Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán với Thụy Điển, Phần Lan về việc gia nhập NATO

Các phái đoàn từ Thụy Điển và Phần Lan đã có mặt tại Ankara hôm thứ Tư (25/5) để tìm cách hóa giải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ về việc họ gia nhập liên minh quân sự NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ phản đối sự gia nhập của các nước Bắc Âu, với lý do rằng các nước này công nhận Đảng Công nhân Kurdistan, hay PKK, cũng như lực lượng dân quân người Kurd ở Syria do Mỹ hậu thuẫn, YPG. Ankara đã tuyên bố những nhóm này là mối đe dọa đối với an ninh của đất nước.

Cuộc đàm phán 3 bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan hôm 25/5. Ảnh: DPA

Bài liên quan

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ ngăn Phần Lan và Thụy Điển tham gia nhập NATO?

Thổ Nhĩ Kỳ nêu các điều kiện để Phần Lan và Thụy Điển có thể gia nhập NATO

Thổ Nhĩ Kỳ hội đàm với Thụy Điển, Phần Lan về việc gia nhập NATO

Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO

Phái đoàn Thụy Điển do Ngoại trưởng Oscar Stenstrom dẫn đầu và phái đoàn Phần Lan do người đồng cấp Jukka Salovaara dẫn đầu đã gặp người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin và Thứ trưởng Ngoại giao Sedat Onal tại dinh Tổng thống ở Ankara.

Trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm kéo dài khoảng 5 giờ, ông Kalin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã quan sát thấy "cách tiếp cận tích cực" của cả hai nước khi dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu vũ khí. Tuy nhiên, ông cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đồng ý cho hai nước Bắc Âu gia nhập NATO trừ khi có các bước cụ thể để giải quyết sự phản đối của Ankara.

Ông Ibrahim Kalin phát biểu trong một cuộc họp báo rằng: “Chúng tôi đã nói rõ rằng nếu những lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ không được đáp ứng bằng các bước cụ thể trong một khung thời gian nhất định, thì quá trình gia nhập NATO sẽ không tiến triển".

Hai nước Bắc Âu đã xin gia nhập liên minh NATO như một biện pháp phòng thủ trước những đe dọa từ phía Nga, chấm dứt nhiều thập kỷ trung lập về quân sự. Phần Lan, quốc gia có đường biên giới dài 1.300 km với Nga, và nước láng giềng Thụy Điển đã bị xáo trộn bởi cuộc xung đột ở Ukraine.

Ankara cáo buộc hai nước đã tạo nơi trú ẩn an toàn cho PKK và từ chối dẫn độ những kẻ khủng bố. Thụy Điển và Phần Lan cũng đặt ra các hạn chế đối với việc xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc tấn công quân sự chống lại YPG vào năm 2019.

PKK được một số đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả EU, liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Tổ chức này đã tiến hành một cuộc nổi dậy kéo dài hàng thập kỷ chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hoàng Nam (theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tho-nhi-ky-dam-phan-voi-thuy-dien-phan-lan-ve-viec-gia-nhap-nato-post196496.html