Thổ Nhĩ Kỳ nêu điều kiện giúp Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO

Để có thể gia nhập NATO, cả Phần Lan lẫn Thụy Điển đều cần có sự ủng hộ của cả 30 quốc gia thành viên thuộc liên minh.

Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 15/5 cho biết, Thụy Điển và Phần Lan phải ngừng hỗ trợ các nhóm đối lập đang bị Ankara liệt vào danh sách tổ chức khủng bố, đưa ra các đảm bảo an ninh rõ ràng và dở bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với Thổ Nhĩ Kỳ khi hai quốc gia này muốn trở thành thành viên của NATO.

Tuyên bố trên được ông Cavusoglu đưa ra ngay sau cuộc họp ngoại trưởng các nước thành viên NATO tại Berlin, đồng thời cho biết ông đã gặp những người đồng cấp Thụy Điển và Phần Lan và tất cả đều đang tìm cách giải quyết các mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu trong cuộc họp báo hôm 15/5. (Ảnh: AP)

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu trong cuộc họp báo hôm 15/5. (Ảnh: AP)

Ông Cavusoglu nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ không đe dọa bất kỳ ai hoặc tìm kiếm lợi thế nhưng đặc biệt tỏ ra quan ngại về việc Thụy Điển ủng hộ nhóm chiến binh thuộc Đảng Lao động người Kurd (PKK), bị Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu và Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Cũng trong cùng ngày, Phần Lan xác nhận rằng họ sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO và Thụy Điển dự kiến sẽ có hành động tương tự, như một phần phản ứng của hai nước Bắc Âu khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây ra một trở ngại, vì bất kỳ quyết định nào về việc mở rộng NATO đều cần có sự chấp thuận của tất cả 30 quốc gia thành viên.

"Nhất thiết phải có đảm bảo an ninh. Họ cần phải ngừng hỗ trợ các tổ chức khủng bố", Ngoại trưởng Cavusoglu nói, đồng thời yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu một số hàng hóa trong lĩnh vực quốc phòng sang Thổ Nhĩ Kỳ.

"Lập trường của chúng tôi hoàn toàn cởi mở và rõ ràng. Đây không phải là một mối đe dọa, đây không phải là một cuộc đàm phán mà chúng tôi đang cố gắng tận dụng lợi thế của mình", ông Cavusoglu nói.

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã gây bất ngờ cho các đồng minh NATO và các nước Bắc Âu khi đưa ra tuyên bố Ankara không thể ủng hộ kế hoạch gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan khi hai quốc gia Bắc Âu này ủng hộ PKK.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của ông Erdogan sau đó nói Thổ Nhĩ Kỳ không đóng cánh cửa vào NATO đối với hai nước Bắc Âu.

Về phần mình Ngoại trưởng Cavusoglu nhắc lại rằng Thổ Nhĩ Kỳ không phản đối chính sách mở rộng của khối này.

Ông Cavusoglu cho biết các cuộc đàm phán với những người đồng cấp Thụy Điển và Phần Lan diễn ra tốt đẹp và họ đã đưa ra những đề xuất nhằm giảm bớt những lo ngại chính đáng của Ankara, điều mà Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xem xét.

Theo quy định, việc kết nạp một thành viên mới yêu cầu sự đồng thuận của tất cả thành viên NATO. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhiều lần khẳng định Thụy Điển và Phần Lan sẽ được chào đón nồng nhiệt nếu quyết định gia nhập NATO. Theo ông Stoltenberg, cả Phần Lan và Thụy Điển đều có mối quan hệ mật thiết với liên minh quân sự này bởi hai quốc gia Bắc Âu thường xuyên tập trận chung với lực lượng của NATO.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến Phần Lan và Thụy Điển phải xem xét lại chiến lược an ninh của mình và nỗ lực thúc đẩy việc gia nhập NATO. Sau khi Phần Lan cam kết nộp đơn gia nhập NATO, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cho rằng tư cách thành viên của nước này sẽ có tác dụng giữ ổn định và mang lại lợi ích cho các nước xung quanh biển Baltic.

Trà Khánh(Nguồn: Reuters)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tho-nhi-ky-neu-dieu-kien-giup-phan-lan-thuy-dien-gia-nhap-nato-ar677010.html