Thơ Đỗ Anh Vũ: Tổ quốc, tình yêu, gia đình và thế sự
TS Đỗ Anh Vũ được bè bạn xem là một người đa tài. Riêng với thơ, anh luôn đi tới tận cùng cảm xúc và thâu được những hạt muối kết tinh vị mặn cho đời sống nghệ thuật
Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ được bè bạn xem là một người đa tài. Riêng với thơ, anh luôn đi tới tận cùng cảm xúc và thâu được những hạt muối kết tinh vị mặn cho đời sống nghệ thuật. Chùm thơ mới nhất mà anh vừa công bố đã đem đến cho tôi những khám phá về đời sống vô cùng giản dị mà sâu sắc. Tiếp xúc với anh, càng thấy được cái mộc mạc, chân thành. Đọc thơ anh, tôi chạm vào những chất chứa của một tâm hồn giàu suy tư, trăn trở và yêu thương.
Bài thơ Màu xứ sở có thể xem là một bản hùng ca về người lính với tứ thơ khá độc đáo. Khi bàn chân của mỗi con người đã đi khắp bốn phương trời đất nước, được chiêm ngưỡng biết bao màu sắc, bao vẻ đẹp của đất nước mình, thì rồi một ngày bỗng nhận ra rằng cái sắc màu nổi trội nhất trên mảnh đất quê hương chính là màu xanh của sông nước, của núi non, của cây lá và đó cũng chính là màu áo của những người chiến sĩ:
“Chân đi khắp bốn phương trời đất nước
Những điểm cực cùng, xanh núi xanh sông
Những người lính ở đâu tôi cũng gặp
Quân phục xanh như mây nước trập trùng
Người lính giữ màu xanh như hy vọng
Trong sắc lá cây trên dãy tai mèo
Màu tổ quốc là màu xanh áo lính
Năm tháng cuộc đời mãi mãi mang theo.”
Sang đến những bài thơ tình, Đỗ Anh Vũ đã có một liên tưởng so sánh thật thú vị khi anh ví hai người yêu nhau như những bài thơ tìm đến nhau. Và khi đã trao tất cả cho người mình yêu trong một nỗi nồng nàn say đắm mê si thì cuộc đời anh chỉ còn là một bài thơ đã tan vần rã nhịp. Thể song thất lục bát lâu rồi ít có người sử dụng được anh làm sống dậy:
Liệu có thể hay không có thể
Thêm một lần yêu dễ dàng đâu
Không còn kịp nghĩ. Vực sâu
Khi anh rơi xuống một bầu trắng trong
Nhòa hết mọi hình cong đường thẳng
Làn sương nào giăng trắng hư vô
Đời anh thành một bài thơ
Tan vần rã nhịp bất ngờ trao em
Được ở bên em, với anh là mùa xuân bất tận. Đất trời cũng như trẻ lại, đời tinh khôi, háo hức, bỡ ngỡ và mê say: Mùa xuân như đứa trẻ lên ba (Thêm một mùa xuân). Đôi lứa trao nhau tình yêu ở chốn linh thiêng. Tình yêu là nhịp đập trái tim của khắc giờ hiện tại và khát vọng tương lai. Tình yêu là sự giao hòa của đất trời, khoảnh khắc trao gửi kì diệu ấy đã tượng hình một mùa xuân mới, một mầm sống, để xanh tươi thêm cuộc đời và năm tháng. Vũ đã sáng tạo tình yêu trong một thế giới nhiệm màu: “Mùa xuân, ngôi chùa, anh và em, mặt đất, đứa trẻ”. Tứ thơ đi giữa đời và đạo, thực và ảo, chính là gương mặt tình yêu, gần đến hữu hình lại xa như thể vô hình.
“Anh dắt tay em và dắt cả
Mùa xuân như đứa trẻ lên ba
Cùng đi lên một ngôi chùa nhỏ
Nghe dưới chân mình đất hát ca
Có phải em mang nghìn xuân trước
Để tượng hình thêm một mùa xuân
Anh như nước chảy tan trong đất
Hơi thở em trao ấm thật gần”.
