Thổ Nhĩ Kỳ bắt 10 Đô đốc về hưu vì một bức thư ngỏ
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5/4 đã bắt giữ 10 Đô đốc về hưu vì một bức thư ngỏ chỉ trích chính phủ.
Hãng thông tấn Anadolu cho biết việc bắt giữ 10 Đô đốc về hưu này nằm trong cuộc điều tra về bức thư ngỏ do nhóm 104 quan chức cấp cao Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ về hưu cùng ký tên. Những nhân vật này bị bắt tại nhà ở Ankara, Istanbul và Kocaeli.
Công tố viên tại Ankara còn ban hành lệnh yêu cầu 4 nghi phạm khác đến trình diện cảnh sát Ankara trong vòng 3 ngày. Nhóm nghi phạm này không bị bắt giữ bởi tuổi tác đã cao. Văn phòng Tổng Công tố tại thủ đô Ankara đảm nhận nhiệm vụ thẩm vấn 14 trường hợp này.
Vào tháng 2, Ankara thông qua kế hoạch phát triển kênh vận tải biển tại Istanbul được coi có quy mô tương đương kênh đào Suez (Ai Cập) và Panama đồng thời tạo tuyến đường thay thế tới Biển Đen. Động thái này gây tranh cãi về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ không còn tuân thủ Công ước Montreux 1936.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ kỳ vọng kênh đào mới sẽ giảm gánh nặng với eo Bosphorus đang ở tình trạng quá tải và đã đón tới 38.000 tàu biển đi qua trong năm 2020.
Các ý kiến phản đối cho rằng kênh đào mới sẽ tác động xấu đến Công ước Montreux bởi công trình này tạo điều kiện để tàu thuyền di chuyển giữa Địa Trung Hải và Biển Đen mà không phải rẽ sóng qua eo biển Bosphorus và Dardanelles.
Công ước Montreux 1936 đảm bảo việc tàu dân sự lưu thông miễn phí qua các eo biển Bosphorus và Dardanelles. Công ước này còn đặt ra quy định về việc sử dụng eo Bosphorus và Dardanelles đối với tàu quân sự từ những quốc gia không thuộc Biển Đen.
Trong bức thư ngỏ công bố tối 2/4, các Đô đốc về hưu cho biết Công ước Montreux 1936 “bảo vệ tốt nhất lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ”. Họ lo lắng về việc Công ước Montreux bị đưa ra để tranh cãi.
Bức thư ngỏ đánh giá quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang đi ra khỏi con đường do Tổng thống đầu tiên Mustafa Kemal Ataturk đặt nền móng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 5/4 cam kết nước này sẽ không từ bỏ Công ước Montreux.