Thịt nhân tạo: Chìa khóa giúp chống biến đổi khí hậu
Nếu quá trình nuôi cấy không được kiểm soát chặt chẽ, thịt nhân tạo có thể bị nhiễm chất gây rối loạn nội tiết và những chất độc hại khác trước khi ra thị trường
Hàng loạt nghiên cứu khoa học cho thấy người dân ở những quốc gia giàu có ăn nhiều thịt hơn so với mức khuyến nghị đối với sức khỏe của họ hoặc môi trường. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cắt giảm lượng thịt tiêu thụ là yếu tố then chốt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Mô hình nông nghiệp carbon thấp
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với tạp chí MIT Technology Review, tỉ phú Bill Gates khuyên "tất cả quốc gia giàu có nên chuyển sang sử dụng 100% thịt bò tổng hợp" nhằm cắt giảm ô nhiễm. Theo Quỹ Bảo vệ môi trường (Mỹ), bò thải ra khí mêtan có khả năng làm ấm bầu khí quyển gấp 84 lần so với khí CO2.
"Các bạn có thể quen dần với sự khác biệt về mùi vị. Hơn nữa, các công ty chế tạo thịt tổng hợp cũng đã tuyên bố rằng họ sẽ khiến sản phẩm của mình có hương vị hấp dẫn hơn theo thời gian" - nhà đồng sáng lập Microsoft khẳng định, đồng thời cho biết ông sẽ bay ít hơn và ăn nhiều thịt tổng hợp hơn để chống biến đổi khí hậu.
Sinh học tổng hợp là một lĩnh vực hoàn toàn mới, nơi những đột phá về mặt công nghệ cho phép giới khoa học "lập trình" sinh vật sống, bao gồm tái cấu hình ADN của một sinh vật để tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới. Công nghệ này đang được Công ty Beyond Meat (Mỹ) sử dụng để tạo ra bánh mì kẹp thịt chay có hương vị giống thịt thật hơn. Đây là công ty đầu tiên sử dụng trình tự ADN mã hóa từ đậu nành để tạo ra loại thịt trông giống và có vị của thịt bò nhưng được làm từ thực vật.
Giới chuyên gia nhận định Công ty Beyond Meat cùng những công ty sản xuất thịt nhân tạo khác như Eat Just, Memphis Meats (đều của Mỹ), Mosa Meat (Hà Lan) và Aleph Farms (Israel) có thể thành công trong tương lai bởi họ đang nghiên cứu các sản phẩm có cấu trúc như thịt bít-tết và đã đủ năng lực sản xuất quy mô lớn. Tyson và Cargill, 2 công ty thịt truyền thống lớn nhất thế giới, hiện có cổ phần trong Memphis Meats.
Trong nghiên cứu được công bố hồi đầu tháng này, Công ty CE Delft (Hà Lan) khẳng định nếu các cơ sở sản xuất thịt nhân tạo sử dụng năng lượng tái tạo, lượng khí nhà kính phát thải có thể giảm đến 92% so với thịt truyền thống. "Thịt nhân tạo có thể giúp chúng ta đạt được mô hình nông nghiệp carbon thấp với giá cả cạnh tranh, đóng vai trò quan trọng trong việc hướng đến hệ thống thực phẩm carbon trung hòa" - nhà nghiên cứu cấp cao Ingrid Odegard của Công ty CE Delft nhấn mạnh.
Rủi ro không ít
Trong một số trường hợp, theo các nhà nghiên cứu, sản xuất thịt nhân tạo có thể khiến vấn đề ô nhiễm môi trường trở nên tồi tệ hơn. Các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Oxford Martin School - Trường ĐH Oxford (Anh) đã so sánh tác động khí hậu lâu dài giữa thịt nhân tạo và thịt thông thường. Họ khẳng định những nghiên cứu trước đây có xu hướng xem xét nhiều loại khí thải khác nhau từ gia súc và chuyển đổi tất cả về mức CO2 tương đương của chúng. Điều này không cho chúng ta cái nhìn toàn diện về biến đổi khí hậu.
"Với mỗi tấn phát thải, mêtan có tác động lớn hơn rất nhiều so với CO2. Tuy nhiên, mêtan chỉ tồn tại trong khí quyển khoảng 12 năm trong khi CO2 tích tụ và tồn tại trong nhiều thiên niên kỷ" - ông Raymond Pierrehumbert, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. Còn theo ông John Lynch, một đồng tác giả khác, mô hình nghiên cứu khí hậu của họ nhận thấy trong một số trường hợp và về mặt dài hạn, sản xuất thịt nhân tạo có thể khiến trái đất nóng lên nhanh hơn.
"Tác động khí hậu từ quá trình sản xuất thịt nhân tạo sẽ phụ thuộc vào khả năng sản xuất năng lượng bền vững, cũng như mức độ hiệu quả của quá trình nuôi cấy trong tương lai. Nếu quá trình sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm đòi hỏi nguồn năng lượng tương đối dồi dào, nó có thể gây ra tác động tiêu cực hơn so với bò" - ông Lynch giải thích.
Động vật có hệ thống miễn dịch tự nhiên giúp bảo vệ chúng khỏi vi khuẩn và bệnh lây nhiễm. Còn trường hợp của thịt nhân tạo, trong một môi trường giàu dinh dưỡng, vi khuẩn sinh sôi nhanh hơn rất nhiều so với trong tế bào động vật. Trong ngành công nghiệp dược phẩm, quá trình nuôi cấy tế bào được tiến hành trong "phòng sạch", được vô trùng và kiểm soát cực kỳ nghiêm ngặt. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro nhiễm bẩn nhưng lại sản sinh ra rác thải nhựa, vốn đang ở mức báo động trong các hệ sinh thái.
Chưa kể, một số vật liệu nuôi cấy tế bào được làm bằng thép không gỉ, cần được khử trùng bằng hơi nước hoặc chất tẩy rửa và các phương pháp xử lý này cũng gây tác động không tốt đến môi trường.
Ở động vật, khối lượng cơ bắp tăng chậm bởi các tế bào cơ bắp cần thời gian để nhân lên. Để rút ngắn quá trình này trong phòng thí nghiệm, cần liên tục kích thích sự tăng sinh của tế bào bằng các yếu tố tăng trưởng, trong đó có hormone sinh dục đồng hóa. Những hormone này có trong cơ thể người và động vật, cũng như trong thịt thông thường. Chúng kích thích quá trình tổng hợp protein trong tế bào nhằm giúp phát triển cơ bắp. Vì thế, không sai khi ngành công nghiệp thịt mô tả chúng là "các yếu tố giúp tăng trưởng tự nhiên".
Dù vậy, việc lạm dụng chất này trong quá trình sản xuất có thể gây ra những tác động tiêu cực, kể cả với sức khỏe người tiêu dùng.
Tại châu Âu, việc sử dụng hormone tăng trưởng trong nông nghiệp đã bị cấm từ năm 1981. Nếu quá trình nuôi cấy không được kiểm soát chặt chẽ, thịt nhân tạo có thể bị nhiễm chất gây rối loạn nội tiết và những chất độc hại khác trước khi ra thị trường.