Thơ ca chưa bao giờ đứng ngoài vận mệnh đất nước
Tối 5.2, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI - Đêm thơ Nguyên tiêu 'Nhịp điệu mới' do Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì tổ chức đã diễn ra tại Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu.
Thơ ca luôn đồng hành, hòa quyện với dân tộc
Phát biểu chào mừng Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định: lịch sử thơ ca của dân tộc ta từ khởi nguồn cho đến nay chưa bao giờ đứng ngoài vận mệnh của đất nước. Ở mỗi thời kỳ, từ dựng nước đến giữ nước, thơ ca luôn đồng hành, trở thành vũ khí sắc bén của dân tộc để chống ngoại xâm, chống đồng hóa, để xây đắp nền văn hiến, duy trì sự phát triển dòng giống Lạc Hồng. Hiếm dân tộc nào trên thế giới trong lịch sử phải đương đầu với nhiều cuộc chống quân xâm lược như dân tộc Việt Nam. Và thực tiễn lịch sử cũng cho thấy, hiếm dân tộc nào lãng mạn như dân tộc Việt Nam.
Việt Nam có tướng soái làm thơ, có cả những vị vua là nhà thơ, biết bao chiến sĩ cách mạng cũng là những nhà thơ tiêu biểu của đất nước, của dân tộc. Thơ ca được làm trong các lao tù của đế quốc, được sáng tác trên suốt chặng đường hành quân của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta. Bên cạnh dòng mạch thơ ca chống ngoại xâm, chúng ta có thơ ca xây dựng kiến thiết đất nước khi hòa bình, có thơ ca tham gia công cuộc đổi mới đất nước để bắt nhịp cùng xu thế phát triển của thời đại. Thơ ca như thể hòa quyện với dân tộc, trở thành một phần không thể thiếu của mỗi người Việt Nam.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa vui mừng nhận thấy thời gian qua, đa số các nhà thơ đã nhập cuộc với ý thức trách nhiệm cao trước hiện thực phát triển phong phú và sâu sắc của nước nhà. Các nhà thơ đã có mặt ở Trường Sa, lên biên giới, lặn lội vào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để chứng kiến, trải nghiệm, phản ánh và chung tay cải thiện hiện thực. Nhiều nhà thơ cùng với nhân dân, nhà nước đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc cũng như sát cánh với cả nước chung tay khắc phục thiên tai, phòng chống đại dịch Covid-19.
Không những thế, các nhà thơ còn mạnh dạn soi rọi, khám phá nhiều khía cạnh khác nhau của các vấn đề xã hội và đã có những lý giải, cắt nghĩa theo cách riêng, nhưng đầy sức thuyết phục. Nhiều tác phẩm của các nhà thơ được các tầng lớp độc giả đón nhận và có tác động tích cực, lan tỏa đến đời sống tinh thần của cộng đồng. Nhìn chung văn học, trong đó có thơ ca, đã tham gia sâu rộng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian vừa qua.
Nhập cuộc sâu hơn, nghe kỹ hơn, nhìn tinh tường hơn, cảm nhận và phản ánh chính xác hơn
Hòa trong sự vận động của thế giới hôm nay, xã hội đang có những bước chuyển động lớn. Các hệ giá trị truyền thống dần dần thay đổi, nhiều hệ giá trị mới phát sinh từ thực tế hoặc du nhập từ bên ngoài vào, trong đó có hệ giá trị tích cực, nhưng cũng có những hệ giá trị chưa thực sự phù hợp với bối cảnh của đất nước ta. Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, thực tế trên đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi những người có lương tri, có trách nhiệm phải suy nghĩ, đặc biệt trên hai lĩnh vực là đạo đức và văn hóa.
Nhận thức sâu sắc vấn đề này, Đảng ta đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9.6.2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết 23-NQ/TW năm 2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Những nghị quyết trên vừa nhằm hoạch định khuynh hướng, vừa để văn nghệ sĩ hiểu rõ, hiểu chính xác hơn quan điểm, chủ trương của Đảng trong xây dựng nhân cách, chuẩn mực con người mới, cũng như xây dựng nền văn học nghệ thuật hiện đại mà vẫn bảo tồn được bản sắc cao quý của dân tộc Việt Nam.
