Thơ ca hãy đứng về phía con người!

Vị trí của nhà thơ chân chính bao giờ cũng là đứng giữa lòng dân tộc mình để sáng tác.

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 giục giã thi nhân nhập cuộc và thơ ca hướng đến con người. Ảnh: Miên Thảo

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 giục giã thi nhân nhập cuộc và thơ ca hướng đến con người. Ảnh: Miên Thảo

Trong lời mở đầu Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã giục giã: “Hãy cùng nhau viết chung một bài thơ, bài thơ của tình yêu thương con người, của lương tri, một giấc mơ của tự do và hy vọng bằng những cách riêng của trái tim mình. Thơ ca hãy đứng về phía con người, hãy vinh danh con người và hãy bảo vệ con người…”.

Vang những tiếng thơ

Có thể thấy, tinh thần ấy được thể hiện xuyên suốt trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21, từ một Đường thơ ăm ắp những câu thơ đầy tính triết lý nhân sinh của các thi nhân từ cổ chí kim.

Trên con đường này, mặc trời có khi mưa ướt áo, khách thơ vẫn dừng bước khi muốn đọc lại câu thơ quen: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (Bà Huyện Thanh Quan), “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ” (Vũ Đình Liên), “Một tiếng chim kêu sáng cả rừng” (Khương Hữu Dụng), “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” (Huỳnh Văn Nghệ), “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,/Có chở trăng về kịp tối nay?” (Hàn Mặc Tử), “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” (Nguyễn Xuân Sanh)…

Cũng có người hứng thú khi gặp câu thơ lạ của thi nhân quen: “Cái không mất thường ở trong nước mắt” của Nguyễn Đình Thi; “Cuốc kêu một tiếng Xuân đi biệt/ Hồn hỡi! Về đi… Thương cố hương” của Nguyễn Du; “Con Người dẫu bị xiềng - vẫn nắm lửa trong tay!” của Bằng Việt… Hoặc được gặp lại những Trần Dần với “Hãy sống như những con tàu/phải lòng muôn hải lý”; Phùng Quán với “Có những phút ngã lòng/Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”; Phùng Cung với: “Đêm về khuya. Trăng ngả màu hoa lý/Tiếng gọi đò. Căng chỉ ngang sông”; Lê Đạt với “Mộng anh hường, tìm môi em bói đỏ/Giàn trầu già khua những át-cơ rơi”…

Tinh thần đó đặc biệt được tỏa sáng ở đêm thơ Nguyên tiêu khi vang lên trong không gian lịch sử văn hóa linh thiêng là những tiếng thơ trầm hùng, bay bổng của các thế hệ thi nhân Việt Nam, từ Thơ mới đến thơ ca kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thơ ca Đổi mới.

Các nhà thơ Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Anh Ngọc, Thi Hoàng… đã trực tiếp đọc thơ trong bao niềm xúc cảm. Có khi niềm xúc cảm ấy rất đỗi giản đơn, bình dị mà có thể gieo vào lòng người triết lý sâu sắc: “Yêu thương mọi biểu hiện của sự sống sẽ mang lại hạnh phúc” - như khi nhà thơ Anh Ngọc đọc những câu thơ: “Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi/Dưới con mèo trái tim tôi đang đập/Tôi nằm nghe nhịp nhàng, thánh thót/Trái tim tôi hòa nhịp trái tim mèo” trong bài thơ “Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi” được ông viết cách đây mấy mươi năm…

Đêm thơ Nguyên tiêu có sân khấu lộng lẫy nhưng khá xa xôi với khách thơ. Ảnh: Miên Thảo.

Đêm thơ Nguyên tiêu có sân khấu lộng lẫy nhưng khá xa xôi với khách thơ. Ảnh: Miên Thảo.

Trách nhiệm nhập cuộc

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đã đến dự và đánh trống khai mạc Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21.

Trong bài phát biểu khai mạc, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, hiếm dân tộc nào lãng mạn như dân tộc Việt Nam, có tướng soái làm thơ, chiến sĩ làm thơ và có cả những vị vua là nhà thơ…

Đánh giá cao khi các thế hệ nhà thơ nhập cuộc với ý thức trách nhiệm cao trước nghệ thuật, phát triển phong phú và sâu sắc của nước nhà, song Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đặc biệt nhấn mạnh: “Thực tiễn, đòi hỏi nhà thơ cần tham gia tích cực vào đời sống xã hội, nhập cuộc sâu hơn, sát hơn để nghe kỹ hơn, nhìn tinh tường hơn, cảm nhận và phản ánh chính xác hơn những vấn đề đang diễn ra trong đời sống xã hội cũng như trong tâm tư của mỗi cá nhân”.

