Thơ ấu và cánh đồng
Mẹ trao cho tôi một ngọn gió đồng/ Tiếng cu gáy vọng trời xa khó nhọc/ Vết bùn non gót chân ngày đi học/ Để khi xa tôi nhớ lối về làng... (Trần Văn Lợi)
Cánh đồng mùa gặt. Ảnh tư liệu
Tôi vẫn thường nghe vang lên trong lòng mình những câu thơ trên Báo “Hoa học trò” một thuở khi đi qua cánh đồng mùa gặt. Ở đó, trong những phút giây ấy, ấu thơ của tôi cứ trở về ngập lòng…
Không nhớ, đã có biết bao nhiêu buổi chiều như thế, khi hoàng hôn đỏ ối chân trời, khi những chuyến xe chở lúa đã rời cánh đồng, tôi và một vài người bạn lại hẹn nhau ra ngoại ô để đón khói đồng. Thứ khói đốt đồng khiến nhiều người khó chịu ấy mà lại là nguyên cớ để chúng tôi gặp nhau. Tôi tin rằng, ai đã từng có một ấu thơ gắn bó với cánh đồng đều thấy thân thương với mùi khói ấy.
Tôi tin rằng, những ai đã từng có một ấu thơ gắn bó với cánh đồng đều cảm thấy thân thương với mùi khói ấy...
Ảnh Lê Khánh Thành
Nó đâu chỉ là mùi khói rạ đơn thuần. Trong đó ẩn chứa cả mùi nồng của đất ẩm, hương thơm của cây lúa, có mùi thơm lừng của xâu châu chấu vừa chín tới, có mùi của những củ khoai vừa mót được dưới những tảng đất cày… Đó là thứ mùi của hiện tại cũng là thứ mùi của ký ức. Tôi vẫn hằng tin, có những mùi hương của ấu thơ không bao giờ bay đi, nó ăn sâu vào từng hồng cầu, chỉ cần chạm vào một hình ảnh thân thuộc nào đó, tự khắc nó sẽ dậy lên trong khí quản.
Những mùi hương ấy đôi lúc cần một hình ảnh để dậy thơm nhưng hầu như bao giờ nó cũng trả về bao nhiêu hình ảnh của ký ức. Tôi dám khẳng định điều đó khi trong làn khói bay bay giữa ánh nắng chiều tà ấy, tôi đã gặp lại cánh đồng làng tôi.
Trong làn khói bay bay giữa ánh nắng chiều tà ấy, tôi đã gặp lại cánh đồng làng tôi. Ảnh Internet
Ở đó, dáng vẻ tất tả của bà tôi cứ hiện lên thật rõ. Mùa gặt, bao giờ bà cũng là người về sau cùng. Sau khi thu dọn lúa, chất đầy chiếc xe ổ bi cho chú kéo về, bà ở lại bắt đầu nhóm rạ để đốt. Bầy trẻ sau một buổi chiều mòn chân đuổi bắt châu chấu chỉ chờ có thế để bắt đầu nướng những xâu châu chấu béo núc của mình. Dù vướng chân nhưng bà chẳng bao giờ mắng mỏ một câu, chỉ cười hiền nhìn lũ trẻ loem nhoem trong khói đồng vướng víu…
Ở đó, tôi đã thấy lại những bếp lửa dậy thơm mùi cơm mới. Thấy lại dáng mẹ mệt nhọc nhào người theo vòng quay của chiếc cối xay giữa gian bếp để làm cho chúng tôi mẻ cốm mới. Những hạt cốm mẩy tròn được mẹ rang giòn thơm phức, cứ giòn tan trong khoang miệng. Mẹ nhìn chúng tôi ăn ngon lành, nỗi mệt nhọc như cũng tan biến.
Những hạt cốm giòn thơm mẹ dè xẻn, bớt ra làm quà vặt cho chúng tôi vẫn luôn là món ăn ngon nhất, neo sâu vào trí nhớ. Ảnh Internet
Những đứa trẻ lớn lên từ đồng ruộng như tôi, mỗi ngày có thể nghĩ ra bao nhiêu món ăn dân dã, có thể tổ chức với nhau bao nhiêu bữa tiệc trên những tấm lá chuối, lá cọ trải ra giữa đồng nhưng những hạt cốm giòn thơm mẹ dè xẻn, bớt ra làm quà vặt cho chúng tôi vẫn luôn là món ăn ngon nhất, neo sâu vào trí nhớ nhất.
Bây giờ ruộng đồng hầu hết đã phá bờ vùng, hình thành ô thửa lớn. Những đồng lúa vốn dĩ mênh mông giờ đây càng trở nên hoang vu hơn khi chỉ còn trơ gốc rạ. Nó tựa như nỗi trống trải trong lòng người xa quê khi đứng giữa cánh đồng quê người mùa gặt.
Và những đốm lửa rạ giữa cánh đồng cứ sáng lên như muốn soi tỏ những hiện vật của trong ký ức. Ta không thể chạm vào nó mà nó lại khắc tạc vào lòng ta bao nhiêu bức phù điêu của những ngày thơ ấu…
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/van-hoc/tho-au-va-canh-dong/212729.htm