Thịt lợn đủ cung ứng cho thị trường dịp tết

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi nên từ đầu năm 2019 đến nay sản lượng thịt lợn trên địa bàn tỉnh giảm. Tuy nhiên, đến thời điểm này nguồn cung ứng thịt lợn cho thị trường dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vẫn đảm bảo.

 Điểm bán bình ổn giá mặt hàng thịt lợn tại Siêu thị Coop mart Đông Hà. Ảnh: LT

Điểm bán bình ổn giá mặt hàng thịt lợn tại Siêu thị Coop mart Đông Hà. Ảnh: LT

Trước tình hình thịt lợn tăng giá mạnh trong thời gian qua, nhiều người lo lắng, nguồn thịt lợn trên địa bàn tỉnh sẽ khan hiếm trong dịp Tết Nguyên đán 2020 khiến giá mặt hàng này sẽ tăng cao. Tuy nhiên qua tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù sản lượng thịt lợn có giảm nhưng đến thời điểm này thị trường vẫn đảm bảo cung cầu, đáp ứng nhu cầu người mua phục vụ tết, ít có khả năng xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, đội giá về thịt lợn trong thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý.

Ông Đặng Tứ Minh San, Giám đốc Siêu thị Coopmart Đông Hà, đơn vị được UBND tỉnh giao bình ổn đối với mặt hàng thịt lợn trong dịp tết này khẳng định: “Đến thời điểm này, siêu thị Coopmart Đông Hà không thiếu thịt lợn, luôn đảm bảo phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Chúng tôi chủ động dự trữ nguồn hàng liên tục, đảm bảo cung ứng thịt lợn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trước, trong và sau tết. Đơn vị đã đa dạng hóa nguồn cung ứng đầu vào mặt hàng thịt lợn để có thể duy trì cung cấp thường xuyên mặt hàng này ra thị trường. Bên cạnh thịt lợn tươi bán hằng ngày ở siêu thị, chúng tôi đã nhập trên 10 tấn thịt lợn đông lạnh đảm bảo chất lượng nhằm bình ổn thị trường thịt lợn. Đồng thời đa dạng mặt hàng có thể thay thế thịt lợn để tăng sự lựa chọn sản phẩm tiêu dùng cho người dân trong dịp mua sắm tết. Ngoài địa điểm bán hàng ở siêu thị, chúng tôi cũng cam kết thực hiện bán hàng lưu động phục vụ tết trong đó có mặt hàng thịt lợn ở bất kì địa bàn nào trong tỉnh nếu xảy ra tình trạng tăng giá đột biến”.

Ông Trần Hoãn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, đến tháng 10/2019 thời điểm tái đàn phục vụ nhu cầu dịp tết, toàn tỉnh có gần 200.000 con lợn, giảm khoảng 20% tổng đàn lợn so với trước khi có dịch tả lợn Châu Phi. Dự báo trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi làm ảnh hưởng đến nguồn cung thị trường thịt lợn, thời gian qua ngành nông nghiệp thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích người dân trên địa bàn tỉnh phát triển đàn bò, gia cầm, thủy sản… để tạo ra sản phẩm thay thế thịt lợn. Người tiêu dùng trong tỉnh cũng đã chủ động thích nghi, sử dụng các thực phẩm thay thế khác như gà, vịt, tôm, cá… Qua tình hình tiêu thụ, nhiều khách hàng cũng bắt đầu thay đổi thói quen tiêu dùng đối với mặt hàng thịt lợn. Trước đây, nhiều người chưa tin dùng thịt đông lạnh và chỉ tập trung mua thịt tươi sống tại các chợ, gây mất cân đối cung - cầu và tác động đến giá cả. Nhưng sau những đợt khan hàng và giá tăng cao, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu được bày bán tại các siêu thị trên địa bàn.

So về chất lượng, mùi vị, sản phẩm thịt đông lạnh nhập khẩu không hề khác biệt với thịt tươi trong khi giá ổn định, hiện tại vẫn rẻ hơn 10-15% so với thịt lợn tươi. Vì thế, tại các siêu thị, sức mua mặt hàng thịt nhập khẩu đang có dấu hiệu tăng, góp phần cân đối, ổn định giá trên thị trường trong những ngày gần đây. Ngoài nguồn cung hằng ngày từ hệ thống các siêu thị, các chợ truyền thống được lấy từ các cơ sở giết mổ gia súc, trên địa bàn hiện còn nguồn cung ứng cho thị trường nội địa từ một số cơ sở, trang trại chăn nuôi, chế biến không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hiện giá thịt lợn tươi tại các chợ đã “hạ nhiệt” với mức giảm từ 10 - 20 ngàn đồng/kg so với khoảng 1 tháng trước. Tại các chợ và kênh phân phối khác trên địa bàn thành phố Đông Hà giá thịt lợn tươi đang dao động từ 120-160 ngàn đồng/kg tùy loại thịt. Thời điểm giá thịt lợn tăng cao, do chịu tác động nên giá mặt hàng thịt bò, gà, vịt… có tăng nhẹ nhưng hiện tại đã ổn định trở lại.

Theo ông Lê Quang Vĩnh, Giám đốc Sở Công thương, hiện thịt lợn cung ứng trên thị trường tỉnh lấy từ các nguồn tại địa phương, nhập từ ngoại tỉnh qua các đầu mối kinh doanh, giết mổ và nhập từ nước ngoài qua hệ thống siêu thị. Vì thế, để bình ổn thị trường, đảm bảo an toàn vệ sinh, chất lượng nguồn thịt sống và sản phẩm sơ chế, chế biến từ thịt, các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh đã và đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt các chốt kiểm dịch phía Nam, Bắc của tỉnh, các đầu mối thu mua, giết mổ; kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại các cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi. Ngoài chủ động, đảm bảo nguồn cung, để giúp người dân đón tết cổ truyền an toàn, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân tin tưởng sử dụng đồng thời sản phẩm thịt tươi sống và thịt nhập khẩu cũng như các sản phẩm thịt động vật khác, tránh mất cân đối trong tiêu dùng và được hưởng lợi về giá bình ổn.

Lâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145499