Thơ có phải là sự ngẫu hứng tức thì?

Thơ có phải là sự ngẫu hứng tức thì? Tức sự, tức cảnh sinh tình phải chăng chỉ là những cảm xúc bất chợt ở thực tại?

Bản chất của thơ ca là nhịp điệu của cảm xúc, tâm trạng và hình ảnh. Đó là sự rung ngân của ý tình trong một khoảnh khắc. Nhưng, đó là khoảnh khắc dồn nén và bùng nổ, nó không phải là khoảnh khắc vụn vặt, hời hợt hay nông cạn. Cái ngẫu hứng của tình cảm thực ra là giây phút bừng ngộ của tinh thần trước một gợi ý nào đó của thực tại sống. Nhìn sâu vào khoảnh khắc của tâm trạng, người ta thấy được chiều sâu của cảm thức về thực tại, của vốn sống, vốn tri thức và văn hóa. Không bao giờ là sự tùy tiện bất chợt, thơ ca phô bày những ẩn ức sâu dày và khắc khoải của người nghệ sĩ. Lánh đục về trong, chọn sự thanh nhàn như là phương cách di dưỡng tinh thần, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thấu suốt cái vô nghĩa của cuộc thế lao xao. Vị Trạng Trình xứ Hải Đông xưa đã giấu trong vần thơ nhàn du những ưu tư, chiêm nghiệm của một đời sống từng trải và thấu triệt. Khi Nguyễn Du viết Những điều trông thấy mà đau đớn lòng là khi trái tim ông đã chất chứa biết bao suy tư về thế sự, về thân phận con người trong thăm thẳm rộng dài của “cõi người ta”. Khi nữ sĩ Xuân Hương thốt lên những lời kiêu mạn mà tha thiết Đừng xanh như lá bạc như vôi ấy là khi bà nhận ra sự thờ ơ bội bạc của lòng người.

Vậy đó, thơ là sự ký gửi trong hình hài con chữ những xao động, khắc khoải dồn nén trong tâm hồn thi sĩ. Viết ra câu thơ đồng nghĩa với tình cảnh bản thân thi sĩ đã không thể chịu đựng hơn được nữa những thôi thúc, vẫy gọi trong lòng mình. Phải cất lời, viết ra, phải biểu đạt nó bằng hình tượng, bằng nhịp điệu, để giải tỏa trạng thái căng thẳng thường trực, lâu dài trong tinh thần chính là phương cách để cá nhân có thể tồn tại, để sống. Sự phô bày đó biến cá nhân thành thi sĩ, và thơ là thứ ngọc trai đã kết tụ từ bao xa xót nhọc nhằn của kiếp sống. Đến đây, ta sực nhớ Rainer Marina Rilke trong tác phẩm “Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi” đã từng nói đại ý rằng, nếu không viết mà có thể chết, khi đó hãy viết; rằng “Ông có thực sự cần phải viết không?”. Đó là câu hỏi cho những thôi thúc mãnh liệt, quyết định đến sinh mệnh của người viết. Trả lời được câu hỏi ấy cũng đồng nghĩa với việc tìm cho mình được lý do để viết hoặc không. Thơ ca, phải đâu là chuyện hứng thú tức thì được, như thế, nó là câu chuyện của những thiêu đốt, trăn trở lâu dài, nhọc nhằn, khổ ải tự sâu thẳm tâm hồn thi sĩ.

