Thơ 'Không đề' - Nên chăng?
Lâu nay, ta đã bắt gặp đây đó những bài thơ mang tên 'Không đề' - đăng trên báo chí và in trong các tập sách. Hiểu nôm na là nếu những bài thơ khác có tên ('tít', nhan đề) thì những bài này không có tên. Vì sao?
Vì tác giả cố ý hay vì nghĩ mãi không ra cái tên nào khả dĩ, vừa ý, nên mới đành để là … không đề. Có lẽ khả năng thứ hai nhiều hơn. Những bài tầm thường, dở, vô thưởng vô phạt thì chẳng nói làm chi, bởi người đọc không để ý. Riêng với những bài được, thậm chí hay thì rõ là đáng tiếc. Chẳng khác gì con người vậy. Hãy hình dung một ai đó gây được ấn tượng thú vị cho người tiếp xúc, ai cũng có thiện cảm, thích quan hệ, lại không có tên gọi khiến người ta chỉ nói: Cái cô ấy, cái anh nọ, ông cao kều kia, bà gày nhom đó…
Nếu là một bài thơ hay, ai đọc cũng thích thú khiến người ta phải thuộc, rồi lưu truyền, rồi mách bảo nhau tìm đọc, lại không có tên, thì biết nói với nhau thế nào, chẳng lẽ cứ lôi cái câu đầu tiên ra để xướng lên thay cho tên bài thơ, bởi trên đời này có vô vàn bài không đề, làm sao phân biệt? Ví dụ: Nếu Hữu Loan không đặt tên cho bài thơ nổi tiếng của mình là “Màu tím hoa sim”… mà để là Không đề thì đến nay mỗi khi nhắc bài này không lẽ chúng ta lại nói đó là bài “Nàng có ba người anh đi bộ đội”… (Câu đầu)? Bởi nếu nói bài “Không đề” (giả dụ) thì ai lần ra được! Cũng như vậy với bài “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi, phải gọi là bài “Sáng mát trong như sáng năm xưa” sao?
Chắc chắn chúng ta dễ dàng thống nhất với nhau: Có thể khó tìm tên thật hay, thật phù hợp cho một bài thơ, nhưng không phải là bó tay, bất lực. Có bài đặt tên rất dễ dàng, nhưng lại nhiều khi khó khăn, nghĩ mãi không ra tên vừa ý. Vấn đề là phải động não, kiếm tìm. Không ít trường hợp bài thơ đã hoàn chỉnh, không thể sửa chữa thêm gì được nữa, và viết ra nó chỉ trong thời gian một, vài giờ, thậm chỉ mấy phút. Vậy mà cả ngày, có khi cả tuần, cả tháng sau vẫn chưa nghĩ được ra cái tên. Thế là nhiều người bèn để là “Không đề” cho xong việc, chấm hết việc trăn trở miên man, vừa mệt vừa ảnh hưởng đến những việc khác cùng lúc đang theo đuổi.
Tôi xin mạn phép một vài tác giả của những bài thơ được dẫn sau đây để bày tỏ cảm giác đáng tiếc khi các anh, chị đã đặt tên cho những bài thơ khá hay của mình là “Không đề”. Trong tập thơ “Mưa cỏ” (NXB Quân đội nhân dân), Hải Đường có bài thơ sau đây gây ấn tượng khá mạnh cho người đọc, bộc lộ rõ bút lực sung mãn của anh trong lĩnh vực sáng tác thơ:
Gió thổi miền chờ, tóc em hương bưởi
Gió lùa khe cửa em không nhà
Gió lay hoa bằng lăng tím đất
Chăn chia rồi, đủ ấm không em?
Gió quật ngã những cây cổ thụ
Nơi tâm bão, trời ơi em ở đó!
Chiều nay lặng gió
Sao em chưa về?
Xin miễn phân tích để bạn đọc tự cảm nhận. Bài thơ hay là như vậy mà tác giả đã đặt tên là “Không đề”.
Hãy để ý 4 trạng thái của gió (gió thổi, gió lùa, gió lay, gió quật ngã) đều được tác giả cho in nghiêng, nghĩa là lưu ý người đọc đặc biệt suy nghĩ về nó. Vậy sao không đặt tên bài thơ là “Gió” thay vì “Không đề”? Liệu có phải vì tác giả sợ ít nhiều lặp lại Tế Hanh với bài “Bão” nổi tiếng từ mấy chục năm trước? Không! Không thể ngại điều này vì Gió và Bão khác nhau, gió gây cảm giác dễ chịu, mát mẻ, nếu không cũng chỉ là sự giá rét nếu là gió mùa Đông Bắc, còn bão thì khốc liệt, tàn phá, để lại hậu quả khôn lường.
Thúy Bắc là một nữ sĩ không xa lạ. Thơ chị luôn trăn trở nhiều nỗi niềm. Bài “Vô đề” sau đây thật hay:
Nhiều năm em đợi anh
Gió đêm về hoang dại
Đặt tim người trở lại
Ngày em đi lấy chồng
Mây buông dải tang thầm
Tiễn một đời con gái.
Xót xa, buồn tủi, tiếc nuối, đau thương đến thế là cùng như một ngày đưa tang ai đó ruột thịt, thân thích lắm. Vâng, mây đã để tang cuộc đời người con gái như là sự kết liễu số phận cô, vì còn ý nghĩa gì nữa đâu, khác nào em đã chết do đi lấy kẻ khác làm chồng mà không phải là lấy anh. Chỉ có 6 câu mà gieo vào người đọc rất nhiều cảm xúc dư dả, đầy ắp, trĩu nặng. Thật uổng phí thay khi bài thơ mang tên “Vô đề”. Sao không đặt tên bài thơ rất hay này là “Ngày em đi lấy chồng” hoặc… “Tang!”. (Cái tên thứ hai sẽ rất độc đáo, phải đọc xong bài thơ mới hiểu vấn đề, sẽ chẳng hình dung được tác giả nói gì trước khi đọc).
