Thổ Nhĩ Kỳ bắt chị của al-Baghdadi, nói là 'mỏ vàng' tình báo
Thổ Nhĩ Kỳ gọi vụ bắt giữ chị gái của Abu Bakr al-Baghdadi là 'mỏ vàng' tình báo ở tây bắc Syria.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cấp cao nói nước này đã bắt giữ chị gái của thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi, người bị Mỹ tiêu diệt hôm 26-10, gọi vụ bắt giữ là “mỏ vàng” tình báo ở tây bắc Syria.
Theo kênh Press TV, có rất ít thông tin về chị gái của al-Baghdadi. Vị quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho hay người bị bắt này tên là Rasmiya Awad, 65 tuổi, bị tình nghi có liên hệ với nhóm cực đoan IS. Người này không đi sâu chi tiết.
Bà Awad bị bắt trong một cuộc bố ráp tối 4-11 trên một rờ-moóc công-ten-nơ mà bà đang sinh sống cùng với gia đình gần thị trấn Azaz, tỉnh Aleppo. Nơi này là một phần của khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ quản lý sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đánh bật IS và lực lượng tay súng người Kurd từ năm 2016. Các nhóm nổi dậy Syria đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ quản lý khu vực được gọi là vùng Lá chắn sông Euphrates.
Vị quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cho biết chị của Al-Baghdadi sống cùng chồng, con dâu và năm đứa con. Bà Awad cùng chồng và con dâu đang bị thẩm vấn.
“Đây là một mỏ vàng tình báo. Những gì bà ta biết về IS có thể mở rộng đáng kể sự hiểu biết của chúng tôi về nhóm này và giúp chúng tôi bắt thêm được nhiều kẻ xấu hơn”, vị quan chức nói.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 27-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo thủ lĩnh IS al-Baghdadi đã tự kích nổ áo vest chứa thuốc nổ và nổ tung mình sau khi bị lực lượng Mỹ dồn tới ngõ cụt trong một đường hầm trong chiến dịch bố ráp trong đêm ở tỉnh Idlib, tây bắc Syria.
Cuộc bố ráp là đòn giáng mạnh mẽ vào IS khi đội quân cờ đen đã mất lãnh thổ ở Syria và Iraq.
Nhiều thành viên IS đã trốn thoát thông qua các con đường lậu đến tây bắc Syria vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến trước khi IS mất lãnh thổ hồi đầu năm nay. Trong khi đó, những tay súng khác ẩn náu ở khu vực sa mạc tại Syria và Iraq.
Al-Baghdadi được cho là thân thiết với một trong số những người anh em của ông ta, người có bí danh Abu Hamza.
Trợ lý của al-Baghdadi, một người Saudi Arabia, đã bị tiêu diệt vài giờ sau cuộc bố ráp của Mỹ đêm 26-10, cũng ở tây bắc Syria. IS vài ngày sau đã xác nhận cái chết của Al-Baghdadi, đồng thời công bố thủ lĩnh mới. Tuy nhiên, có rất ít thông tin về người kế nhiệm al-Baghdadi cũng như cấu trúc của nhóm này đã bị ảnh hưởng như thế nào bởi các đòn giáng liên tiếp như vậy.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa những thành viên IS bị bắt trở về nước của họ
Theo kênh Al-Jazeera, Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích những quốc gia phương Tây vì không đưa những công dân bị bắt của họ, những người chiến đấu cho IS, trở về nước.
Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu ngày 4-11 cho hay Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa những thành viên IS đã bị bắt về lại đất nước của họ ngay cả khi quốc tịch của họ đã bị tước.
Ông Soylu ngày 4-11 chỉ trích các quốc gia châu Âu, nói rằng họ đang tạo ra “một hình thức mới của luật pháp quốc tế” bằng cách yêu cầu các tù binh IS phải được xét xử tại nơi họ bị bắt.
Ông Soylu cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ gần 1.200 thành viên IS nước ngoài và trong chiến dịch gần đây ở đông bắc Syria nhằm “dọn sạch” khu vực biên giới, họ đã bắt khoảng 287 tay súng khủng bố.
“Chúng tôi sẽ gửi trả lại những ai đang bị chúng tôi bắt giam, nhưng thế giới giờ đã tạo ra một phương pháp mới: tước quyền công dân của họ”, ông Soylu nói.
“Họ đang nói những người này nên được xét xử tại nơi họ bị bắt. Đây là một hình thức mới của luật pháp quốc tế, tôi đoán vậy. Điều này không thể chấp nhận. Chúng tôi sẽ gửi trả lại những thành viên IS bị chúng tôi bắt cho các quốc gia của họ cho dù họ quốc tịch của họ có bị tước hay không”, ông nói.
Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự ở đông bắc Syria chống lại Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) tháng trước sau quyết định của Tổng thống Trump rút lực lượng khỏi khu vực. Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), xương sống của SDF, là đồng minh hàng đầu của Mỹ trong cuộc chiến chống IS trong khu vực.
YPG đã canh giữ hàng ngàn thành viên IS trong các nhà tù trên khắp đông bắc Syria. Các quốc gia phương Tây nhiều lần từ chối cho hồi hương những công dân đã rời khỏi đất nước để gia nhập IS ở Syria và đã tước bỏ quốc tịch của nhiều người.
Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần yêu cầu các nước phương Tây hồi hương những công dân của họ chiến đấu cho IS, cáo buộc SDF phóng thích tù binh IS giữa lúc nước này phát động cuộc tấn công gần đây.
Ông Soylu ngày 4-11 cho hay các công dân nước ngoài bị bắt lại sẽ được đưa tới những nhà tù hay các khu trại ở các vùng do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát ở miền bắc Syria, gồm Jarablus, al-Bab, Azaz và Afrin.