'Thợ đụng' chạy sô tìm Tết

Sáng sớm, ngay góc chợ hàng trái cây chợ đầu mối Hòa Cường, quận Hải Châu (TP Đà Nẵng), có một nhóm người đàn ông đang đứng co ro, khoanh tay trò chuyện giữa trời giá lạnh. Họ là những 'thợ đụng' đang đợi việc với hy vọng kiếm thu nhập để trang trải cho một cái Tết đang đến sát ngay bên cạnh.

Co ro chờ việc

Thời tiết Đà Nẵng những ngày này mưa lạnh, gió rét buốt, giữa lúc hàng nghìn lao động tự do đang tất bật mưu sinh trong những ngày cận Tết. Thời gian cuối năm, hàng hóa về nhiều, đây là cơ hội để nhóm thợ đụng “chạy sô” kiếm thêm một khoản thu nhập lo toan cho gia đình dịp Tết.

Hai tay đút túi quần, đứng co ro dưới góc chợ hàng trái cây ở Chợ đầu mối Hòa Cường, ông Bình (70 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) chờ “dài cổ” những chuyến bốc vác, chở hàng. Làm nghề này đã 31 năm thế nhưng chưa bao giờ ông phải đứng co ro chờ khách như thế này. Đứng từ 2 giờ sáng, sẵn sàng chờ người gọi giao việc, thế nhưng lúc này đã 5 giờ sáng, ông mới chỉ có được 2 chuyến, một chuyến 65.000 đồng và 1 chuyến 60.000 đồng.

Bà Trần Thị Tàu (65 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cần mẫn cùng hội chị em cắt lưới cho ngư dân để lo cho Tết. Ảnh: Thái Lâm

Bà Trần Thị Tàu (65 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cần mẫn cùng hội chị em cắt lưới cho ngư dân để lo cho Tết. Ảnh: Thái Lâm

Khách vắng, ông Bình chỉ biết đứng đút tay trong túi quần, lắc lư người, rít điếu thuốc cho đỡ lạnh. Ông tâm sự, gia đình làm nghề “thợ đụng” mấy đời rồi, nghề này tuy vất vả, nhưng được cái ngày nào cũng có việc, tạm đủ ăn và lo cho con cái ăn học tới nơi. Ngày thường ông đi 4 giờ sáng, thế nhưng dịp cận Tết này, nhiều thợ quá nên phải dậy đi từ 1 giờ sáng để kiếm khách, nếu không hôm đó sẽ về tay không hoặc chỉ được ít chục nghìn cầm về.

Quanh năm bộn bề cơm áo, gạo tiền, chút thời gian còn lại của năm cũ, những người “thợ đụng” vẫn miệt mài tận dụng khoảng “thời gian vàng” để kiếm thêm thu nhập, với hy vọng kiếm thêm chút tiền để lo Tết. Gánh trên vai nỗi lo cơm áo, những mảnh đời ấy vẫn tìm thấy niềm vui nho nhỏ và sự yên bình của mình vì đã có thể lo cái Tết trọn vẹn hơn cho gia đình theo cách riêng.

Khi được hỏi tại sao không làm nghề khác có thu nhập khá hơn, ông Bình cho hay: “Mấy năm trước, tôi còn khỏe, ngoài việc bốc vác ở chợ, tôi thường hay đi làm việc vặt công trình. Bởi thời điểm cuối năm, công trình sẽ ưu tiên cho việc tân trang, sửa chữa mặt tiền hoặc nội thất như quét vôi, lăn sơn, hàn xì cửa cổng hay tân trang phòng khách... Thợ chính họ không làm mấy việc vặt đấy nên đây chính là cơ hội cho các "thợ đụng" có khiếu "biết mỗi thứ một ít" kiếm tiền. Mấy năm đổ bệnh, sức khỏe yếu dần nên tôi chỉ có thể làm bốc vác thôi”.

Đang nói chuyện, một người phụ nữ kéo theo một xe hàng đằng xa gọi: “Ông Ba! Ông Ba! Chở giúp tui hàng về cho khách ở chợ Cồn giùm tui với!”. Có khách thuê chở hoa quả, rau củ đi giao đến các chợ lẻ với giá mấy chục nghìn. Lúc này trời vẫn mưa rả rích, ông Ba Bình vội vàng rít hơi thuốc cuối rồi trùm lên người chiếc áo mưa rách đuôi, bạc màu rồi hào hứng nói với mấy người trong nhóm: “Bữa trước có hứa với đứa cháu gái út sẽ mua cho nó bộ quần áo ăn Tết. Hôm ni rứa là đủ tiền mua cho nó rồi!”. Cả nhóm ai nấy cũng đều cười lớn.

Ông Bình may mắn có thêm một cuốc chở hàng mới. Ảnh: Thái Lâm

Ông Bình may mắn có thêm một cuốc chở hàng mới. Ảnh: Thái Lâm

Chăm chỉ để Tết có bánh chưng nhân thịt

Trong khi nhà nhà náo nức sắm sửa đón Tết, thì những người “thợ đụng” vẫn miệt mài làm việc từ mờ sáng đến đêm, với nỗi lo làm sao để có một cái Tết tạm no đủ cho gia đình.

Ngồi trên chiếc xe máy cũ đã chinh chiến bao năm, tay cầm điếu thuốc, tay thọc túi áo, anh Trần Văn Tến (52 tuổi, trú quận Cẩm Lệ) cho hay, vào thời điểm cận Tết, có rất nhiều nơi tuyển nhân viên thời vụ đóng gói hàng, dọn vệ sinh tại nhà mà không đòi hỏi kinh nghiệm, nên anh đăng ký xin đi làm ngay.

Bà Nguyễn Thị Tình (55 tuổi, quê Thanh Hóa) chọn việc nặng nhọc trên công trường để kiếm thêm thu nhập cuối năm

Bà Nguyễn Thị Tình (55 tuổi, quê Thanh Hóa) chọn việc nặng nhọc trên công trường để kiếm thêm thu nhập cuối năm

“Tháng trước, tôi có đi đóng hàng cho một cửa hàng rượu, được trả công 26.000 đồng/giờ, công việc liên tục trong vòng 12 tiếng. Tuy lượng công việc và thời gian làm khá nhiều, nhưng mức thu nhập rất ổn, cũng không phải di chuyển nhiều nên tôi cảm thấy khá hài lòng. Thế nhưng vì đường xa, nhà lại có con nhỏ nên tôi xin nghỉ”, anh Tến chia sẻ.

Nghe anh Tến kể, một anh đồng nghiệp đứng bên lắc lư người góp chuyện: “Mấy ngày trước, lúc vơi khách có khi tôi còn trông giúp quán để bạn ‘kiếm cuốc xe ôm’ khi thấy du khách không rành đường và muốn kiếm phương tiện trở về khách sạn. Lúc thì bận rộn làm điện, nước, sơn nhà cho người ta... Kiểu là việc gì cũng làm, miễn là lương thiện và có thu nhập, một đồng thu nhập dù ít ỏi giờ cũng là quý lắm để họ lo cho gia đình nhỏ của mình, để có bánh chưng nhân thịt”.

“Thợ đụng" - là câu người ta thường đùa khi ai hỏi về công việc. Một vài người thì cười khi nghe câu trả lời hài hước đó, còn tôi thì thấy ở đó cả một sự nghiêm túc, nhất là về sự chăm chỉ, chịu khó, ham học hỏi. Do đó người xưa có câu "Một nghề cho chín còn hơn 9 nghề", câu nói này không sai. Nhưng nếu cả 9 nghề đều chín thì càng đáng quý. Hoặc ít ra dù một nghề chưa chín muồi, thì ít nhất cũng có thể dựa vào 8 nghề biết qua, biết sơ để sống. Quan trọng vẫn là siêng năng, cần cù.

Khoảng 6 giờ sáng, công việc vơi đi, trời mưa lớn, nhiều nhóm “thợ đụng” tụ tập lại một chỗ để nghỉ ngơi, tổng kết lại thành quả sáng nay. Tôi theo chân một nhóm thợ vào quán cà phê ngay góc chợ. Một người đàn ông tên Ba (quê ở Huế) nhanh nhảu hỏi: “Ngày ni làm ăn được không mấy chú? Chứ tui mới được mấy chục thôi!”. Nhâm nhi ly cà phê đen, một người đàn ông tên Định cười bảo “Đủ mấy cái bánh chưng nhân thịt cho Tết thôi chú Ba ơi!”.

Không một lời ca thán, chẳng một lời oán trách tại sao ông Trời không cho mình một cuộc sống bớt cơ cực hơn, những người “thợ đụng” chỉ biết tập trung làm việc, mưu sinh với lao động nghèo chưa bao giờ là dễ dàng bởi họ phải bán sức mới có tiền nuôi gia đình. Khuôn mặt khắc khổ, thân hình nhỏ bé nhưng không biết họ lấy từ đâu nguồn sức lực dồi dào đến như vậy. Dậy sớm, thức khuya làm việc nhưng dường như họ lúc nào cũng trong trạng thái tinh thần tỉnh táo nhất.

Tất nhiên, cũng không phải ai cũng có thể đảm bảo được đủ năng lượng cho những ngày ròng rã làm việc như vắt kiệt sức lực như vậy. Trong ánh mắt của nhiều “thợ đụng” vẫn hiện lên sự mệt mỏi, nhưng gắng gượng để hoàn tất công việc mưu sinh vất vả.

Những ngày tận cùng của năm, mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, mỗi nghề nghiệp khác nhau nhưng những người “thợ đụng” phải oằn mình chống chọi với cái rét đều đang tranh thủ từng ngày, từng giờ để “cóp nhặt” thêm ít tiền với mong ước mang đến cho gia đình một cái tết tươm tất hơn.

Thái Lâm

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tho-dung-chay-so-tim-tet-post1499853.tpo