Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện mỏ đất hiếm lớn thứ hai thế giới, nhưng 'trữ lượng không phải tất cả'
Trang tin MarketWatch dẫn lời quan chức Bộ Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã phát hiện mỏ đất hiếm lớn thứ hai thế giới tại nước này.
Mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn thứ hai thế giới
Theo một tuyên bố từ Bộ Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ, một địa điểm ở khu vực trung tâm Anatolia có chứa 694 triệu tấn đất hiếm. Quan chức bộ này cho biết thêm, mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới là ở Trung Quốc với trữ lượng 800 triệu tấn.
Các nguyên tố đất hiếm được sử dụng trong một loạt các ngành công nghiệp, từ công nghệ tiêu dùng đến lĩnh vực ô tô và hàng không.
Theo Fatih Dönmez - Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ, trong số 17 nguyên tố đất hiếm, 10 nguyên tố sẽ khai thác tại mỏ đất hiếm này.
"Chúng tôi sẽ xử lý 570.000 tấn quặng mỗi năm. Khoảng 10.000 tấn oxit đất hiếm sẽ thu được từ quặng đã qua xử lý", ông Dönmez cho biết thêm.
Mới đây, Bộ trưởng Dönmez cũng đã đăng tin trên trang Twitter cá nhân rằng, việc xây dựng thí điểm một nhà máy - nơi sẽ xử lý 1.200 tấn đất hiếm mỗi năm - sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng, tuy có tên gọi là đất hiếm, nhưng chúng không phải là quá hiếm.
Lewis Black - Giám đốc điều hành của công ty khai thác vonfram Almonty Industries Inc - cho biết: "Có rất nhiều đất hiếm trên hành tinh này."
Jon Hykawy - Chủ tịch công ty tư vấn kỹ thuật và nghiên cứu tài nguyên quan trọng Stormcrow Capital nói: "Câu châm ngôn "hàm lượng là vua" trong khai thác mỏ vẫn luôn đúng. Nếu phát hiện lần của Thổ Nhĩ Kỳ có trữ lượng khổng lồ nhưng hàm lượng rất thấp, thì chúng tôi thường gọi vật chất như thế là "tạp chất".
Theo ông Hykawy, nếu có thể kiếm được đất hiếm với chi phí thấp, chúng có thể rất hữu ích. "Nam châm được tạo ra từ sự kết hợp của neodymium hoặc praseodymium (hai loại đất hiếm), sắt và boron (cả hai đều không phải là đất hiếm), sẽ cực kỳ mạnh mẽ so với nam châm sắt nguyên chất", ông Hykawy cho biết.
Ông Hykawy giải thích thêm rằng, nam châm có thể hữu ích trong máy bay không người lái và các sản phẩm khác. "Nam châm càng nhỏ và mạnh thì động cơ điện càng nhỏ và mạnh hơn. Vì vậy, điều này sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ, từ điện tử tiêu dùng, thiết bị gia dụng cho đến ô tô", ông Hykawy nói.
Xử lý đất hiếm không phải là việc dễ dàng
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, việc biến các mỏ đất hiếm thành thành công về mặt tài chính thường "nói dễ hơn làm".
Ông Lewis Black cho biết, quá trình xử lý đất hiếm mang lại một loạt thách thức độc đáo. "Có rất nhiều hóa chất nặng trong quá trình tinh chế, sau quá trình chiết xuất. Bạn phải xử lý điều đó rất cẩn thận", ông Black nói.
Luisa Moreno - đối tác quản lý của công ty tư vấn về khai thác khoáng sản và năng lượng Tahuti Global – cho biết, tầm quan trọng của phát hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phụ thuộc vào việc liệu nó thể đem lại lợi ích kinh tế hay không, "trữ lượng không phải là tất cả".
Bà Moreno cũng lấy ví dụ về những thách thức mà dự án đất hiếm tại Kvanefjed (Greenland) đang phải đối mặt. Năm ngoái, Quốc hội Greenland đã cấm khai thác uranium, một động thái ngăn chặn hoạt động của dự án đất hiếm rất lớn này.
Bất chấp những khó khăn liên quan đến việc khai thác đất hiếm, bà Moreno còn nhấn mạnh phạm vi ứng dụng khổng lồ của các nguyên tố đất hiếm.
Bà Moreno giải thích: "Thị trường xe điện sẽ cần một lượng lớn nam châm đất hiếm. Đất hiếm cũng rất quan trọng đối với ngành công nghiệp quốc phòng và được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng y tế (như máy MRI), làm phân bón, làm vật liệu phốt pho cho các ứng dụng chiếu sáng và màn hình, trong kiểm soát khí thải, và rất cần thiết cho nhà máy lọc dầu..."
Trong tuyên bố của mình, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ Dönmez dự đoán rằng, 72.000 tấn barit, 70.000 tấn fluorit và 250 tấn thori sẽ thu được từ mỏ đất hiếm ở trung tâm Anatolia.
Theo đó, barit sẽ được sử dụng trong hoạt động thăm dò dầu khí và công nghiệp chăm sóc sức khỏe, trong khi fluorit được sử dụng trong sản xuất thép. Thorium đang được quảng cáo là nhiên liệu cho ngành công nghiệp điện hạt nhân.