Thơ Lưu Quang Vũ vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn tỉnh Hòa Bình
Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ của bản thân về những điều nhà thơ Lưu Quang Vũ đề cập trong bài thơ 'Cầu nguyện'.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình vừa tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2023 2024, trong đó có môn Ngữ văn. Đề thi gồm hai câu: nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Nội dung câu nghị luận xã hội gần gũi, thiết thực, đem lại nhiều bài học bổ ích cho thí sinh.
Câu nghị luận xã hội: "Nguyện cho lòng tôi đừng sợ hãi/ Nguyện cho lòng tôi đừng nguội lạnh tình yêu". ("Cầu nguyện", Lưu Quang Vũ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2016, trang 195)
Anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về những điều nhà thơ đã "nguyện" ở hai câu thơ trên.
Gợi ý đáp án câu nghị luận xã hội
Giải thích: "Nguyện" là mong cầu tha thiết. "Sợ hãi" là cảm xúc tiêu cực, hoang mang, lo lắng thường gắn với sự hèn nhát. "Nguội lạnh tình yêu" là không còn tình yêu với cuộc đời, với con người, sống thờ ơ, lạnh lùng, vô cảm.
"Nguyện cho lòng tôi đừng sợ hãi" là mong cầu bản thân không sống trong sự yếu hèn, bạc nhược; sống khỏe mạnh mẽ, có bản lĩnh, dũng cảm.
"Nguyện cho lòng tôi đừng nguội lạnh tình yêu" là mong cầu bản thân không đánh mất tình yêu với cuộc đời, con người, luôn sống với trái tim nhân ái và tình yêu nồng nàn rộng mở.
Hai câu thơ "Nguyện cho lòng tôi đừng sợ hãi/ Nguyện cho lòng tôi đừng nguội lạnh tình yêu" thể hiện mong cầu của tác giả về một lối sống đẹp, có giá trị, cần thiết cho bản thân cũng như tất cả mọi người.
Bàn luận, chứng minh: "Nguyện cho lòng tôi đừng sợ hãi": Sự sợ hãi luôn tồn tại ở mỗi con người, do con người luôn có bản năng sinh tồn, khát vọng sống vui vẻ, hạnh phúc mà cuộc sống lại bất thường, luôn ẩn chứa nhiều rủi ro…
"Nếu để sự sợ hãi chế ngự con người sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả": Sẽ trở nên yếu đuối, bất lực trước hoàn cảnh, không bảo vệ được bản thân, gia đình; đánh mất cơ hội thành công; đánh mất cả danh dự, tự trọng.
"Khi chế ngự được nỗi sợ hãi, con người sẽ có được những điều tốt đẹp": sẽ trở nên bình tĩnh, sáng suốt, có sức mạnh và dũng khí để đối mặt và vượt qua thử thách; có cơ hội để thành công; đóng góp những điều tốt đẹp cho xã hội, được mọi người tin yêu, nể phục.
"Nguyện cho lòng tôi đừng nguội lạnh tình yêu": Tình yêu là một tình cảm đẹp đẽ vốn có ở con người. Bản thân con người từ lúc còn trong bụng mẹ tới lúc ra đời, lớn lên được nuôi dưỡng trong tình yêu thương.
Nếu nguội lạnh tình yêu, con người sẽ trở nên bất hạnh, trở nên dửng dưng, thờ ơ, mất khả năng đồng cảm, sẻ chia; không còn biết yêu thương con người và cũng không được mọi người tin yêu.
Khi giữ được tình yêu với con người và cuộc đời, cuộc sống sẽ có nhiều ý nghĩa: ta sẽ trở nên vui, vẻ lạc quan. Tình yêu nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách và lý tưởng tốt đẹp ở mỗi người; mối quan hệ giữa người với người trở nên gắn bó. Tình yêu giúp con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách đi đến thành công; giúp xã hội tiến bộ, văn minh. (Thí sinh lấy được dẫn chứng phù hợp để chứng minh)
Mở rộng vấn đề: Phê phán những người sống yếu hèn, bạc nhược, sợ hãi tất cả mọi thứ hoặc sống ích kỷ, vô cảm. "Nguyện cho lòng tôi đừng nguội lạnh tình yêu" không có nghĩa là không biết sợ. Con người cần phải biết cúi đầu trước cái đẹp, cái thiện, cái đạo lý, pháp luật… nếu không sẽ nhận hậu quả khôn lường.
"Nguyện cho lòng tôi đừng nguội lạnh tình yêu" không có nghĩa là dễ dàng trao đi tình cảm, bị chà đạp, phản bội vẫn cố chấp, níu kéo; yêu thương cần đúng người, đúng thời điểm.
Bài học nhận thức và hành động: Nhận thức được giá trị của lối sống mạnh mẽ và yêu thương. Đó là lối sống đẹp, sống có ích. Rèn luyện nghị lực, bản lĩnh sẵn sàng đối diện với mọi thử thách; rộng mở trái tim và luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp của cuộc sống; biết cảm thông, thấu hiểu với những phút giây yếu đuối, sợ hãi của người khác; biết buông bỏ khi nhận ra mình trao tình cảm chưa đúng nơi, đúng người.