịnh Mỹ là xóm khó khăn nhất ở xã Tân Thịnh (Định Hóa). Những năm gần đây, cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, nỗ lực của nhân dân, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân nơi đây đã dần được nâng lên.

Phát triển kinh tế đồi rừng góp phần nâng cao đời sống cho người dân xóm Thịnh Mỹ, xã Tân Thịnh (Định Hóa). Trong ảnh: Vườn keo của gia đình ông Ma Thanh Bằng, xóm Thịnh Mỹ (ảnh chụp trước ngày 16/3/2020).

Phát triển kinh tế đồi rừng góp phần nâng cao đời sống cho người dân xóm Thịnh Mỹ, xã Tân Thịnh (Định Hóa). Trong ảnh: Vườn keo của gia đình ông Ma Thanh Bằng, xóm Thịnh Mỹ (ảnh chụp trước ngày 16/3/2020).

Xóm Thịnh Mỹ có 152 hộ dân, hơn 600 nhân khẩu, 90% là người dân tộc Tày. Xóm nằm trong diện được Nhà nước hỗ trợ theo Chương trình 135, giai đoạn 2017-2020. Nằm sâu trong thung lũng được bao bọc bởi dãy núi Khuổi Nà, Keo Chắn, từ năm 2016 trở về trước xóm gặp những khó khăn như: Toàn bộ đường vào xóm là đường đất, nhỏ hẹp theo các sườn núi, địa bàn có nhiều khe suối đã ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân nhất là trong mùa mưa lũ. Đất ruộng ít, chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh, vì vậy tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm tới 70%.

Ông Hoàng Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết: Với những khó khăn đó, từ năm 2016 đến nay, xóm Thịnh Mỹ được Nhà nước đầu tư khoảng 15 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng. Đáng kể nhất là xóm được Nhà nước đầu tư 8 tỷ đồng để cứng hóa tuyến đường dài 5km. Để làm tuyến đường này, 50 hộ dân đã hiến hơn 2.000m2 đất. Được hỗ trợ xi măng, năm 2018, xóm vận động nhân dân tiếp tục hiến đất, cùng nhiều tài sản trên đất, ngày công lao động, đối ứng thêm 300 triệu đồng để làm tiếp 2km đường nữa. Năm 2019, xóm tiếp tục được địa phương hỗ trợ mở rộng gần 1km mặt đường tuyến đi Thịnh Mỹ 3. Đến nay, gần 50% đường nội thôn đã được bê tông. Cùng với việc xây mới, mở rộng các tuyến đường, năm 2018 xóm tiếp tục được Nhà nước đầu tư 1 cây cầu bắc qua suối, 650m kênh mương.

Về phát triển kinh tế, nếu trước đây, một số hộ dân chỉ biết cấy mỗi năm một vụ lúa với phương thức lạc hậu, nay đã cấy hai vụ/năm, đưa nhiều giống lúa, ngô mới vào thâm canh hiệu quả. Chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò, dê ngày càng được nhân dân trong xóm chú trọng với tổng gần 200 con. Hiện xóm có 3 hộ trồng các loại cây ăn quả như cam, quýt, hồng với diện tích gần 5ha. Điển hình là gia đình anh Lường Văn Ngữ. Năm 2014, anh mạnh dạn chuyển đổi rừng tạp sang trồng thí điểm 0,5ha cam sành, cam vinh. Thấy mô hình hiệu quả, anh tiếp tục nhân rộng, đến nay đã có 3ha với 2.000 gốc cam các loại. Riêng cuối năm ngoái, anh thu được khoảng 2 tấn cam, thu về trên 50 triệu đồng.

Ở Tân Thịnh, đời sống người dân sống phụ thuộc chủ yếu vào trồng rừng. Bí thư Chi bộ xóm, anh Ma Văn Thanh cho biết: Thế mạnh của Thịnh Mỹ là diện tích đồi rừng, với khoảng 1.000ha. Để phát huy thế mạnh kinh tế rừng, xóm đã tập trung chỉ đạo, khuyến khích người dân trồng và phát triển rừng theo kế hoạch của huyện. Các hộ dân trong xóm cũng thường xuyên được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, được xã triển khai đầy đủ cơ chế, chính sách, dự án, hỗ trợ trồng rừng. Năm 2019, xóm trồng mới được 10ha quế, 5ha keo. Hiện nay, nhiều gia đình ở Thịnh Mỹ có thu nhập trên 100 triệu đồng từ rừng.

Nhờ sự quan tâm của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của người dân, hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xóm đạt từ 14 triệu đồng/năm (năm 2014) nay tăng lên 18 triệu đồng/người/năm. Nhiều gia đình những năm trước đây sống trong nhà lụp xụp nay đã xây nhà mới khang trang, sắm đầy đủ các tiện nghi. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm từ 60% năm 2014 nay xuống còn 38,8%.

Lưu Phượng

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/thinh-my-chuyen-minh-270646-85.html