Thổ Nhĩ Kỳ-NATO muốn 'vẽ bức tranh Libya' theo ý mình, Nga sẽ không ngồi yên 'thưởng lãm'
Với thắng lợi trước mắt, Thổ Nhĩ Kỳ cùng NATO đang sắp đặt lại cuộc xung đột Libya theo ý mình. Nhưng, Nga dường như vẫn chưa từ bỏ tham vọng.
Được đà tiến lên
Ngày 4/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) - Fayez al-Sarraj - được quốc tế công nhận của Libya, tại Ankara. Trong cuộc gặp gỡ, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận chi tiết về một giải pháp chính trị khả thi cho cuộc chiến ở quốc gia Bắc Phi.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những bên ủng hộ chính của GNA trong cuộc chiến chống lại Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo. Trong đó LNA được Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ai Cập hậu thuẫn, được cho là có cả sự ủng hộ ngầm từ Nga.
Ban đầu, Ankara tập trung vào nỗ lực đảm bảo ngừng bắn giữa GNA và LNA, nhưng kể từ khi tướng Haftar từ chối ký thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 1, Ankara đã từ bỏ giải pháp thuyết phục bằng lời nói mà chuyển sang hành động.
Để đạt được mục đích này, Ankara đã tăng cường hỗ trợ quân sự và hậu cần cho GNA để đảo ngược cuộc chiến. Qua đó, GNA đã đạt được những thành tựu đáng kể và chiếm được một số thành trì quan trọng chiến lược của LNA, bao gồm căn cứ không quân al-Watiya gần biên giới Tunisia và sân bay quốc tế Tripoli.
Những thắng lợi gần đây của GNA đã buộc tướng Haftar quay trở lại bàn đàm phán và các bên tham chiến đã tuyên bố đồng ý nối lại các cuộc đàm phán ngừng bắn.
Tuy nhiên, những diễn biến mới này không khiến Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ mục tiêu về một giải pháp chính trị của riêng mình. Được khuyến khích bởi những thành công nói trên, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang nỗ lực củng cố sự hỗ trợ từ NATO và Italy - một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất của GNA kể từ đầu cuộc chiến - để thực hiện một giải pháp chính trị mà không cần đến sự tham gia của LNA. Hay nói cách khác, Ankara muốn tự mình phân định chiến thắng thuộc về GNA mà không cần đàm phán.
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tăng cường đàm phán với Mỹ về tương lai của Libya. Washington thông báo đang xem xét triển khai lực lượng do lo ngại về các hoạt động của Nga ở Libya.
Trong khi Nga dường như vẫn đang ngầm ủng hộ tướng Haftar. Có những dấu hiệu cho thấy Moscow cũng có thể đang không còn hào hứng với lực lượng LNA như trước.
Libya sẽ là Syria thứ hai cho Thổ Nhĩ Kỳ?
Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã nổi lên ở Libya như một người chiến thắng rõ ràng. Nhưng một số chuyên gia tiếp tục lo ngại rằng Libya có thể sớm trở thành một “vũng lầy” Syria mới đối Thổ Nhĩ Kỳ, nơi nước này bị trói buộc trong vòng xoáy quan hệ-cạnh tranh tốn kém với Nga.
Tuy nhiên, nói với Al Jazeera, nhà phân tích an ninh Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Agar tin rằng Libya sẽ khó có thể trở thành một điểm tối cho Thổ Nhĩ Kỳ như Syria.
Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó ở Syria bởi nước này ủng hộ một loạt các nhóm phiến quân chống lại chính quyền hợp pháp. Nhưng tại Libya, Thổ Nhĩ Kỳ lại đang hỗ trợ cho thế lực hợp pháp duy nhất, GNA, chống lại thế lực không được phương Tây ủng hộ như LNA.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Nga sẽ dễ dàng từ bỏ mục tiêu của mình ở Libya. Với sự tham gia của phương Tây ở Libya, Nga vẫn muốn mình có phần tại đây khi muốn chiếm lĩnh ảnh hưởng ở một số vùng lãnh thổ và tài nguyên năng lượng chiến lược của đất nước. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ muốn ôm trọn lợi ích ở Libya và muốn chính quyền GNA kiểm soát toàn bộ đất nước.
Khi mục tiêu xung đột, có khả năng sự hợp tác mong manh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ở Libya sẽ gặp trở ngại đáng kể trong những ngày tới giống như quan hệ đối tác thực dụng và có điều kiện của cả hai ở Syria.
Đồng minh hay đối thủ?
Tại Libya, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có mối quan hệ phức tạp với Italy. Cả hai quốc gia có mối quan hệ lịch sử và lợi ích ở Libya khiến họ đang đứng cùng một chiến tuyến trong cuộc xung đột.
Tuy nhiên, sau tuyên bố của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tháng trước về việc NATO đã sẵn sàng hỗ trợ GNA ở Libya, hai quốc gia đã tham gia vào một cuộc đua để trở thành lực lượng thống trị trong chiến lược của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương. Tham vọng chung của Rome và Ankara là phải trở thành lãnh đạo ảnh hưởng nhất trong cuộc xung đột Libya.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo Italy và Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya có thể sẽ đi đến một kết thúc giống như Nga và Iran ở Syria - ủng hộ cùng một phía, nhưng khi thành công sẽ tiến tới loại bỏ nhau.
Ngày nay, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã đạt được hầu hết các mục tiêu của mình ở Libya. Với việc lực lượng của tướng Haftar thoái lui, Ankara đang có một vị thế hoàn hảo để đặt nền tảng cho một giải pháp chính trị mang lại lợi ích cho mình.
Tuy nhiên, Ankara vẫn phải đối mặt với những thách thức từ các đồng minh và đối thủ. Thời gian sẽ trả lời xem liệu Thổ Nhĩ Kỳ có xoay sở để tránh bị vướng vào một mạng lưới các lợi ích xung đột như ở Syria hay không.