Thổ Châu - Kiên trung giữa trùng dương

Vậy là chúng tôi đã thực hiện được mơ ước bấy lâu: Tới được và tác nghiệp tại quần đảo Thổ Châu xa ngái, tít tắp giữa trùng khơi, đảo tiền tiêu thuộc vùng biển Tây - Nam của Tổ quốc Việt Nam…

Nguyễn Bùi Hoàng Đệ - chàng trai trẻ vốn tu nghiệp tại ngành xã hội học Đại học Cần Thơ, tốt nghiệp, đầu quân làm hướng dẫn viên của Công ty du lịch biển đảo Puolo Tríp có trụ sở tại Cần Thơ, Rạch Giá (Kiên Giang) và các tỉnh miền Tây hào hứng giới thiệu khái lược về quần đảo Thổ Châu (Thổ Chu) và hành trình mà trong 3 ngày tới đoàn chúng tôi sẽ trải nghiệm... Riêng về tên quần đảo Thổ Châu có từ lâu đời, do chúa Nguyễn Phúc Ánh đặt vào thế kỷ 18. Tên Thổ Chu chỉ xuất hiện qua ngôn ngữ nói sau năm 1975; còn tất cả tên văn bản hành chính, con dấu, địa danh, tên xã, văn bia nơi này đều là Thổ Châu…

Biển Thổ Châu.

Thế là, trên con tàu sức chứa chừng 150 người, nghe nói con tầu được hoán cải từ tàu chiến của Đoàn tàu không số vận tải vũ khí từ Bắc vào Nam thời chống Mỹ nên cũng khá đàng hoàng. Sau 5 tiếng lướt sóng, gặp thời tiết nắng đẹp, biển êm, tàu cập bến Thổ Châu êm dịu. Và, công việc khám phá đảo của chúng tôi bắt đầu...

Thổ Châu - kiên trung giữa trùng khơi

Mùa này, vịnh Ngự biển lặng gió nên tàu cập bến Bãi Ngự. Bộ đội biên phòng cho khách kê khai y tế, đo thân nhiệt rồi mời khách rời cầu tàu lên bờ, lịch lãm, ân cần. Một thị tứ chạy dọc mép biển với chợ, hàng ăn, nhà nghỉ và các quán cà phê. Bên ly cà phê đen nhánh, đặc quánh, với ánh mắt mừng rỡ, ông Nguyễn Văn Thành - chủ quán đã ra đây lập nghiệp từ hơn 30 trước hồ hởi:

- Riêng Thổ Châu có diện tích gần 14km2, là đảo lớn nhất trong quần đảo và có người ở. Đảo cách đất liền 220km và cách đảo Phú Quốc 102km về phía Tây Nam, là vùng đảo tiền tiêu của Việt Nam về hướng này. Trên hải đồ thế giới xưa gọi đây là Poulo Panjang (đảo dài). Ngư dân người Việt có mặt tại đảo khai thác hải sản từ lâu đời, còn thế kỷ 18 thì các Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền và đặt tên cho đảo là Thổ Châu. Sau vụ ngư dân bị giặc Pôn pốt sát hại ngày 10/5 và bộ đội ta lấy lại đảo vào ngày 27 tháng này năm 1975, đảo gần như hết dân sinh sống. Ngày 27/4/1992, tỉnh Kiên Giang đưa 6 gia đình với khoảng 30 người từ xã Kiên Hải ra đảo lập nghiệp, dần dần dân khắp nơi về đây làm ăn sinh sống nên Thổ Châu thanh bình và tươi đẹp dần lên...

Bây giờ Thổ Châu có 635 hộ dân với 2.051 khẩu, dân tộc Kinh chiếm 98,3%... Sống ở nơi đây, mỗi năm phải chuyển nhà 2 lần. Vào mùa gió Tây Nam (tháng 4 đến tháng 8), chuyển từ bãi Ngự sang bãi Dong. Mùa gió mùa Đông Bắc (tháng 9 đến tháng 3 năm sau) lại trở về bãi Ngự. Dân còn nghèo, chưa làm được nhà kiên cố cốt sắt bê tông nên đành như vậy. Còn mối lo lớn nhất của cư dân cho đến nay vẫn là ốm đau, bệnh tật, con cháu học hành... Khi ngồi tàu ra đảo, tôi ngồi bên cặp vợ chồng còn trẻ, anh chồng tên Nguyễn Văn Sáu, bế theo cháu nhỏ 31 ngày tuổi, hỏi chuyện mới hay đến tháng sinh anh đưa vợ về quê sinh, đủ tháng lại vào đón vì đảo chỉ có bệnh xá, vào Kiên Giang mất cả ngày tàu...

Thị tứ Bãi Ngự trên đảo Thổ Châu.

Vậy đấy, bộ đội cùng dân xã đảo Thổ Châu mấy chục năm rồi kiên trung bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió và sứ mệnh bảo vệ biên cương Tổ quốc!