Từ tình yêu đôi lứa sang đến những bài thơ cho con, như thơ Vũ không hề ồn ào, đại ngôn, mà nhiều khi chỉ là “Những gì lặng im” để chiêm nghiệm, ngẫm ngộ. Vũ nâng niu, trân trọng dấu vết tiền nhân. Anh nối Tổ quốc xưa và nay bằng cây cầu tình yêu, để thấy được những giá trị lịch sử bất biến, lắng tiếng thì thầm của cha ông gần gụi, chứa chan ân tình. Anh ru con bằng tiếng của ngàn xưa và cũng lồng vào một đạo lý dân tộc, đó là truyền thống uống nước nhớ nguồn. Những đứa trẻ lớn lên lại hát tiếp khúc hát của cha ông thuở trước.
“Chỉ còn lại tiếng đồng hồ
Tích ta tích tắc vọng từ đêm khuya
Có gì thực đã trôi đi
Có gì mãi mãi chẳng hề cách xa
Bao tiền nhân đã bay qua
Trang văn ở lại mở ra cuộc đời
Bây giờ đến các con tôi
Học từ trong sách những lời ngàn xưa
Quê hương biết mấy nắng mưa
Mồ hôi cha mẹ sớm trưa đã từng
Bờ tre giếng nước con đường
Dòng sông thuở trước, mảnh vườn hôm nay
Ngủ đi con ngủ giấc say
Tiếng đồng hồ vẫn đổ đầy đêm khuya
Ngày mai mỗi bước con đi
Sẽ mang theo cả những gì lặng im…”
Vũ cứ thế, giữa bộn bề công việc vẫn dành thời gian để trọn vẹn thiên chức người cha. Đọc thơ anh, ta vui lây niềm hạnh phúc khi người cha thấy các con lớn lên từng ngày, từ những điều giản dị. Có lẽ sự trong sáng, hồn nhiên từ tâm hồn nghệ thuật của Vũ đã đưa anh tới sự thành công ở mảng thơ thiếu nhi. Anh viết cho con, cho thế giới non tơ, tự nhiên như một hơi thở. Không thế, Vũ chẳng thể có những câu thơ như lấy từ đôi môi non để rung động lòng người như trong bài Xem con lớp Một chào cờ:
“Đã bao lần, đã bao lần
Con chào cờ với tinh thần nghiêm trang
Mà sao cờ chẳng chào con
Cứ im lặng mãi như buồn thật lâu?”
Mỉm cười bố khẽ xoa đầu
Lắng nghe trong gió thật sâu có lời
Cờ chào con đấy con ơi
Bằng bao xương máu của người hy sinh.”
Một câu chuyện thường ngày của cha con đã trở thành một bài học về lòng biết ơn. Giá trị giáo dục qua thơ Vũ, trở nên dễ nhớ, dễ thuộc mà lắng đọng sâu sắc, không phải những lời răn giáo điều, khô khan.