Để chủ trương của Đảng được thực hiện tốt và có hiệu quả, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, không thể thiếu sự chung tay góp sức của toàn xã hội, trong đó có các nhà thơ. Thực tiễn đòi hỏi các nhà thơ cần tiếp tục tham gia tích cực vào đời sống xã hội, nhập cuộc sâu hơn, sát hơn, để nghe kỹ hơn, nhìn tinh tường hơn, cảm nhận và phản ánh chính xác hơn những vấn đề đang diễn ra trong đời sống xã hội, cũng như trong tâm tư của mọi cá nhân. Chỉ khi áp sát đời sống, thơ ca mới đạt được sự chân thật, chính xác, bền vững trong ngợi ca, tôn vinh những thành quả tốt đẹp của nhân dân mình, Tổ quốc mình. Cũng chỉ khi áp sát đời sống, thơ ca mới phản ánh và nhận diện, mổ xẻ chính xác các khía cạnh nóng bỏng của xã hội. Và cũng chỉ khi bám sát hiện thực đất nước, những tìm tòi sáng tạo nghệ thuật mới có giá trị, có ý nghĩa và có sức sống bền vững.
Thơ ca không dẫn đường cho mọi người bằng ánh sáng của điện năng mà bằng nhịp đập của con tim. Những tác phẩm lớn luôn hàm chứa cái đẹp, niềm lạc quan, hướng thiện. Nó bày tỏ lòng trân quý con người để hướng tới một tương lai tươi sáng, phồn vinh và hạnh phúc. Đấy là cốt lõi đạo đức của thời đại văn minh. Đạo đức ấy được ủy quyền theo cách trang nghiêm nhất, sùng ái nhất cho mỗi nhà thơ chúng ta.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn tác phẩm của các nhà thơ Việt Nam từng bước vươn ra khỏi biên giới quốc gia để sánh vai và hòa mình với văn học thế giới. Mỗi tác phẩm văn học phải là một sứ giả trên lĩnh vực văn học nghệ thuật Việt Nam ở thời kỳ mới. Mỗi tác phẩm là một tiếng nói xác lập tư cách vị thế của dân tộc ta, đất nước ta trong mắt bạn bè quốc tế…
Cùng nhau viết chung bài thơ của tình yêu thương con người
Trước đó, trong Lời mở cho Ngày thơ lần thứ XXI, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho rằng: Sau 3 năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, năm nay, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI được tổ chức tại một không gian lịch sử, văn hóa lâu đời và linh thiêng của dân tộc: Hoàng Thành Thăng Long.
“Năm 2022, chúng ta vô cùng tự hào khi UNESCO trao Nghị quyết vinh danh nhà thơ Hồ Xuân Hương và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại. Trước đây, UNESCO đã vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh, năm mất của các nhà thơ, nhà văn hóa lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Sự vinh danh đó cho thấy sứ mệnh của các nhà thơ, những nhà văn hóa lớn của Việt Nam và sự đóng góp của họ trong việc tạo ra những giá trị tinh thần nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam và của nhân loại. Đó là sự vinh danh vẻ đẹp sáng tạo, vinh danh tư tưởng nhân văn, vinh danh tinh thần sống của con người Việt Nam và vinh danh một nền văn hóa độc lập và khác biệt mà thơ ca chứa đựng và lan tỏa” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định.
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong lịch sử lớn của dân tộc có lịch sử của thơ ca. Các nhà thơ Việt Nam hết thế hệ này đến thế hệ khác đã đi cùng dân tộc trên mọi chặng đường. Với quyền lực của ngôn từ, với vẻ đẹp của tư tưởng nhân văn và bản lĩnh của mình, thơ ca đã đi qua mọi thách thức, mọi đe dọa và đi qua cả cái chết để mang vẻ đẹp và niềm kiêu hãnh bước vào từng ngôi nhà trên xứ sở chúng ta và nhóm lên ngọn lửa của tình yêu thương con người và những giấc mơ đẹp đẽ cho mảnh đất này.
“Vào thời khắc này, xin các nhà thơ và những người yêu thơ trên xứ sở chúng ta hãy cùng nhau viết chung một bài thơ - Bài thơ của tình yêu thương con người, của lương tri, của giấc mơ tự do và hy vọng bằng những cách riêng của trái tim mình. Xin thơ ca hãy đứng về phía con người, vinh danh con người và bảo vệ con người…” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kêu gọi.
Với chủ đề “Nhịp điệu mới”, 21 bài thơ/tác giả thơ đã xuất hiện trong Đêm thơ, tương đương với con số Ngày thơ Việt Nam được tổ chức. Công chúng được gặp lại hình ảnh của các nhà thơ nổi tiếng giai đoạn Thơ Mới đến thơ kháng chiến chống Pháp như: Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Chính Hữu… Đan xen với đọc thơ, các nghệ sĩ nổi tiếng trình diễn những ca khúc được phổ nhạc từ các bài thơ được công chúng yêu thích.