Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra 10 yêu sách cho Phần Lan, Thụy Điển

Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa cho Phần Lan và Thụy Điển một danh sách 10 yêu cầu mà họ phải đáp ứng để nước này ủng hộ hai quốc gia làm thành viên NATO.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trong cuộc họp báo ở Ankara ngày 9/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trong cuộc họp báo ở Ankara ngày 9/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đài RT, thông tin trên do hãng tin Yeni Safak cung cấp ngày 8/6.

Mặc dù Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa xác nhận tính xác thực của danh sách này, nhưng các yêu cầu trong dach sách cũng tương tự với các tuyên bố chính thức trước đó của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối hai nước Bắc Âu nói trên gia nhập liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thổ Nhĩ Kỳ coi Phần Lan và Thụy Điển là “nhà nghỉ cho các tổ chức khủng bố” do hai nước này chứa chấp các thành viên của nhóm người Kurd, như Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) – nhóm bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là ngoài vòng pháp luật.

Nếu được xác nhận là có thật, danh sách các yêu cầu trên cho thấy rằng những lo ngại về khủng bố vẫn là vấn đề then chốt đối với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến hồ sơ gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. 7 trong số 10 yêu sách có liên quan đến vấn đề này.

Đứng đầu danh sách, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Phần Lan và Thụy Điển hỗ trợ mình trong cuộc chiến chống lại các tổ chức khủng bố, bao gồm PKK và Tổ chức khủng bố Fetullah (FETO) - tổ chức bị nghi ngờ âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016.

Một điều kiện khác trong danh sách của Thổ Nhĩ Kỳ là Thụy Điển và Phần Lan phải thiết lập các quy định pháp lý và khuôn khổ pháp lý cần thiết cho cuộc chiến chống khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn chính quyền Thụy Điển và Phần Lan ngăn chặn mọi nỗ lực thành lập văn phòng của các chi nhánh PKK. Các hoạt động của FETO ở hai nước phải bị cấm và các trang web cũng như văn phòng báo chí của tổ chức này phải bị đóng cửa

Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu phong tỏa tài sản đối với các tổ chức liên quan đến khủng bố, trục xuất và dẫn độ các nghi phạm khủng bố, đồng thời cấm biểu tình.

Theo yêu cầu, Phần Lan và Thụy Điển cũng phải chia sẻ thông tin tình báo với Thổ Nhĩ Kỳ và gỡ bỏ các biện pháp cấm áp đặt lên ngành quốc phòng nước này.

Vào năm 2019, một số quốc gia châu Âu, trong đó có Thụy Điển và Phần Lan, đã áp đặt lệnh cấm buôn bán vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ để phản ứng khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công quân sự ở Syria.

Điểm cuối cùng trong danh sách yêu cầu là: “Nếu Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên của NATO, họ phải thực hiện những cam kết này”.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto thừa nhận rằng do lập trường của các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan đã thấy mình ở trong tình trạng “chuộc tội”, điều mà họ chưa sẵn sàng.

Vào cuối tháng 5, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đã phản hồi về mối quan tâm chính của Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng bà có thể dễ dàng làm rõ rằng Thụy Điển không gửi tiền hoặc vũ khí cho các tổ chức khủng bố.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhiều lần tuyên bố rằng các mối quan ngại về an ninh của tất cả các thành viên cần được giải quyết, nhưng không công khai kêu gọi Thụy Điển và Phần Lan đáp ứng các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông tin rằng các quốc gia chắc chắn sẽ vượt qua được những khác biệt.

Cần có sự đồng thuận từ tất cả các quốc gia NATO để thêm một thành viên mới vào liên minh.

Phần Lan và Thụy Điển đã quyết định gia nhập NATO. Nga đã chỉ trích động thái này, nói rằng họ coi đây là một mối đe dọa đối với an ninh của chính mình và do đó sẽ phải đưa ra biện pháp đáp trả thích hợp.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tho-nhi-ky-dua-ra-10-yeu-sach-cho-phan-lan-thuy-dien-20220609074619022.htm