Cũng bởi: “Chỉ khi áp sát với đời sống thơ ca mới tạc được sự chân thật và chính xác, bền vững trong ngợi ca, tôn vinh những thành quả tốt đẹp của nhân dân, Tổ quốc đạt được. Cũng chỉ khi áp sát với đời sống thơ ca mới phản ánh và nhận diện mổ xẻ chính xác các khía cạnh nóng bỏng của xã hội. Và cũng chỉ khi bám sát với hiện thực đất nước, những tìm tòi sáng tạo nghệ thuật mới có giá trị, có ý nghĩa và có sức sống bền vững.

Đường thơ với những 'hộp thơ' kém phần thi vị dù được thắp sáng trong đêm thơ Nguyên tiêu. Ảnh: Miên Thảo.

Đường thơ với những 'hộp thơ' kém phần thi vị dù được thắp sáng trong đêm thơ Nguyên tiêu. Ảnh: Miên Thảo.

Vị trí của nhà thơ chân chính bao giờ cũng là đứng giữa lòng dân tộc mình để sáng tác. Khi đọc thơ sáng tác bằng tinh thần yêu thương, xây dựng thì người đọc sẵn sàng đón nhận, sẵn sàng đặt lòng tin vào các tác phẩm ấy, bởi họ cảm nhận được sự phản ánh, thiện cảm tỏa ra từ trái tim của tác giả”.

Lần đầu tiên cùng bố mẹ đến với Ngày Thơ Việt Nam từ chiều và thưởng thức trọn vẹn đêm thơ Nguyên tiêu tại Hoàng thành Thăng Long, cô bé Nhã Khuê, học sinh lớp 6D Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam bày tỏ niềm hạnh phúc khi được bước vào không gian ăm ắp thi ca.

Nhã Khuê đã cẩn thận ghi chép những câu thơ yêu thích trên Đường thơ để khi rảnh sẽ đọc lại và cảm nhận; cùng bố mẹ xem sách và chọn mua được cuốn tiểu thuyết “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng, tập truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao.

Vào Nhà ký ức, Nhã Khuê ấn tượng về các hiện vật được trưng bày và cảm phục vì dù trong hoàn cảnh rất khó khăn nhưng các nhà văn, nhà thơ vẫn viết hay như thế.

“Con mong được “gặp” thêm ở Đường thơ những câu thơ của tác giả trẻ; mong có sân chơi cho thiếu nhi, có thể là bàn tròn có các nhà văn, nhà thơ trò chuyện, hướng dẫn chúng con sáng tác…”, Nhã Khuê bày tỏ.

Giữa không gian mênh mông của Hoàng thành Thăng Long (dù được mở cửa miễn phí), khách yêu thơ đến với Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 khá thưa vắng.

Ngày hội này không thể “đầy đặn” các hoạt động như sự kỳ vọng của Ban tổ chức (Hội Nhà văn Việt Nam và Hoàng thành Thăng Long).

Cũng bởi, thời tiết chưa chiều lòng người khi trời đổ mưa cả sáng. Cây thơ không có câu đố cho khách thơ thi tài. Quán thơ treo đèn lồng đợi khách thơ ghé bước nhưng gần như vắng lặng cả ngày.

Nhà ký ức nhỏ xinh trưng bày hiện vật quý của các thi nhân Việt Nam do Bảo tàng Văn học Việt Nam chuẩn bị cũng khá vắng người tham quan. Bên “Đường sách” không có nhiều sách thơ và cũng ít người quan tâm hỏi mua… thi phẩm.

Ngoài ra, việc tạo hình những hộp hình vuông “đựng” thơ dù được chiếu sáng để trưng bày dọc Đường thơ nhưng chưa duyên dáng và không thể gợi cảm xúc thi ca cất cánh cho khách thơ.

Sân khấu cho đêm thơ Nguyên tiêu thật lộng lẫy trong ánh đèn, pháo hoa, khói mờ… nhưng thật khó kiếm tìm cảm giác gần gũi, thân thương!

Miên Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tho-ca-hay-dung-ve-phia-con-nguoi!-post625111.html