Lòng biết ơn sẽ là nền tảng tinh thần, để tâm hồn đứa trẻ nảy nở trong sự lương thiện. Những đóa hoa từ tâm đã trổ từ thơ Vũ. Tôi tin, một người làm cha tử tế như Vũ sẽ có những đứa con ngoan. Không chỉ ươm xuân trong tình cảm lứa đôi, anh còn mang mùa xuân vào những cuộc chơi con trẻ. Với chuyến về nguồn trong bài thơ Đưa con thăm Văn Miếu, Vũ như tổ chức trò chơi để con được say mê trong một thế giới lạ lẫm:
“Con vào Văn Miếu hôm nay
Khuê Văn Các đã ươm đầy nắng xuân
Đinh Lê rồi lại Lý Trần
Biết bao triều đại thăng trầm thịnh suy”
Con trẻ là nụ hoa đầu đời, đến với thế giới này để bắt đầu, hàn gắn, yêu thương và hy vọng. Thơ Vũ chớp lấy những khoảnh khắc đẹp như một bức tranh:
“Bàn chân con bước như hoa
Ngỡ như bóng của ngày qua bước cùng”
Con trẻ là tương lai của đất nước, được nuôi dưỡng từ bầu sữa quá khứ và hiện tại, mà cha ông đã đổ mồ hôi, nước mắt và máu xương để tạo dựng thành quả. Trên nền tảng vững vàng ấy, Vũ đặt niềm tin tưởng, hy vọng, lớp măng non sẽ lớn lên, kế thừa truyền thống, để đưa đất nước đi xa:
“Song toàn văn võ kiên trung
Hàng bia tiến sĩ điệp trùng thời gian
Rạng ngời mặt giếng Thiên Quang
Biết bao linh khí giang san tụ về
Cha ông nâng bước con đi
Viết trang lịch sử của thì tương lai”
Nếu Tổ quốc được nhìn từ những hy sinh của cha ông để trở nên hùng vĩ, bao la; tình yêu được viết trong sự chân thành say đắm để rạo rực bừng thức sức xuân trẻ trung; những cuộc chơi trở thành bài học giản dị để con trẻ biết trân trọng, lắng nghe tiếng ngày quá khứ; thì với bài thơ Giấc mơ đàn chó, Vũ viết như một câu chuyện ngụ ngôn. Yêu thương chính là mạch nguồn tươi sáng, ấm áp và chủ đạo trong bức tranh tâm hồn tác giả:
Đêm qua tôi mơ thấy
Một đàn chó qua cầu
Chó con thì chạy trước
Chó mẹ lại theo sau
Chao ôi con chó mẹ
Gần bằng nửa con trâu
Chỉ nhìn tôi, không cắn
Rồi khịt mũi quay đầu
“Chó con thì mừng rỡ
Chạy đến chơi với tôi
Tôi bắt tay, sờ trán
Cả hai làm nhau vui”
Thể thơ ngũ ngôn với lối tự sự đặc trưng rất tự nhiên, Vũ dẫn dắt độc giả vào thế giới nội tâm của mình để rồi đưa đến một cái kết thật bất ngờ, đầy suy tư mà cũng lấp ló một ý vị hài hước:
“Chao ôi cây cầu ấy
Mà đàn chó đã sang
Là hai thanh gỗ ghép
Người đi chẳng dễ dàng
Bỗng nhiên tôi tỉnh ngộ
Trong cõi thế gian này
Có những điều giản dị
Như từ đêm sang ngày
Nhiều việc người hơn chó
Nhiều việc chó hơn người
Có người và có chó
Mới thành ra cuộc đời!”
Bài thơ tưởng bình đạm mà hé mở một nội tâm sâu sắc. Anh luôn trăn trở về con người và cuộc đời. Thơ không đơn thuần hàm chứa cảm xúc mà còn là cách anh thanh tẩy bản thể để tự hoàn thiện mình. Đấu tranh với bản thân là một cuộc chiến không dễ. Và Vũ không bao giờ dễ dãi với chính mình.
Tôi rất yêu thơ Đỗ Anh Vũ bởi thơ anh đem đến cho tôi cảm xúc trong trẻo, hồn nhiên mà không kém phần sâu sắc. Quý Vũ, nhưng tôi chưa ép mình viết về anh bao giờ. Từ trong những khoảnh khắc tự nhiên nhất, những bài thơ của anh đã bật mầm, thôi thúc tôi phải viết một điều gì đó về người nghệ sĩ tài hoa, ấm áp này. Chùm thơ Vũ vừa công bố cho tôi một cách tiếp cận mới về đề tài tổ quốc, tình yêu, thiếu nhi và thế sự. Viết và cảm nhận về Đỗ Anh Vũ cũng chính là cách tôi tiếp cận với một giọng thơ đương đại mới mẻ, từ đó thêm trân trọng những giọt mồ hôi của một người luôn nghiêm khắc với bản thân trong lao động nghệ thuật.