Trong tập “99 bài thơ hay về mẹ” (NXB Hội Nhà văn), Trần Quốc Thực có một bài thật cảm động với những câu:
Mẹ ơi áo mẹ mười năm nắng
Tóc mẹ phơ phơ dáng lặng thầm
Mẹ ơi tay mẹ mười năm trắng
Chân mẹ mười năm mưa nắng ngâm…
Bài thơ có 3 khổ 4 câu. Phần dẫn ở trên là khổ giữa. Đọc cả bài thơ ta thấy toát lên một tình thương vô cùng sâu nặng, bình dị và ấm áp của tác giả đối với người mẹ của mình nơi quê nhà. 10 năm! Chắc tác giả muốn nói đó là quãng thời gian xa cách, không thể gặp mẹ (có thể là đi bộ đội hoặc công tác đặc biệt gì đó ở xa). Người đọc bắt gặp tình cảm của mình dành cho mẹ mà tác giả đã nói hộ. Trong trái tim mỗi chúng ta đều có tình cảm lớn lao dành cho mẹ như thế. Vậy mà Trần Quốc Thực cũng đề tên bài thơ là “Không đề”. Với bài này, có thể mang tên “10 năm” hoặc “Mẹ”.
Trong giới lý luận phê bình văn học, có một người viết là Đinh Quang Tốn. Nhưng ông còn làm thơ trước khi viết lý luận. Thơ ông chân tình, mộc mạc, thuyết phục người đọc bởi trái tim đôn hậu, dào dạt tình người, tình đời với lối nói dung dị, không một chút màu mè, tô vẽ. Trong tập “Trăng suông” (NXB Hội Nhà văn), ông có tới hai bài mang tên “Không đề”. Đây là bài “Không đề 2” khép lại tập thơ (Vì trước đó đã có một bài có tên này):
Sắc thơm dần sẽ nhạt
Hương thơm rồi cũng hao
Quy luật mọi người hiểu
Vô tư có ai nào?
“Ngũ thập chi thiên mệnh”
Mọi người cứ nói hoài
Sao dòng đời mải miết
Thanh thản nhìn mấy ai.
Tác giả không có ý lên giọng triết lý mà muốn tâm sự, gửi gắm đến cuộc đời một lời nhắn nhủ: Đã ở tuổi “tri thiên mệnh”, sống chết biết lúc nào, sao người đời vẫn cứ còn mải miết đua chen chi vậy? Số người sống thanh thản chẳng thấy mấy ai? Tác giả chắc chắn phải làm bài thơ này khi đã bước qua ngưỡng tuổi “tri thiên mệnh”. Bài thơ khiến người đọc dễ đồng cảm, nếu cũng đã ở vào tuổi trên. Vậy sao không có thể mang tên “Cảm tác tuổi tri thiên mệnh” hoặc “Thanh thản”? (Có dấu?)
Tôi có hân hạnh được nhiều người làm thơ đọc cho nghe sáng tác khi mới hoàn thành. Nhiều vị loay hoay mãi không biết đặt tên bài thơ là gì, bèn nghĩ tới cái tên “Không đề”. Tôi bèn sẵn sàng nghĩ cùng họ. Có bài thấy ngay cái “tít”, có bài nghĩ mãi không ra. Nhưng phải nghĩ bằng được, không thể lười biếng. Rồi thì cũng tìm được, cũng ổn. Nhớ chuyện của bản thân. Một lần, tôi vô cùng rung động trước một đôi mắt, đã làm ngay một bài thơ ngắn để tặng đối tượng đang sở hữu đôi mắt kia. Rất nhanh, chẳng khó khăn gì để xong bài thơ:
Muốn bơi trong mắt em
Nhưng anh sợ bị đắm
Bởi tận cùng thăm thẳm
Anh nào biết nông sâu.
Nghĩ mãi không ra cái tên, định bụng bắt chước người khác đặt là “Không đề” cho xong. Nhưng rồi thấy không được, phí, bởi mình luôn phê phán việc này, nay lại mắc sao? Thế là phải một tuần sau, qua rất nhiều tìm kiếm, trăn trở, ảnh hưởng rõ rệt đến bữa ăn, giấc ngủ, tôi mới nghĩ ra được tên bài thơ, tự thấy rất vừa ý: “Sợ!”. Vâng, tên bài thơ trên là “Sợ!”. Ổn quá! Rất nhiều người ghi nhận.
Sáng tạo trong thơ luôn là một lao động vất vả, hao tốn nhiều năng lượng, nếu muốn thuyết phục được người thưởng thức. Cần xác định rằng nghĩ cái tên tác phẩm là một phần cần thiết sau khi hoàn thành công việc sáng tác, không thể coi nhẹ. Cũng như con người ta vậy. Lẽ nào ai đó vừa có hình thức bắt mắt, vừa có tính cách, phẩm chất hay, lại không có tên để thiên hạ muốn gọi phải xướng lên: “Ai ơi!” hoặc “Người ơi!”. Mong rằng thơ cũng thế, sẽ chẳng còn những bài thơ hay phải mang tên “Không đề”.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/tho-khong-de-nen-chang--i684592/