Đúng như lời ông Thành, đảo Thổ Châu có môi trường thiên nhiên tươi đẹp, dưới biển thì những rặng san hô dày đặc với 99 loài dòng lỗ đỉnh, nơi sinh sống của rùa biển quý hiếm và cá tôm muôn loài vô cùng phong phú. Ven đảo là những bãi cát trắng mịn như Bãi Nhất, Bãi Mun, Bãi Dong, Bãi Ngự, tiếp theo là những cánh rừng nguyên sinh hoang sơ, nguồn gỗ phong phú cùng động vật: khỉ, trăn, rắn, sóc đủ loài. Chạy vòng quanh đảo là con đường đổ bê tông, những cơ sở hạ tầng cho tương lai, cho giữ đảo...

Thổ Châu sẽ trở thành một trung tâm dịch vụ nghề cá, du lịch

Tại trụ sở Đảng ủy, UBND xã đảo Thổ Châu, tôi được Bí thư Đảng ủy Nguyễn Trường Vũ và Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Nguyễn Trọng Hồng tiếp chuyện chân tình, cởi mở. Ngoài đảo xa xôi này cũng ít phóng viên, nhà báo có điều kiện đến; còn chúng tôi ra đây không đến cơ sở thì cũng thật thiếu sót. Bí thư Đảng ủy Nguyễn Trường Vũ cho biết:

Hải đăng Thổ Châu - dẫn đường tầu trên cự ly 57km.

Đảng bộ Thổ Châu vừa hoàn thành tốt đại hội nhiệm kỳ hôm 6/5 vừa qua. Nhìn lại thấy tạm bằng lòng với những nỗ lực của 76 đảng viên và 2.000 người dân để có kết quả kinh tế cải thiện đi lên, quốc phòng, an ninh vững. Nhìn đi băn khoăn cũng lắm vì tiềm lực ở đâu, làm gì để dân bám đảo? Trong khi trong đất liền thay đổi chóng mặt từng ngày...

Băn khoăn đó là có cơ sở. Mấy chục năm rồi, bây giờ, cơ sở vật chất của đảo cũng chỉ gồm một tổ máy phát điện mà cũng chỉ cung cấp cho khu dân cư tập trung. Hệ thống nước sạch chưa có, chưa đủ để cung cấp dân sinh... Thu nhập người đi biển, cư dân đảo tiền tiêu nguồn sống chủ yếu nhờ vào biển khơi, nhọc nhằn là thế cũng chỉ thu nhập bình quân 27 triệu/người/năm... Mà khi đời sống khó khăn, mọi mặt hoạt động cũng bị ảnh hưởng theo.

Theo Quyết định 18/2009/QĐ-TTg của Chính phủ thì Thổ Châu được quy hoạch để trở thành Trung tâm dịch vụ ngư nghiệp lớn của cả vùng; 11 năm rồi nào đã thấy dáng hình rõ nét nào đâu? Còn du lịch, đến nay còn sơ khai, chưa có khách sạn, khu vui chơi hay tua tuyến gì… Ngày 19/7/2017, HĐND tỉnh Kiên Giang cũng đã có bàn và quyết định nâng xã Thổ Châu lên cấp huyện. Thực sự đó là tín hiệu rất tốt cho viên ngọc quý trên biển Tây - Nam của Tổ quốc này.

Tác giả làm việc với Bí thư Đảng ủy Thổ Châu Nguyễn Trường Vũ.

Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Trí Dũng Kiên Giang ra đây xây dựng Nhà máy nước đá để phục vụ cho ngư dân đánh bắt hải sản và sinh hoạt trên đảo tâm sự:

- Thổ Châu xa xôi, kéo điện lưới ra đảo là tốn kém và khó khả thi. Nhưng tiềm năng của gió và nắng thì quá tuyệt vời. Tôi mong Nhà nước khuyến khích đầu tư sản xuất điện từ năng lượng mặt trời và gió trùng khơi.

Doanh nhân nghĩ vậy, chắc chắn các cấp cũng phải nghĩ và đầu tư căn cơ cho đảo xa và vị trí đặc biệt quan trọng của quần đảo vì sự chậm trễ là có thật. Mơ ước về một điểm sáng lung linh giữa đại dương của công dân là thế đấy.

Còn Lê Đình Phúc, quê Tiền Hải Thái Bình vào đây trông giữ ngọn Hải Đăng, mỗi năm về thăm vợ con nơi quê xa một lần nhỏ nhẹ:

- Mỗi lần lên ngọn hải đăng, nhìn thấy điểm A1 của đường cơ sở tiếp giáp với đường hằng hải quốc tế, chúng tôi lại thấy trào dâng tự hào được làm việc nơi tuyến đầu Tổ quốc; được dẫn đường cho tầu bạn bè qua lại…

Cách ngày, bần thần, lưu luyến theo tầu trở lại đất liền, Thổ Châu lùi dần phía trời xa, trong tôi dâng trào cảm cảm xúc tự hào: Ôi đất nước đẹp vô cùng, giàu có vô cùng - giầu có cả ở những tấm gương hy sinh vì Tổ quốc thân yêu của chúng ta như những con người chúng tôi vừa gặp. Có ai đó nói rằng “Nhìn Tổ quốc phải nhìn từ biển” - quả chí lý.

Kiên Giang ngày 18/5

Bút ký của Hữu Minh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tho-chau--kien-trung-giua-trung-duong-post80558.html