Thổ Nhĩ Kỳ chặn tàu chiến qua 2 eo biển chiến lược

Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo tất cả quốc gia ven biển và không ở ven biển rằng họ sẽ không cho bất kỳ tàu chiến nào đi qua 2 eo biển chiến lược Bosphorus và Dardanelles của mình.

Tuyên bố trên của Thổ Nhĩ Kỳ được đài Sputnik đăng tải ngày 28-2.

Theo Công ước Montreux năm 1936, Thổ Nhĩ Kỳ được quyền kiểm soát 2 eo biển Bosphorus và Dardanelles, đồng thời có thể hạn chế tàu chiến qua lại trong thời chiến hoặc nếu bị đe dọa.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24-2, Kiev đã yêu cầu Ankara chặn các tàu chiến Nga đi qua 2 eo biển Dardanelles và Bosphorus dẫn đến biển Đen. Tuy nhiên, ngày 25-2, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thừa nhận nước ông không thể làm như vậy do quy định của Công ước Montreux.

Phát biểu tại Kazakhstan lúc đó, ông Cavusoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét yêu cầu của Ukraine nhưng Nga có quyền đưa các tàu trở về căn cứ của mình, trong trường hợp này là biển Đen.

"Nếu các nước liên quan đến cuộc chiến đưa ra yêu cầu trả tàu của họ về căn cứ thì điều đó cần phải được cho phép" - nhật báo Hurriyet dẫn lời ông Cavusoglu.

Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo tất cả quốc gia ven biển và không ở ven biển rằng họ sẽ không cho bất kỳ tàu chiến nào đi qua 2 eo biển chiến lược Bosphorus và Dardanelles của mình. Ảnh: Sputnik

Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo tất cả quốc gia ven biển và không ở ven biển rằng họ sẽ không cho bất kỳ tàu chiến nào đi qua 2 eo biển chiến lược Bosphorus và Dardanelles của mình. Ảnh: Sputnik

Song đến ngày 28-2, Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo tất cả quốc gia ven biển và không ở ven biển rằng họ sẽ không cho bất kỳ tàu chiến nào đi qua 2 eo biển chiến lược Bosphorus và Dardanelles của mình.

Chưa thấy Nga lên tiếng sau tuyên bố trên. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định họ "không lên kế hoạch xâm chiếm Ukraine và các lực lượng Nga sẽ rời khỏi Ukraine sau khi kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt".

Cùng ngày 28-2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói với đài Sputnik rằng quân đội Nga đã phá hủy 1.146 mục tiêu thuộc cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine kể từ khi phát động chiến dịch quân sự.

Trong số này có 31 trung tâm chỉ huy và truyền thông, 81 hệ thống phòng không S-300, Buk M-1 và Osa cùng với 75 trạm radar. Không quân Nga cũng "đánh trúng 6 đoàn xe bọc thép của Ukraine", phá hủy 311 xe tăng và xe bọc thép, 42 máy bay và máy bay trực thăng (bao gồm cả trên mặt đất), 51 bệ phóng rốc-két đa nòng, 147 khẩu pháo và súng cối và 263 phương tiện quân sự đặc biệt.

Trong khi đó, Reuters ngày 1-3 dẫn lời Thủ tướng Scott Morrison cho biết Úc đã cam kết tài trợ số vũ khí phòng thủ sát thương trị giá 50 triệu USD cho Ukraine, bao gồm tên lửa và đạn dược. Đây là sự thay đổi so với tuần trước khi Canberra tuyên bố chỉ hỗ trợ kỹ thuật quân sự cho Kiev.

Ông Morrison cũng kêu gọi công dân Úc không tham gia lực lượng chiến đấu tại Ukraine, đồng thời xác nhận sẽ hỗ trợ nhân đạo 25 triệu USD cho các tổ chức quốc tế để giúp đỡ Ukraine, bao gồm cung cấp lều trại, thực phẩm, chăm sóc y tế, nước uống và giáo dục.

Riêng Canada ngày 1-3 thông báo sẽ cung cấp vũ khí chống tăng cho Ukraine.

Phạm Nghĩa

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tho-nhi-ky-chan-tau-chien-qua-2-eo-bien-chien-luoc-20220301131040181.htm