Thịt lợn nhập khẩu: Người mua chưa mặn mà

Để đảm bảo nguồn cung thịt cho thị trường trong nước, hàng ngàn tấn thịt lợn nhập khẩu đã về Việt Nam. Tuy nhiên, giá thịt lợn vẫn tồn tại nghịch lý, dù thịt ngoại có giá rẻ hơn nhiều so với thịt lợn trong nước nhưng người tiêu dùng Việt vẫn không mấy... mặn mà.

Rẻ vẫn “ế”

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây cho biết, tổng lượng thịt lợn nhập khẩu 5 tháng đầu năm đạt hơn 67.638 tấn, tăng 298% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn lợn nhập khẩu chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha và Nga.

Thịt lợn nhập khẩu đòi hỏi phải có thiết bị bảo quản

Thịt lợn nhập khẩu đòi hỏi phải có thiết bị bảo quản

Đây được xem là giải pháp kỳ vọng gỡ khó cho túi tiền của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện tại các siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ lại gần như “vắng bóng” sản phẩm này mà chủ yếu tràn lan trên “chợ mạng”. Tâm lý người dân cũng khá thờ ơ, mặc dù giá thịt lợn ngoại nhập chỉ bằng 1/3 giá thịt nội.

Chị Nguyễn Ly - một kênh bán lẻ thịt lợn nhập khẩu ở khu vực Hà Đông (Hà Nội) - cho biết, thịt lợn nhập khẩu từ Nga, được làm sạch sẽ, giá bỏ sỉ khoảng 90.000 đồng/kg móc hàm và chủ yếu cung cấp cho các bếp ăn công nghiệp, quán cơm và một số khách sỉ lấy bán online… khách lẻ rất ít.

Vừa qua, một số siêu thị tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc như Big C đã triển khai chương trình tuần lễ thịt lợn nhập khẩu. Theo đó, Big C giảm giá đến 34% cho các sản phẩm thịt lợn nhập khẩu từ Ba Lan, Canada. Tuy nhiên, theo đại diện Big C, lượng khách mua rất ít, chủ yếu mua ăn thử vì “lạ”.

Theo đại diện của hệ thống siêu thị VinMart, hiện chỉ có một số cửa hàng VinMart tại các tỉnh miền Nam có bán thịt lợn nhập từ Mỹ, Ba Lan, Brazil, nhưng số lượng rất ít. Nguyên nhân là do nhu cầu của người dân không ưa chuộng thịt lợn đông lạnh và nguồn cung trong nước vẫn đang đáp ứng được.

Khó ở khâu phân phối và thị hiếu tiêu dùng

Mặc dù giá cả cạnh tranh, có lợi cho người tiêu dùng, tuy nhiên người tiêu dùng vẫn còn nghi ngại. Theo chị Nguyễn Thị Hà (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội), thịt lợn nhập có giá thấp hơn nhiều nhưng độ tươi ngon có thể không bằng thịt mới mổ trong ngày. Điều tôi băn khoăn là vì sao giá lại rẻ như vậy liệu chất lượng có thực sự được đảm bảo?.

Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, số lượng hơn 67.638 tấn thịt lợn nhập khẩu trong 5 tháng là không nhiều so với nhu cầu hơn 3,8 triệu tấn thịt lợn/năm. Ở các chợ dân sinh, chợ truyền thống tại Việt Nam hầu như không đủ điều kiện bảo quản bán mặt hàng thịt lợn nhập khẩu. Trong khi đó, siêu thị lại chỉ bán khoảng 10% nhu cầu thịt của xã hội. Và người tiêu dùng, không phải ai cũng biết lên mạng tìm mua thịt lợn nhập khẩu cũng như còn nghi ngại về chất lượng vì mua bán online thiếu sự kiểm soát chặt chẽ.

Ông Phú cũng cho rằng, thịt lợn nhập khẩu chưa thực sự hấp dẫn với doanh nghiệp Việt, mà giảm giá thì có thể dẫn tới bị thua lỗ, do đó sẽ ít doanh nghiệp nào dám đầu tư mạnh vào thịt lợn nhập. Như vậy sẽ càng tăng áp lực cho thị trường trong nước, khi mà thịt trong nước đã sẵn có “vấn đề” về cung - cầu và khâu hệ thống phân phối.

Hơn nữa, tập quán của người tiêu dùng Việt quen dùng thịt nóng, giết mổ trong ngày để đảm bảo sự tươi ngon. Trong khi, thịt nhập khẩu không đủ chủng loại, kém phong phú nên chủ yếu được cung cấp vào các nhà hàng, quán cơm, khách sạn…

Thịt lợn nhập khẩu hiện được bán tràn lan trên chợ mạng với nhiều mức giá phong phú, chỉ từ 85.000 đến 140.000 đồng/kg nhưng rất ít người mua, do đó doanh nghiệp không dám nhập nhiều vì sợ bị lỗ.

Đỗ Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thit-lon-nhap-khau-nguoi-mua-chua-man-ma-138964.html