Trong một số bài viết gần đây, chúng tôi nhấn mạnh đến khía cạnh an toàn tinh thần của người làm thơ. Đúng vậy, thơ chính là một hình thức, một phương cách để con người cân bằng lại mình, từ đó lan tỏa, chia sẻ, kết nối, tạo cơ hội cho việc tạo dựng những cộng đồng chung sống nhân văn. Theo hướng nhìn nhận này, chúng ta sẽ thấy trân trọng hơn mọi nỗ lực sáng tạo. Bởi lẽ, lựa chọn hình thức thơ, bản thân hành vi đó đã là một ý niệm mang tính thi ca (dù có thể anh ta không tạo ra được cái thực sự gọi là thơ). Phần còn lại thuộc về tài năng. Việc phê phán thơ hay, thơ dở, đa nghĩa hay đơn nghĩa / rỗng nghĩa, sâu sắc hay hời hợt, nông cạn, về bản chất là sự vênh lệch của tiếp nhận do khoảng cách của kinh nghiệm thẩm mỹ, quan niệm giá trị, trình độ văn hóa, tri thức… Bởi thế, thơ vẫn luôn cần thiết trước hết cho tác giả, sau nữa là cho cộng đồng ghi nhận nó, đồng cảm, tiếp thông được với trường văn hóa, thẩm mỹ của tác giả. Các thang bậc giá trị, cấu trúc của nó phản ánh tính đa dạng của mỹ học thơ ca và quan niệm giá trị của thi sĩ.

Thực ra, việc biên chép thành câu chữ, trong ý niệm về cấu trúc của tinh thần sáng tạo: Ý-tình-hình-nhạc-lời/ ý tình-giọng-chữ,… cũng chỉ là việc hiện thực hóa những diễn biến trong thẳm sâu tinh thần của thi sĩ. Văn bản thơ vì thế, có thể xem như cái xác kiều diễm của tinh thần, mĩ cảm, nó đầy giới hạn và là nguy cơ dẫn con người đến những ngõ cụt do việc bị định hướng bởi ngôn ngữ. Chính vì thế, việc tiếp cận một thi phẩm cần thiết phải được đặt trong tính tổng thể của các điều kiện, hoàn cảnh cá nhân, lịch sử xã hội và thời đại. Nếu không như thế, chúng ta sẽ thấy câu thơ của Xuân Diệu đầy kiêu ngạo Ta là Một, là Riêng, là thứ Nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta (“Hy Mã Lạp Sơn”). Tuy nhiên, khi hiểu rằng, đó là tâm trạng của cái tôi cô đơn, khao khát sống, khao khát bày tỏ sự hiện diện của mình, khẳng định giá trị vô biên tuyệt đích của bản thân, nhưng lại không tìm thấy sự sẻ chia, khăng khít nào giữa cuộc đời khi mọi gắn kết truyền thống đã tan vỡ. Tâm trạng ấy của Xuân Diệu là có thật. Nó chất chứa từ những ngày dài sống trong âu lo, hoang mang, tuyệt vọng song hành với niềm khát sống, khát yêu của một trái tim thanh xuân tươi trẻ. Cho đến khi, Xuân Diệu tìm thấy tính biểu trưng trong hình tượng Hy Mã Lạp Sơn, ông lựa chọn nó để ký gửi những tâm sự của cá nhân, nhưng không phải là sự chối bỏ mà là sự vẫy gọi đầy tha thiết: Sống toàn tim! toàn trí! sống toàn hồn/ Sống toàn thân! và thức nhọn giác quan (“Thanh niên”). Chất sống chuyển hóa thành chất thơ sau một quá trình ưu tư lâu dài. Nó là men của đời, là hương của nhựa sống trong hoa trái. Bởi thế, thơ chưa bao giờ là sự dễ dàng lại càng không phải là sự dễ dãi.

Chúng ta phải thừa nhận rằng, các phương tiện biểu đạt nhiều khi bất lực trong việc bày tỏ thế giới nội cảm của người nghệ sĩ. Ý ngoài lời, khó giải hay không thể giải là những cách nói về sự mơ hồ hay bí ẩn phía sau con chữ. Sự bất lực của con người nuôi dưỡng sức sống của nghệ thuật. Sự bí ẩn dựng nên “Những bức tường” (Trương Đăng Dung) nhưng đồng thời cũng là sự vẫy gọi, nó vừa hé lộ mời mọc lại vừa sẵn sàng từ chối, khép kín. Cái khoảnh khắc của tâm trạng kia, như thế, đã ẩn chứa trong nó những năng lượng đầy thách thức bởi là hạt nhân của nguồn sống đủ đầy đến mức căng ứa của đời thi sĩ.

Tiến sĩ NGUYỄN THANH TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tho-co-phai-la-su-ngau-hung-tuc-thi-583336