Thổ Nhĩ Kỳ, Đức phản ứng trái chiều việc NATO kết nạp Phần Lan, Thụy Điển
Thổ Nhĩ Kỳ và Đức đã có những phản ứng trái chiều trong vấn đề kết nạp thành viên mới Thụy Điển và Phần Lan vào khối NATO.
Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các cuộc đàm phán tại Berlin - Đức vào cuối tuần này để giải quyết những bất đồng về kế hoạch gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của 2 quốc gia Bắc Âu - theo Reuters.
Thụy Điển và Phần Lan đang chuẩn bị nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự NATO. Mục đích của 2 quốc gia Bắc Âu này là để đối phó với tình hình an ninh bị thay đổi cơ bản do cuộc xung đột Nga - Ukraine.
"Điều đó đã kéo theo những cảnh báo từ phía Moscow và cả sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ, một trong 30 quốc gia là thành viên của NATO" - theo Reuters.
Tại Berlin, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói với các phóng viên rằng việc các thành viên tương lai của NATO ủng hộ nhóm các tay súng Đảng Công nhân người Kurd (PKK) là điều "không thể chấp nhận được và gây phẫn nộ".
"Vấn đề là 2 quốc gia này đang công khai ủng hộ và can dự với PKK và YPG (Lực lượng Dân quân người Kurd). Đây là những tổ chức khủng bố đã và đang tấn công quân đội của chúng tôi hằng ngày. Phần lớn người dân Thổ Nhĩ Kỳ không đồng ý với điều này" - ông Cavusoglu cho biết.
Trái với phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ, phía Đức nhấn mạnh "đã chuẩn bị mọi thứ cho quá trình phê chuẩn nhanh chóng nếu Phần Lan và Thụy Điển quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO".
Thông điệp trên được Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock tuyên bố ngày 15-5, đồng thời nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh của cả 2 quốc gia Phần Lan và Thụy Điển.
"Nếu quyết định tham gia, họ có thể được kết nạp nhanh chóng. Chúng tôi sẽ đảm bảo an ninh cho họ. Không nên có vùng xám giữa thời gian họ nộp đơn và thời gian họ được kết nạp" - hãng tin Reuters dẫn lời bà Annalena Baerbock nhấn mạnh.
Các cuộc đàm phán tại Berlin đã bước sang ngày thứ hai. Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavesto cho biết ông tin tưởng rằng cuối cùng sẽ tìm được giải pháp. Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde thì nói rằng bà sẽ "tìm cách giải quyết mọi hiểu lầm".
Trước đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã hứa với cả 2 nước Bắc Âu nêu trên về sự chào đón nồng nhiệt và một thủ tục kết nạp thành viên mới nhanh chóng.
"Các đồng minh sẽ xem xét các bảo đảm an ninh cho Phần Lan và Thụy Điển trong thời gian phê chuẩn - có thể kéo dài tới một năm" - hãng Reuters cho biết - "Trong thời gian này, 2 nước Bắc Âu chưa được bảo vệ bởi Điều 5 của NATO - vốn bảo đảm rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào một đồng minh sẽ là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên".